Cơ hội gia tăng thị phần cá tra tại châu Âu

Thu Hà | 11:30 03/06/2022

Trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các thị trường ở châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá tra cần phải tìm cách để mở rộng thị phần mặt hàng này.

Cơ hội gia tăng thị phần cá tra tại châu Âu
Xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng cao gần 90% đạt trên 1,2 tỷ USD.

Xuất khẩu cá tra vẫn giữ được đà tăng trưởng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 5/2022, xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng như trong tháng 4/2022 nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng xuất khẩu cá tra trong tháng 5 tăng 65%, đạt 245 triệu USD, cũng tăng trưởng thấp hơn so với tháng 4. Tuy nhiên, luỹ kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng cao gần 90% đạt trên 1,2 tỷ USD.

Năm nay, lạm phát giá thực phẩm và thuỷ sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh, nhất là thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Cho tới thời điểm này, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 31.000 - 32.500 đồng/kg.

Tương tự, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng từ 10-20% so với trước. Thị trường tiêu thụ tốt nhưng cá nguyên liệu cho chế biến vẫn đang thiếu hụt, đặc biệt nguồn cá đủ tiêu chuẩn xuất đi Mỹ và EU. VASEP dự báo, sự mất cân đối nguồn cung này sẽ còn tiếp tục cho tới hết quý III.

xuat-khau-ca-tra.png
Xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng cao gần 90% đạt trên 1,2 tỷ USD.

Cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường

Xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến trong nước cạnh tranh tốt và mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga.

Mỹ là thị trường lớn thứ 2, giá trị xuất khẩu cũng tăng 136% tương đương 241 triệu USD. Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU cũng tăng hơn 84% với giá trị đạt 65 triệu USD.

Tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha vào cuối tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã giới thiệu cho khách một số sản phẩm giá trị gia tăng và tranh thủ tìm kiếm, kí thêm nhiều đơn hàng mới. Dự báo, trong quý 2 này, xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống lớn tiếp tục khả quan.

Mới đây, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ đã công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra được phép chế biến, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ.

Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu. Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tới hồi kết, sau sự ngưng trệ của hoạt động giao thương thì nay xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này đã kết nối trở lại. Những diễn biến mới này có thể thúc đẩy xuất khẩu cá tra tăng trưởng khả quan hơn nữa trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp chế biến trong nước vẫn đang tận dụng cơ hội để gia tăng các đơn hàng xuất khẩu khi giá xuất khẩu bình quân sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh sang hầu hết các thị trường tăng mạnh.

Theo VASEP nhận định: Năm nay, lạm phát giá thực phẩm và thuỷ sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh, nhất là thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cá tra đang hoang mang khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì quy định kiểm tra chặt dấu vết Covid trên thủy sản nhập khẩu, đã có một số doanh nghiệp bị trả hàng về và bị tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này vì lý do Covid. Mặc dù một số thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng chính sách zero Covid vẫn còn là trở ngại lớn với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài các thị trường truyền thống, những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mexico, Ai Cập và Thái Lan.

Sau hơn 3 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hoạt động xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường này nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng đông đảo hơn. Hiện nay, Mexico là thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong khối thị trường CPTPP.

Những tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt trên 40 triệu USD - tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Thái Lan và Ai Cập cũng ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 80% đạt lần lượt 38 triệu USD và 14 triệu USD.

VASEP cho biết Thái Lan vốn là thị trường mới mới của cá tra Việt Nam trong những năm gần đây. Cũng giống như Trung Quốc, yếu tố về khoảng cách địa lý, nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng trưởng đã thu hút nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Mặt khác, VASEP nhận định tình hình chiến sự Nga chưa đến hồi kết, vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có khai thác thủy sản, khiến nguyên liệu khan hiếm vì chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp hiện nay.

Hiện tại Việt Nam đang chiếm 90 – 94% thị phần cá tra trên thế giới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chủ động từ ký kết đủ đơn hàng xuất khẩu cá tra đến hết quý 2/2022, chuẩn bị kho hàng dự trữ, xây thêm nhà máy chế biến có công suất cao, tập trung nguồn lực vào nuôi trồng, đa dạng hóa sản phẩm từ cá tra… Ngành cá tra phấn khởi với các dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2022, nhưng người nuôi cần lên kế hoạch thả nuôi hợp lý, đảm bảo cân đối cung – cầu ổn định để ngành cá tra phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu. Đồng thời, cần nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA hơn nữa trong thời gian tới vì còn nhiều dư địa để phát triển; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội gia tăng thị phần cá tra tại châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO