Cổ đông lớn nhất của Novaland tiếp tục bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu NVL

Hà Linh | 18:02 04/05/2023

Ngoài việc liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp, Novagroup còn chủ động đăng ký bán 38 triệu cổ phiếu NVL với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ.

Cổ đông lớn nhất của Novaland tiếp tục bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu NVL

CTCP Novagroup vừa thông báo đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3,4 triệu cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 24-27/4/2023.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Novagroup đã giảm từ 29,259% xuống còn 29,0814% tương ứng lượng nắm giữ hơn 567 triệu cổ phiếu NVL và vẫn là cổ đông lớn nhất tại Novaland. Bên cạnh đó, Novagroup còn là tổ chức có liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Novaland.

Đây không phải lần đầu Novagroup bị bán giải chấp cổ phiếu NVL. Từ đầu năm, tổ chức này đã bị công ty chứng khoán ép bán hàng triệu cổ phiếu. Ngoài ra, Novagroup còn chủ động đăng ký bán 38 triệu cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian từ 30/3-28/4 với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ. Đến thời điểm hiện tại, Novagroup chưa có báo cáo kết quả giao dịch trên.

Trước diễn biến tương tự, một cổ đông lớn khác của Novaland là CTCP Diamond Properties đã đăng ký bán ra 18 triệu cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian từ 8/5-8/6/2023 với mục đích cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ. Nếu giao dịch thành công, cổ đông lớn này sẽ giảm sở hữu 202,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,36%) xuống 184,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,42%).

Trên thị trường, thị giá NVL đang dừng ở mức 13.550 đồng/cp, tăng hơn 32% so với đáy lịch sử hồi đầu tháng 3. Dù vậy, cổ phiếu này vẫn giảm đến gần 81% so với thời điểm trước khi lao dốc đầu tháng 11 năm ngoái. Giá trị vốn hoá cũng theo đó bốc hơi 110.000 tỷ sau nửa năm, chỉ còn 26.400 tỷ đồng.

screenshot-2023-05-04-at-17.34.45.png

Về kết quả kinh doanh quý đầu năm, Novaland lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.045 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu sụt giảm mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 600 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn này báo lỗ trong một quý kể từ khi niêm yết vào năm 2016 đến nay.

Trước đó, trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, Novaland đã có giải trình về việc hoạt động liên tục. Theo đó, tại ngày 31/12/2022, tập đoàn đang có 5.537 tỷ đồng đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Novaland đang đàm phán với các ngân hàng để giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng.

Tính đến ngày lập BCTC hợp nhất (17/4/2023), Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và Ban Tổng giám đốc cho rằng Novaland sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.

Để bổ sung dòng tiền, Novaland đã được cổ đông chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo kế hoạch, công ty sẽ phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ phát hành mới khoảng 19.500 tỷ đồng sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ, thanh toán chi phí lương và đầu tư vào dự án của tập đoàn. Ngoài ra, Novaland có kế hoạch phát hành 975 triệu cổ phiếu thông qua phát hành riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 9.750 tỷ đồng.

Về việc tái cấu trúc khoản nợ vay và nợ trái phiếu, tại ngày 31/12/2022, tổng số nợ vay và nợ trái phiếu là 64.869 tỷ đồng. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, Novaland đã thanh toán được 1.985 tỷ đồng trên dư nợ gốc. Với số dư nợ còn lại, tập đoàn đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ để tiến hành gia hạn hoặc sẽ thanh toán một phần bằng cách thanh lý một số tài sản thuộc sở hữu của các bên liên quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cổ đông lớn nhất của Novaland tiếp tục bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu NVL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO