Có bao nhiêu tiền mới dám tự tin xin nghỉ việc: Người chỉ cần 10 triệu, người tích sẵn 300 triệu đồng vẫn thấy bất an

Nguyệt | 17:32 16/06/2024

Tài chính là yếu tố bạn cần đặc biệt quan tâm trước khi nộp đơn xin nghỉ việc.

Có bao nhiêu tiền mới dám tự tin xin nghỉ việc: Người chỉ cần 10 triệu, người tích sẵn 300 triệu đồng vẫn thấy bất an

Nghỉ việc là một quyết định khó khăn, và càng trở nên nhiều rủi ro hơn trong thời điểm kinh tế khó khăn, các công ty đồng loạt cắt giảm nhân sự. Điều này khiến nhiều người trẻ có dự định rời bỏ công ty hiện tại hoang mang với câu hỏi: "Tài khoản có bao nhiêu tiền thì bạn tự tin xin nghỉ việc?"

Nghỉ việc khi trong túi chỉ vỏn vẻn... 10 triệu

Việt Hằng (23 tuổi, Hà Nội) nghỉ việc khi bản thân chỉ còn 10 triệu - một số tiền tích lũy không nhiều, bằng đúng một tháng lương. "Mình nghỉ việc vì lương thấp, công việc nhàn. Ở đây, mình không tìm thấy cơ hội phát triển bản thân", Hằng nói.

Việt Hằng nghĩ bản thân là người ra quyết định nghỉ việc khá nhanh chóng. Song, cô cũng đã tính toán trước các rủi ro về mặt tài chính khi không còn nguồn thu nhập trong những tháng sau. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến Việt Hằng dứt khoát nộp đơn nghỉ việc vì đã tìm thấy một công việc freelancer bên ngoài. Với công việc làm thêm là viết kịch bản, cô nàng kiếm được khoảng 3 triệu đồng/tháng.

9e9bb0f693ec775f641cb7b3ce2e1d5d.jpg
Ảnh minh hoạ

"Trước khi nghỉ việc, mình nghĩ bản thân có nhà ở quê. Trong trường hợp sau này mãi không tìm được việc mới thì mình có thể chuyển về nhà ở tạm một thời gian. Nhưng mình không ưu ái lựa chọn này lắm vì không thích cảm giác sống dựa dẫm vào bố mẹ.

Còn lại, mình ước tính một tháng nghỉ việc bản thân chỉ cần tiêu chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Trong đó có 2 triệu đồng tiền nhà, 2 triệu tiền mua thức ăn, 1 triệu tiền đi chơi và cafe với bạn bè. Tính ra với 10 triệu đồng tiền tiết kiệm, mình đủ sống trong 2 tháng dù phải chắt bóp chi tiêu", Việt Hằng tính toán kịch bản tài chính cho dự định nghỉ việc sắp tới. Cô nàng dự định, bản thân sẽ ở nhà nhiều nhất trong 3 tháng, do đó trong thời gian thất nghiệp, Hằng cũng chăm chỉ đi tìm việc mới.

Nghỉ việc khi mới tích luỹ được 30 triệu đồng

Đó là câu chuyện của Mai Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng). Cô nàng tâm sự: “Lúc đó, mình quyết định nghỉ việc và chưa tìm được bến đỗ mới, phải khoảng hơn 2 tháng sau mình mới bắt đầu quay lại làm việc. Vào thời điểm đó, do thu nhập không quá cao nên mình chỉ có vỏn vẹn khoảng 30 triệu đồng tiền tiết kiệm trong tài khoản”.

Theo Mai Anh, nghỉ việc trong lúc chưa có việc mới đồng nghĩa với  thu nhập sẽ gần như về số 0. Do đó, Mai Anh đã có những sự thay đổi trong tài chính cá nhân để xoay xở trong thời gian thất nghiệp này.

“Nếu khi có công việc với thu nhập ổn định, mình thường tiêu 10-15% lương cho khoản mua sắm thì khi nghỉ việc mình đã quyết định chỉ mua nếu thực sự cần hoặc có dịp đặc biệt. Mình cũng không tham gia quá nhiều buổi tụ tập như trước nữa để có thời gian đầu tư phát triển bản thân cũng như lên kế hoạch tìm kiếm công việc tiếp theo”, cô nàng tâm sự.

1cc5c76f53b0a64ef65c8730b4d48ca7.jpg
Ảnh minh hoạ

Về  30 triệu đồng, cô nàng nhận định đây là số tiền không lớn song  vẫn quyết định nghỉ việc vì tự tin có thể tìm việc trong khoảng thời gian tiếp theo. Mai Anh cho rằng lúc đó trên thị trường lao động cũng có nhiều cơ hội, do vậy tối đa chỉ mất 4 tháng để tìm việc. Con số 30 triệu là hoàn toàn đủ để có thể sống sót cho đến thời điểm làm việc trở lại.

Có 300 triệu đồng tiết kiệm nhưng vẫn không dám tiêu xài hoang phí

Một trường hợp khác, Thu Trang (24 tuổi, Hà Nội) đã nghỉ việc tại một công ty sau gần 3 năm gắn bó. Vì biết mức thu nhập giảm mạnh khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, Trang đã quyết định về quê sinh sống một thời gian. Cô cũng coi đây là thời gian dành cho gia đình sau nhiều năm làm việc ở thành phố.

"Khi nghỉ việc, mình không có áp lực lắm vì thu nhập không còn. Thứ nhất, do mình về quê nên tiết kiệm được tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt. Thứ hai, khoản dư trong tài khoản ngân hàng đủ để mình sống đầy đủ trong thời gian khá dài".

Dẫu có khoản tiền tiết kiệm, song Thu Trang không có ý định tiêu xài hoang phí trong thời điểm thất nghiệp. Mỗi tháng cô chỉ cho phép mình tiêu 6 triệu đồng. Ngoài ra, cô cũng không có kế hoạch dành tiền cho các chuyến du lịch dài ngày - vốn là khoản chi tiêu lớn của người trẻ sau khi nộp đơn xin nghỉ việc.

"Sau khi nghỉ việc, mình ở nhà 4 tháng. Trong thời gian đó, mình chi 1 triệu mua mỹ phẩm, 1 triệu tiền mua sách và 3 triệu tiền gửi bố mẹ trả chi phí sinh hoạt. Còn lại 1 triệu mình dành khi bạn bè rủ đi ăn uống ở quê, hoặc tự dưng nổi hứng muốn mua món đồ nào đó. Nhiều người nói mình chi quá tay để mua sách. Nhưng với mình, đọc sách là 1 phương pháp 'chữa lành' tâm lý khá tốt mà còn có mức giá phải chăng hơn so với các chuyến du lịch".

ae70d8486c4d9d0e036c83547044ca80.jpg
Ảnh minh hoạ

Yếu tố tài chính vững chắc có quan trọng trước khi nộp đơn xin nghỉ việc?

Thu Trang nói thêm, cô hoàn toàn không ủng hộ các bạn trẻ nộp đơn nghỉ việc khi tài chính không đủ. Bởi quãng thời gian dài ở nhà có thể khiến bạn dễ rơi vào tình trạng không tin tưởng vào bản thân và con đường sự nghiệp sau này. Nếu bạn còn gặp khó khăn tài chính thì suy nghĩ tiêu cực sẽ càng dễ nhân lên gấp bội.

Còn với Phương Vy (26 tuổi), một người đã từng xin nghỉ việc khi tài khoản chỉ có 10 và 12 triệu đồng nhưng vẫn sống tốt - lại có quan điểm trái ngược. Cô nàng nhận định, nếu có khả năng tài chính vững mạnh, quyết định nghỉ việc sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, luôn có cách để xoay xở trong câu chuyện tài chính khi nghỉ việc, đặc biệt bố mẹ vẫn luôn là một chỗ dựa vững chắc. Và trong những lúc quá “mệt mỏi" với công việc, trở lại với gia đình không phải là chuyện gì quá xấu hổ.


(0) Bình luận
Có bao nhiêu tiền mới dám tự tin xin nghỉ việc: Người chỉ cần 10 triệu, người tích sẵn 300 triệu đồng vẫn thấy bất an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO