Chuyên gia thế giới đồng loạt nhấn mạnh vai trò "rất quan trọng" của Việt Nam trong lĩnh vực10.000 tỷ USD

Dy Khoa | 11:11 24/10/2024

Thị trường này chiếm gần 30% dân số toàn cầu.

Chuyên gia thế giới đồng loạt nhấn mạnh vai trò "rất quan trọng" của Việt Nam trong lĩnh vực10.000 tỷ USD

Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ Mohamed Jinna nhìn nhận Việt Nam đang ở thời điểm vàng để nắm bắt các cơ hội tham gia vào thị trường halal. "Việt Nam có tiềm năng trở thành nhân tố quan trọng, trung tâm của nền kinh tế halal toàn cầu", VnExpress dẫn lời của lãnh đạo Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ nói tại hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", tổ chức chiều 22/10 tại Hà Nội.

Cũng tại sự kiện, TS Yousif S.AlHarbi, Phó chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) nhấn mạnh "Việt Nam đang nổi lên là một mắt xích rất quan trọng cho chuỗi cung ứng Halal toàn cầu và có thể trở thành trung tâm sản xuất, phân phối các sản phẩm vào thị trường này".

Hội nghị cho rằng thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trước năm 2030, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.

Đáp ứng nhu cầu thị trường này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã vận hành Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT) và xây dựng bộ tiêu chuẩn halal Việt Nam.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal về thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo halal.

1451156508-8225.jpg
Halal là tiêu chuẩn "được phép" sử dụng đối với người theo Hồi giáo.

Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức chứng nhận Halal. Tiếp sau đó tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam cũng được xây dựng.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo, hiện tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may... và là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Việt Nam cũng có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới.

Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường halal toàn cầu sẽ giúp khai mở thị trường halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước, qua đó hình thành nên một cấu phần mới, quan trọng của nền kinh tế, đó là hệ sinh thái Halal.

Việt Nam còn nhiều việc phải làm khi thâm nhập thị trường Halal

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, các đại biểu tham gia hội nghị đều có chung nhận định, để thâm nhập, tham gia hiệu quả vào thị trường halal toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm biện pháp chính gồm hỗ trợ kết nối địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, thị trường Halal toàn cầu trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược và mỹ phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

vietnam-halal-pho-yallavietnam.jpg
Nhiều món ăn Việt Nam có thể đạt tiêu chuẩn Halal

Cạnh đó, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nhà nước về halal, tối ưu hóa quy trình chứng nhận, thúc đẩy thừa nhận, công nhận lẫn nhau về chứng nhận halal; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia, cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.

Theo báo cáo Kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal (HIMP) 2023, thị trường halal của Malaysia dự kiến sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 523,53 tỷ RM (113,2 tỷ USD). Và  đến năm 2030, ngành công nghiệp Halal tại Malaysia sẽ đóng góp gần 11% vào GDP của đất nước , tạo ra hơn 700.000 cơ hội việc làm. 

Hiện Malaysia đang đứng đầu ngành Halal toàn cầu. Vào năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Malaysia đạt 59,46 tỷ RM (12,89 tỷ USD). Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Malaysia đặt mục tiêu đạt 70 tỷ RM (15,19 tỷ USD).


(0) Bình luận
Chuyên gia thế giới đồng loạt nhấn mạnh vai trò "rất quan trọng" của Việt Nam trong lĩnh vực10.000 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO