Chuyên gia: Ông Trump rất “thực dụng” nhưng Việt Nam có nhiều cú ngoặt để biến “nguy thành cơ” trong kỷ nguyên Trump 2.0

Bài: Giang Ly - Yến Minh, Thiết kế: Hải An | 00:00 10/11/2024

Xuất thân từ một doanh nhân, ông Donald Trump đặc biệt đề cao lợi ích của nước Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, điều chắc chắn sẽ không thay đổi trong nhiệm kỳ thứ 2 sắp tới. Tuy nhiên, vẫn luôn có chỗ cho những cách làm “có lợi cho cả đôi bên” trong quan hệ song phương và Việt Nam nắm chắc điều đó.

Chuyên gia: Ông Trump rất “thực dụng” nhưng Việt Nam có nhiều cú ngoặt để biến “nguy thành cơ” trong kỷ nguyên Trump 2.0

Là một tỷ phú USD, ông Donald Trump có những đặc điểm khác người làm chính trị thuần túy. Đó là đặc biệt coi trọng tốc độ để không phí thời gian, quyết đoàn dứt điểm để tránh sa lầy, và tính thực dụng để đảm bảo không phí phạm nguồn lực.

Thắng lợi ấn tượng của ông Trump với động lực “Làm cho nước Mỹ Vĩ đại Trở lại“ là bước ngoặt quan trọng báo hiệu những đổi thay rất sâu sắc trong chiến lược hành động của nước Mỹ và cục diện phát triển toàn cầu trong ít nhất bốn năm tới.

Những đổi thay dữ dội này chắc chắn có ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. Nó buộc các quốc gia có xuất khẩu và thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ phải có những ứng đáp đặc biệt quyết đoán, sáng suốt, với tầm nhìn xa. Đây có thể là cú hích đặc biệt giúp Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong mô hình kinh tế và biến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ chưa từng có, giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trong kỷ nguyên mới.

imgpsh_fullsize_anim.jpeg

Dù hoạt động kiểm phiếu vẫn đang diễn ra tại một số địa phương nhưng kết quả sơ bộ cho thấy ông Donald Trump, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa, sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Ông Trump hiện nắm hơn 300 phiếu đại cử tri, vượt xa con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, đảng Cộng hòa cũng giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ và trên đà chiếm đa số tại Hạ viện. Trong kịch bản này, ông Trump sẽ có đầy đủ điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình nghị sự đầy tham vọng của mình với mục tiêu “Make America Great Again” (MAGA - làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) – điều ông đã theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên.

“Chiến thắng của ông Trump thể hiện những thay đổi lớn trong lòng nước Mỹ. Một là cử tri Mỹ đã quan tâm nhiều đến những lợi ích sát sườn, điều mà đảng Cộng hòa đã đánh trúng. Thứ 2 là cử tri không hài lòng với hiện trạng nước Mỹ. Một cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy 70% số người Mỹ được hỏi không hài lòng với cuộc sống hiện tại”, ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2914-2018, chia sẻ.

trump-web-02.jpg

Không giống như nhiệm kỳ đầu 2017-2021, lần này, ông Trump trở lại Nhà Trắng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa, những người đã coi chủ thuyết MAGA của ông là chủ thuyết của đảng. Trong khi đó, vị thế và kinh nghiệm của ông Trump đã khác nhiều so với trước đây còn bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi với xung đột Ukraine, Trung Đông, sự nổi lên của BRICS….

“Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ có những khác biệt, ví dụ như tính bảo hộ cao hơn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước đặc biệt là các ngành công nghệ chiến lược. Mỹ có thể sẽ nâng thuế quan với hàng nhập khẩu để mang việc làm về cho người dân…”, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), cho biết.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói về việc giảm thuế cho doanh nghiệp trong nước từ 21% xuống còn 15% trong khi nâng mạnh thuế nhập khẩu với hàng hóa vào Mỹ lên 10-20%. Thậm chí, ông Trump còn nói về việc đánh thuế hàng Trung Quốc với mức 60%-100%. Rõ ràng, ông Trump đặc biệt quan tâm tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Mỹ.

trump_hat.jpg

“Ông Trump sẽ theo đuổi quan điểm nước Mỹ là trên hết. Dù đặt lợi ích quốc gia lên đầu là mối ưu tiên của mọi chính quyền Mỹ nhưng cách làm của ông Trump sẽ có nhiều khác biệt. Ông sẽ đề cao thế mạnh của Mỹ trong giao thương với các nước, tận dụng lợi thế kinh tế, thương mại, công nghệ, sức mạnh mềm để đạt mục tiêu này chứ không chỉ về quân sự”, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.

Với các đồng minh, ông Trump sẽ đòi hỏi 2 yếu tố là “chia sẻ gánh nặng” (cả tài chính và an ninh) và sự công bằng trong thương mại. Trong khi với Trung Quốc, cạnh tranh siêu cường sẽ trở nên đặc biệt gay gắt, nhất là về thương mại và công nghệ. Ông Trump cũng sẽ quay lưng với một số thỏa thuận đa phương mà ông cho là khiến nước Mỹ vừa tốn kém lại không được hưởng lợi.

imgpsh_fullsize_anim-1-.jpeg

Mức thuế quan mà ông Trump nêu ra trở thành nỗi lo với các nền kinh tế xuất khẩu trên khắp thế giới, bao gồm các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong đó có Việt Nam. Việc hàng hóa bị đánh thuế sẽ làm giảm sức hấp dẫn với người dân Mỹ. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất cao với hơn 100 tỷ USD.

“Nhưng có một điều hay ở ông Trump và chính quyền của ông là họ rất thực dụng chứ không chỉ hành động dựa trên lý thuyết. Nếu ông mang tới cho tôi lợi ích này, tôi sẽ để lại cho ông lợi ích kia”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhận định.

Theo ông Khương, chính điều này có thể giúp Việt Nam biến thách thức trở thành cơ hội lớn. Ngay cả khi thặng dư thương mại giữa 2 quốc gia đang rất cao nhưng Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách bằng việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ phía Mỹ. Đây sẽ là nhiên liệu quan trọng phục vụ các nhà máy điện khí, giải tỏa cơn khát điện cho sản xuất cũng như giúp Việt Nam tiến nhanh hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Ngoài ra, Việt Nam có thể nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao khác của Mỹ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

trump-web-05.jpg

Từ góc nhìn của một nhà ngoại giao kỳ cựu, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ đã được vun vén trong gần 30 năm qua. Thế nên, dù kết quả bầu cử thế nào, mối quan hệ Việt - Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ 2 chính đảng của nước Mỹ. Trong khi đó, ông Trump cũng rất chú ý tới Việt Nam trong nhiệm kỳ trước với 2 chuyến thăm.

“Quan hệ Việt – Mỹ là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, từ kinh tế, thương mại, đầu tư cho đến địa chiến lược. Việt Nam là quốc gia có vai trò, vị trí quan trọng trong khu vực cũng như ASEAN”, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.

Trên tinh thần hợp tác để đôi bên cùng có lợi, Việt Nam có thể tìm hiểu và nắm bắt những điểm mới, cách tiếp cận mới trong kỷ nguyên Trump 2.0, từ đó tạo dựng mối quan hệ công bằng, trung thực và minh bạch với nước Mỹ. Chính cách tiếp cận này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam, giúp thu hút FDI cũng như hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ tới đầu tư, kinh doanh.

Cùng chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Vũ Minh Khương tin rằng: “Thể hiện thiện chí là sẽ thắng. Nếu biết đáp ứng một cách nhạy bén, xuất sắc, làm việc chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ đồng thời truyền tải được thông điệp hợp tác vì lợi ích của đôi bên thì Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được nhiều ưu đãi”.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực bán dẫn, ông Khương tin Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ ưu tiên sản xuất ở Mỹ nhưng chuỗi cung ứng sẽ nằm ở nước ngoài. Việt Nam có lợi thế khi là nơi được Samsung, Intel chọn mở nhà máy trong lĩnh vực bán dẫn. Ngay cả khi sản xuất bán dẫn trở lại Mỹ, vai trò mắt xích của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn vẫn có thể được nâng cao hơn.

0227_vietnam.jpg

“Theo tôi, Việt Nam nên có một chiến lược bán dẫn mạnh mẽ và làm việc với khoảng 20 công ty trong lĩnh vực này sẽ giúp chúng ta có lợi thế. Với những công ty đã có nhà máy ở Việt Nam, chúng ta cần khảo sát lại nhu cầu và mong muốn của họ cũng như đánh giá ảnh hưởng của MAGA với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, chúng ta sẽ có lợi thế cho 4 năm sắp tới”, PGS.TS Vũ Minh Khương chia sẻ.

Ngoài ra, Việt Nam cần gắn kết sâu rộng với Đông Nam Á, điều không chỉ giúp nâng cao vị thế cạnh tranh mà còn gia tăng tính chống chịu. Ngoài về thể chế, chính sách, Việt Nam có thể gắn kết với ASEAN thông qua kết nối (đường xá, mạng lưới điện). Ở chiều ngược lại, việc ASEAN trở thành một khối thống nhất cũng góp phần thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển và đổi mới công nghệ số.

“Chúng ta cần có một ‘đội đặc nhiệm’, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, để tham mưu chính sách trong kỷ nguyên MAGA. Chúng ta cũng có kỷ nguyên vươn mình. Vì thế, Việt Nam và Mỹ cần cất cánh cùng nhau thay vì trở thành nạn nhân của những mâu thuẫn. Cải cách thể chế và tư duy đột phá có thể giúp Việt Nam đi rất nhanh”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhận định.

trump-web-06.jpg

(0) Bình luận
Chuyên gia: Ông Trump rất “thực dụng” nhưng Việt Nam có nhiều cú ngoặt để biến “nguy thành cơ” trong kỷ nguyên Trump 2.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO