Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không thể có một cái sự liên hệ tuyệt đối giữa việc khối doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều vào GDP cũng như chiếm phần lớn giá trị xuất khẩu do đó phải đóng góp tương ướng vào ngân sách quốc gia thông qua việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho rằng, nếu không có sự tính toán cụ thể, hợp lý và khoa học theo những quy chuẩn kế toán, kiểm toán quốc tế thì khó có thể đặt vấn đề về một sự tương quan tuyệt đối như vậy. Do đó, việc đặt câu hỏi về việc tại sao đóng góp nhiều như vậy vào xuất khẩu và GDP nhưng thuế lại không tương xướng là không quá tương quan.
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, đúng là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đóng góp vào ngân sách quốc gia ít hơn nhiều so với lại các công ty nội địa.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân có thể một phần đến từ tình trạng đã diễn ra từ nhiều năm qua đã được nhiều người nói đến là việc thất thu thuế từ các doanh nghiệp FDI do hiện tượng các doanh nghiệp này sử dụng công cụ chuyển giá.
“Việc chuyển giá có nghĩa là doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài chuyển hàng sang công ty con tại Việt Nam, thay vì hàng hóa trị giá 10 đồng, họ tăng lên 20 đồng, việc nâng giá trên khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI xuống rất thấp và giảm mức đóng thuế tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải thêm.
Theo ông Hiếu, việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã được nói đến nhiều, Chính phủ cũng như ngành Thuế cũng đã có những biện pháp kiểm soát nhưng đây là vấn đề rất khó khăn.
“Để có một sự điều điều tra và kết luận về việc chuyển giá nhằm tránh thuế, trốn thuế là rất khó. Bộ Tài chính cần có những dữ liệu về giá trị hàng hóa của toàn thế giới để có thể đưa ra kết luận, từ đó có thể xử phạt hành chính các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Ngoài ra, liên quan đến công tác xử lý hành chính đối với các doanh nghiệp FDI mà cơ quan chức năng xác định là chuyển giá theo TS. Nguyễn Trí Hiếu cần đảm bảo phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế cũng như các FTA mà Việt Nam là thành viên để tránh việc các công ty FDI tại Việt Nam có thể kiện cơ quan thuế với lý lẽ đưa ra là họ đã không dùng các phương pháp khách quan và việc kết luận doanh nghiệp trốn thuế, tránh thuế là không có cơ sở dù đến nay cũng chưa có vụ kiện nào xảy ra nhưng nguy cơ vẫn là có.
Khuyến nghị thêm về giải pháp để hạn chế tình trạng chuyển giá, TS. Hiếu cho rằng đây là việc khó do đó cần có giải pháp tổng thể, bài bản của các cơ quan chức năng trong nước cũng như cần có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu từ các thị trường giao dịch hàng hóa lớn của quốc tế.
Ngoài ra cũng có thể cần đẩy mạnh hoạt động kiểm toán, thậm chí là thuê các hãng kiểm toán độc lập quốc tế tư vấn. Có thể thông qua những biện pháp đó từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu nhằm xác định hành động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI nếu có.
Về số lượng doanh nghiệp FDI hiện nay chỉ khoảng 25 nghìn so với gần 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam.
Trong số hơn 25 nghìn doanh nghiệp FDI, theo Tổng cục Thuế cũng chỉ có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).
Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp có đăng ký trong nước chỉ chiếm có khoảng 10% GDP.
Dù đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp nhưng theo Tổng cục Thuế, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp FDI khoảng 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa.