Năm 2023 được dự báo nhiều khó khan với thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao. Vậy, đầu tư ra sao để hiệu quả là điều được được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này. Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV 8, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư trên TTCK năm 2023.
BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá như thế nào về bức tranh lợi nhuận chung của các doanh nghiệp năm 2022 vừa qua?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank
Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2022 khá đặc biệt hơn so với những năm trước đó, nó có sự phân hóa, khi mà có nhiều doanh nghiệp vẫn đạt được kỳ vọng tăng trưởng tốt và thậm chí vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đạt ở mức này tương đối thấp so với những năm trước đó và những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, thậm chí là thua lỗ, lại có xu hướng tăng hơn. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng kinh tế không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả ở trên trên thế giới đã và đang nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid 19.
Vậy theo các ông đâu là những nhóm ngành vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt dù thị trường đã bước vào giai đoạn lãi suất tăng cao?
Theo tôi, có khá nhiều nhóm ngành giữ được đà tăng trưởng, như lĩnh vực hàng thiết yếu hay lương thực, thực phẩm. Thậm chí là một số doanh nghiệp trong những lĩnh vực có sự ảnh hưởng nhiều nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, như ngành xuất nhập khẩu.
Năm 2022 đánh dấu kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc, chuyển sang kỷ nguyên tiền đắt. Khi mà hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất một cách mạnh mẽ, trong môi trường lãi suất cao, dòng tiền trở nên đắt hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đạt được triển vọng tốt nhờ tận dụng được điều đó. Ví dụ như trong năm 2022, chỉ số “Dollar Index” đã tăng cao nhất trong vòng 20 năm và đẩy rất nhiều đồng tiền khác sụt giảm, nhiều doanh nghiệp có thể tận dụng được điều này, bởi trong giai đoạn đó thì đồng Việt Nam hầu như chỉ nhích giá rất nhẹ so với USD và tăng giá hơn so với những đồng tiền khác.
Về mặt lý thuyết, khi đồng Việt Nam mạnh hơn thì việc xuất khẩu sẽ không được thuận lợi nhưng đối với những doanh nghiệp nhập khẩu thì họ lại được hưởng lợi, nên có thể nhập khẩu từ những nền kinh tế mà có đồng tiền yếu hơn và ngược lại. Bên cạnh đó, những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và những lĩnh vực ưu tiên vẫn được hỗ trợ, và những doanh nghiệp đã tận dụng tốt những chính sách, giúp cải thiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, đạt được lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí vượt kỳ vọng. Hoặc một nhóm nữa là nhóm ngành như công nghệ cũng duy trì được đà tăng trưởng.
Theo các ông nhóm vốn hóa nào đang có mức tăng trưởng tốt hơn trên thị trường?
Trong giai đoạn lãi suất tăng, những doanh nghiệp có vốn hóa lớn là những doanh nghiệp có sức chịu đựng cũng như có cơ cơ hội tốt hơn. Chúng ta có thể ví von nó giống như cục đá và chiếc lá để trên bàn, chúng ta thổi thì chỉ có chiếc lá bay lên thôi, còn cục đá thì giữa nguyên. Ở đây, cơn bão về lãi suất cao, kỷ nguyên tiền đắt và nhiều người đang lo sợ kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái…thì những doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ, thậm chí có những doanh nghiệp vừa, nó giống như chiếc lá, khó mà trụ lại được.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp phải làm thủ tục giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động tăng hơn so với những năm trước đó và tập trung nhiều ở nhóm doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ. Thật ra, doanh nghiệp vốn hóa lớn cũng phải đối mặt với khó khăn chung nhưng nhờ tiềm lực tài chính vững mạnh, thị phần lớn cũng như đối tác lâu năm, và khả năng mở rộng, thích nghi của họ lớn hơn thì sức chịu đựng nhiều hơn.
Vậy theo ông, những nhóm ngành này liệu có tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 không ?
Theo tôi thấy, năm 2023, những nhóm ngành sau đây sẽ có tiềm năng cũng như mức độ tăng trưởng về trung và dài hạn tốt hơn trung bình của nền kinh tế. Đầu tiên, đó là nhóm ngành công nghệ, vì trong bối cảnh vừa sau dịch cũng như trong môi trường lãi suất cao nên mọi người sẽ tìm mọi cách để cắt giảm những chi phí không cần thiết, và riêng việc ứng dụng công nghệ thì họ lại cần phải gia gia tăng nhiều hơn. Thứ hai, nhóm ngành năng lượng, tập trung vào nhóm ngành năng lượng xanh, năng lượng sạch và những nguồn năng lượng tái tạo, là những xu hướng mới ở trên thế giới. Một nhóm tiếp theo, đó là nhóm ngành vận tải, trong đó nhóm vận tải hàng không sẽ nổi bật hơn những nhóm ngành vận tải khác. Ngoài ra, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và nhóm ngành xuất nhập khẩu.
Bước sang năm 2023, theo ông, thị trường chung sẽ diễn biến như thế nào?
Theo quan điểm của tôi cũng như một số thống kê thì cho thấy rằng, thị trường chứng khoán trong năm 2023 này sẽ tích cực, tuy nhiên, sẽ nằm vào khoảng nửa cuối năm 2023 nhiều hơn là nửa đầu năm. Nếu tính theo số liệu thống kê trên thế giới thì trong suốt gần 100 năm qua, thị trường tài chính thế giới hiếm khi nào có hai năm liên tiếp là xấu cả. Tuy nhiên, nó cũng có một xác suất nhỏ thôi. Đó là nếu giả sử năm thứ hai mà xấu thì mức xấu đó sẽ còn tệ hơn cả năm thứ nhất. Và một thống kê nữa cũng cho biết là chỉ số S&P 500 của Mỹ, nếu có 5 phiên đầu tiên trong năm có mức tăng sau một năm tồi tệ trước đó thì xác suất là 83% thị trường chứng khoán trong năm tiếp theo sẽ tăng điểm và mức tăng trung bình là khoảng 14%. Và còn một thống kê nữa, đó là nếu chỉ số S&P 500 của Mỹ mà tăng được 5% trong tháng 1 thì thị trường chứng khoán của năm đó sẽ có xác suất tăng trung bình là khoảng 30%. Thì hiện nay, chỉ số S&P 500 của Mỹ trong tháng 1 vừa qua là đã tăng được hơn 6%. Nên chúng ta thấy là kỳ vọng mà thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong năm 2023 sẽ có mức độ tăng điểm là xác suất rất cao.
Tuy nhiên, trong môi trường tiền rẻ đã kết thúc, chuyển sang kỷ nguyên tiền đắt, số liệu thống kê vừa mới được công bố cho thấy lạm phát của Mỹ cũng như lạm phát của Đức là nền kinh tế lớn thứ nhất châu Âu và nền kinh tế lớn thứ tư thế giới cũng đang tăng trở lại...Bởi vậy năm 2023, mặc dù tôi kỳ vọng vẫn là một năm tích cực, tuy nhiên mức tăng trưởng có thể sẽ không giống như con số 30% mà dữ liệu thống kê được. Theo tôi, nó chỉ có thể nằm ở trong vùng khoảng từ 10 cho đến khoảng 20%. Dĩ nhiên là con số này nó cũng đã rất tốt rồi, ít nhất vẫn vượt trội hơn nhiều so với tiền gửi ngân hàng, vốn là một trong những kênh đầu tư gọi là thành công nhất năm 2022.
Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp nói chung sẽ ra sao?
Năm 2023 này, theo như kỳ vọng của tôi thì sự phân hóa về mặt lợi nhuận vẫn còn, nhưng mức độ phân hóa sẽ giảm bớt đi. Và mức độ lợi nhuận trung bình sẽ tăng hơn so với năm 2022, có nghĩa là xu hướng sẽ tốt hơn so với năm 2022.
Để biết cụ thể tăng trưởng bao nhiêu thì chúng ta phải xét ở từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu chúng ta tính ở mức độ lợi nhuận trung bình của cả nền kinh tế thì có thể tiệm cận hai con số.
Nhà đầu tư nên làm như thế nào? lựa chọn theo nhóm ngành hay theo nhóm vốn hóa ạ?
Việc đầu tư như thế nào thì nó sẽ phải phân theo cách thức đầu tư và việc chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư đó là như thế nào. Thứ nhất, dù bạn là nhà đầu tư ngắn hạn hay nhà đầu tư dài hạn đi chăng nữa thì có một điểm chung, là các nhà đầu tư trong năm 2023 nên hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Hiện nay là môi trường tiền đắt, không phải môi trường tiền rẻ nữa, chi phí mà sử dụng vốn cao lên rất nhiều. Còn đối với những nhà đầu tư mà thiên về trung, dài hạn thì có thể ứng dụng phương pháp trung bình chi phí vốn. Bạn có thể chia số tiền của mình để có thể mua trung bình từ đây cho đến hết năm 2023, giống như việc là hàng tháng hoặc hàng tuần, nhà đầu tư có một nguồn thu hoặc nguồn tiền thì có thể dùng để mà mua tích lũy cổ phiếu tính dần. Bởi vì, xu hướng thị trường trong năm nay là xu hướng tăng dần đều. Hoặc, các nhà đầu tư này có thể phân ra tỷ trọng, ví dụ 50% chúng ta sẽ giữ những cổ phiếu chiến lược, còn 50% thì chúng ta có thể là dùng để đầu cơ ngắn hạn và đặc biệt không nên sử dụng đòn bẩy ở những khoản đầu tư ngắn hạn.