“Drama” liên quan tới Công ty Dược phẩm Hoa Linh bắt nguồn từ video thông báo sự kiện bán hàng trực tuyến được đăng tải hôm 3/4 trên kênh TikTok của Võ Hà Linh – nữ YouTuber & TikToker được mệnh danh là “chiến thần review”, là một KOC có sức ảnh hưởng lớn.
Trong video, Hà Linh tuyên bố 2 sản phẩm của Dược phẩm Hoa Linh là dầu gội Nguyên Xuân màu xanh và màu nâu sẽ được bán với giá lần lượt là 18.000 đồng và 11.000 đồng.
Cộng đồng các nhà thuốc – kênh phân phối chủ lực của Dược phẩm Hoa Linh ngay lập tức phản ứng dữ dội, bởi họ bỗng chốc bị khách hàng nghi ngờ “thổi giá” sản phẩm. Dầu gội Nguyên Xuân xanh và nâu đang được họ bán với giá lần lượt là 76.000 đồng và 71.000 đồng.
Trước sóng gió dư luận, Dược phẩm Hoa Linh đăng bài lên fanpage Facebook chính thức để giải thích rằng đây là chương trình bán hàng khuyến dùng đặc biệt.
“Sản phẩm được bán trong livestream là các combo sản phẩm của Hoa Linh, với mong muốn đem đến cho khách hàng là người tiêu dùng cuối mức giá ưu đãi tốt nhất để trải nghiệm dùng thử sản phẩm chính hãng. Số lượng sản phẩm bán trong livestream có hạn và chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, mục tiêu là giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng”, bài đăng có đoạn.
Tuy nhiên, sự việc dường như chưa êm xuôi khi bài đăng bị nhận hàng nghìn tương tác “phẫn nộ” từ cộng đồng mạng, Dược phẩm Hoa Linh cũng phải hạn chế bình luận bài viết.
Chỉ 3 từ "dọn sạch kho" thổi bùng cơn giận của cộng đồng nhà thuốc
Chuyên gia marketing Phùng Thái Học - Founder & CEO TAT Academy giải thích rằng trong các buổi livestream bán hàng của KOC, đôi khi họ sẽ đưa ra một số “deal sốc”, có nghĩa là những sản phẩm được mua với giá vô cùng rẻ. Những deal này được KOC và nhãn hàng cùng nhau tạo ra để đôi bên cùng có lợi:
- KOC có những deal siêu rẻ giúp thu hút được người quan tâm và xem livestream
- Nhãn hàng có cơ hội lan tỏa thông tin sản phẩm đến số lượng lớn khán giả.
Những “deal sốc” này giảm giá sâu tới mức nhãn hàng đôi khi có thể chịu lỗ. Họ sẽ tính đó là chi phí marketing. Do tính chất như vậy, thường những deal này chỉ giới hạn lượt mua với số lượng cụ thể và thời gian có thể mua rất ngắn. “Ai mua được thì coi như là bốc thăm trúng thưởng”, ông Học so sánh.
Áp những điều đó vào trường hợp này, ông Học đưa ra đánh giá cá nhân là Dược phẩm Hoa Linh muốn tận dụng sức mạnh của hoạt động livestream để lan tỏa hình ảnh thương hiệu
Tuy nhiên, chuyên gia marketing này chỉ ra điều tối kỵ đối với nhà sản xuất là dung túng cho hành vi bán phá giá, bởi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ hệ thống phân phối. Trong trường hợp này, những phát ngôn của Hà Linh được cho là đã gây ra hiểu lầm như vậy.
Theo ông Học, có 2 sai lầm mấu chốt dẫn đến khủng hoảng truyền thông của Dược phẩm Hoa Linh, trước hết là vấn đề ngôn từ.
“Đáng lẽ đây nên được nhấn mạnh là hoạt động tăng cường nhận diện và cho khách hàng dùng thử, thay vì được nhấn mạnh là hoạt động bán hàng "dọn sạch kho". “Dọn sạch kho” chính là từ nhạy cảm đã tạo ra làn sóng giận dữ.
Mặc dù cụm từ này không được nhắc đến trực tiếp trong đoạn Hà Linh đến kho của Hoa Linh, nhưng việc nó được nhắc đến trong video và xuất hiện trên caption đã khiến khán giả bị ghim cụm từ này trong nhận thức”, ông Học lý giải.
Theo ông, đáng lẽ nên có những thông điệp cụ thể chính xác như "đây là hoạt động chỉ có 1 lần, mang tính may mắn ngẫu nhiên cho vài người", thay vì đưa ra mức giá 18.000 đồng và tạo ra cảm giác cho mọi người rằng phải chờ đến live mới mua được giá tốt, hoặc mỗi lần live phải tranh thủ mua đủ dùng cả năm.
“Những ngôn từ này đã khiến mọi người nghĩ rằng livestream là hoạt động bán hàng, thay vì coi đó là hoạt động marketing. Đây chính là nguồn cơn của vấn đề. Rõ ràng nhãn hàng đã thiếu bước kiểm duyệt nội dung kỹ càng trước khi đồng ý cho KOC đăng tải lên TikTok”, ông Học nhận định.
Thứ hai là vấn đề chiến lược. Chuyên gia marketing đánh giá nhãn hàng nên có thông báo ngay từ đầu cho hệ thống đại lý, rằng sắp có hoạt động tăng cường nhận diện, và có sẵn những chiến lược phối hợp để hỗ trợ kênh bán.
“Nếu thông tin được đưa ra sớm, chắc chắn mọi chuyện sẽ dễ giải thích hơn rất nhiều. Bây giờ Hoa Linh đang vào thế phải đi giải thích khi chuyện đã rồi, như vậy là vô cùng khó khăn.
2 sai lầm này tôi đưa ra dựa trên dự đoán về mục tiêu của nhãn hàng là muốn tận dụng sức mạnh của hoạt động livestream để lan tỏa hình ảnh thương hiệu. Trong trường hợp nhãn hàng có mục tiêu khác thì mọi thứ sẽ thay đổi”, chuyên gia phân tích.
Hà Linh lên tiếng "giải vây" cho Dược phẩm Hoa Linh
Trong phiên livestream trên TikTok tối 4/4, đúng như nhận định của ông Học, KOC Hà Linh kêu gọi người xem hãy có cái nhìn đúng đắn về chiến dịch giữa cô và Công ty Dược phẩm Hoa Linh, rằng đây là “một chương trình truyền thông của nhãn hàng”, với mục tiêu quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu.
Giải thích lại về mức giá 18.000 đồng và 11.000 đồng cho các sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân, Hà Linh cho biết đây là mức giá người mua nhận được khi mua theo combo: dầu gội + dầu xả + kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu (đều là sản phẩm của Hoa Linh).
Nếu lấy giá combo trừ đi giá trên thị trường của dầu xả và kem đánh răng, giá của chai dầu gội đầu sẽ đúng như tuyên bố của Hà Linh. Cô cũng tuyên bố không có chuyện mình bán phá giá.
“Linh rất thương công ty Hoa Linh. Họ đã chịu khoản lỗ rất lớn để có chiến dịch truyền thông với sản phẩm kem đánh răng Ngọc Châu”, Hà Linh nói trong buổi livestream.
“Chiến thần review” cho biết đây là chương trình dành riêng cho những người xem kênh Hà Linh Official của cô. Quyền lợi của khách hàng là mua được giá tốt, trải nghiệm sản phẩm mới.
Một vấn đề khác được Hà Linh nhấn mạnh nhiều lần là cô “đang dùng uy tín của mình để quảng cáo sản phẩm Việt Nam”, khẳng định Hoa Linh là đơn vị “có tâm” cung cấp những sản phẩm tốt, đồng thời “cam đoan những sản phẩm này sẽ viral trên thị trường”. Sau khoảng 25 phút livestream, combo gồm các sản phẩm của Hoa Linh đã được bán hết.
Sau vụ việc này dù brand có giải thích như nào thì các nhà thuốc vẫn đã bị ảnh hưởng nặng nề, ít nhất là về cảm xúc. Nhưng để kết thúc “drama” lần này, ông Học cho rằng nhãn hàng cần có lời xin lỗi công khai và chân thành đến hệ thống phân phối.
“Nếu nhãn hàng có thể đưa ra những ý tưởng kích thích khách hàng mua sản phẩm tại nhà thuốc sau phiên live, mọi thứ có thể được khắc phục phần nào”, ông nói thêm.