Chuyên gia lo sợ “lịch sử khủng hoảng” tái diễn khi giá heo hơi và gà giảm sâu, liên tục “ế ẩm”

Trường Giang | 09:13 15/03/2023

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt do sức mua yếu, nhưng lại trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhất trong 50 năm. Người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ.

Chuyên gia lo sợ “lịch sử khủng hoảng” tái diễn khi giá heo hơi và gà giảm sâu, liên tục “ế ẩm”
Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố báo cáo cho thấy, hiện giá lợn hơi và giá gà nguyên lông trên cả nước giảm mạnh.

Nguyên nhân là do mức tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung dồi dào.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động ngưỡng 47.000-52.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên dao động từ 46.000-52.000 đồng/kg; còn miền Nam ở mức 51.000-53.000 đồng/kg.

Trong tháng 2, giá gà thịt lông màu ngắn ngày giảm 8.000 đồng/kg xuống mức 33.000–34.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Nam ở mức 23.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc tăng 1.000 đồng/kg, lên 30.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung giảm 3.000 đồng/kg, xuống còn 23.000 đồng/kg.

Tính từ tháng 12/2022 đến nay, giá gà công nghiệp xuất chuồng luôn thấp hơn giá thành, chẳng hạn giá xuất chuồng hiện tại thấp hơn giá vốn khoảng 30%.

Theo các hộ chăn nuôi tính toán, với mức giá gà công nghiệp ngưỡng 26.000-27.000 đồng/kg như hiện tại, người nuôi lỗ khoảng 5.000 đồng mỗi kg.

Bên cạnh đó, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng đàn lợn cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Ước cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022.

Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.

Các chuyên gia nhận định, sức mua giảm mạnh, trong bối cảnh dư cung còn tiếp diễn, dự báo giá thịt lợn, gà còn giảm tiếp. Trong năm nay, nền kinh tế còn nhiều khó khăn khiến sức mua giảm.

Theo bộ Công Thương, năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn: “Ngân hàng Thế giới mới đây cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 1,7%, thay vì 3% đưa ra trước đó”.

Tuy nhiên, trước nhiều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ quý II/2023, đây là động lực giúp phục hồi sức mua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến cáo: Trong khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro.

Trên thực tế, 6 năm khủng hoảng, ngành hàng thịt lợn tiếp tục vật lộn với nỗi lo “bão giá”.

Từ mức giá 50.000-55.000 đồng/kg năm 2016, sang 2017, giá lợn hơi bắt đầu lao dốc. Đỉnh điểm tháng 4/2017, giá lợn giảm còn 15.000-17.000 đồng/kg. Giá lợn bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2017, nhưng hậu quả để lại là 900.000 hộ chăn nuôi phải treo chuồng, nhiều hộ vướng nợ nần, phá sản.

Đến tháng 2/2019, thảm họa dịch bệnh tàn sát ngành chăn nuôi lợn mới thực sự xảy ra. Dịch tả lợn châu Phi lan rộng 63 tỉnh thành, khoảng 6 triệu con lợn buộc phải tiêu huỷ, thiệt hại kinh tế gần 12.000 tỷ đồng.

Giá lợn hơi thời đó chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg; người chăn nuôi kiệt quệ, chăn nuôi lợn gần như bị xoá sổ.

Khan hiếm thịt lợn bùng nổ ở Trung Quốc, kéo theo giá thịt lợn ở Việt Nam cũng bị đẩy lên đỉnh điểm, phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử, diễn ra từ cuối năm 2019 và năm 2020.

Giá lợn hơi có thời điểm chạm đỉnh 150 nghìn đồng/kg (khoảng tháng 6/2020).

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt do sức mua yếu, nhưng lại trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhất trong 50 năm. Người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ. Điều này khiến cho các chuyên gia nhận định “lịch sử khủng hoảng” có thể lại tiếp diễn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia lo sợ “lịch sử khủng hoảng” tái diễn khi giá heo hơi và gà giảm sâu, liên tục “ế ẩm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO