Chuyên gia: Kinh tế 2024 như cơ thể người có thể ốm sốt, cần khoảng lặng để điều chỉnh, DN niêm yết vẫn dự tăng 10-15% lợi nhuận

Tri Túc | 10:38 13/01/2024

Đặc biệt, cần thu hút FDI cũng như thay đổi mô hình đầu tư công; tránh tình trạng “đầu năm bình tĩnh - cuối năm khẩn trương”; phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên 85-90%.

Chuyên gia: Kinh tế 2024 như cơ thể người có thể ốm sốt, cần khoảng lặng để điều chỉnh, DN niêm yết vẫn dự tăng 10-15% lợi nhuận

Sáng ngày 9/1/2024, Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" diễn ra tại TpHCM. Tại đây, hầu hết các chuyên gia đều có kỳ vọng sáng sủa về kinh tế năm 2024.

Trong đó, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế Tp.HCM, nhìn nhận năm 2023 có nhiều điểm tối khi tổng cầu nền kinh tế giảm mạnh nhất 35 năm qua. Tuy nhiên, ở góc nhìn ngược lại, nhiều điểm sáng cũng đã xuất hiện, tạo điều kiện tăng trưởng cho năm 2024.

screen-shot-2024-01-09-at-14.35.58.png
Ảnh: Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế Tp.HCM.

Có 5 yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế, theo ông Bảo gồm:

Thứ nhất, xu hướng lạm phát của thế giới đã giảm xuống, tạo nhiều dư địa cho các chính sách hỗ trợ. Kinh tế Việt Nam đã đi qua những giai đoạn lạm phát lên đến đỉnh điểm, các dự báo gần đây đều cho rằng mặt bằng lạm phát sẽ giảm.

Thứ hai, tổng cầu nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn trong 2024. Tổng cầu thế giới hồi phục vì hàng tồn kho của Mỹ và EU đã đạt đỉnh vào cuối 2023. Tồn kho đã tăng đỉnh điểm và đã giảm thì mở ra cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam.

Một yếu tố khác là sự hồi phục của du lịch, so với năm 2022 đã tăng nhưng do với trước dịch thì còn cách xa đỉnh. Do đó, dư địa tăng trưởng ngành du lịch còn rất tốt, nếu có chương trình kích thích thì mở ra nhu cầu hồi phục nội địa.

Thứ ba, đầu tư công: Việc đẩy mạnh vốn đầu tư công đã được Chính phủ và các bộ ngành quyết liệt. Dù còn nhiều khó khăn nhưng vốn đầu tư công vẫn được đẩy ra, mạnh nhất vào cuối 2022. Trong năm 2023, vốn đầu tư công đã lan tỏa tích cực và năm 2024 là điểm rơi của dòng vốn này, do có độ trễ.

Thứ tư, dư địa cho việc mở rộng chính sách tiền tệ còn nhiều. Khi áp lực lạm phát giảm thì ngân hàng trung ương thế giới hãm đà tăng lãi suất, lãi suất sẽ giảm hoặc không tăng, Fed đã dự báo không tăng lãi suất năm 2024.

Cuối cùng, chính sách quyết liệt tháo gỡ bất động sản trong năm qua đã tạo kỳ vọng bất động sản hồi phục, dòng tiền quay trở lại thị trường. Bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, sự phục hồi của ngành này sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho bức tranh chung.

screen-shot-2024-01-09-at-14.35.47.png
Ảnh: PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM.

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, đánh giá kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng như: Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành; tín dụng tăng trưởng 13,7%; tỷ giá điều chỉnh ở mức 2,89%....

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 cần nhiều giải pháp tổng thể. Đặc biệt trong mảng đầu tư, ông Trung cho rằng cần thu hút FDI cũng như thay đổi mô hình đầu tư công; tránh tình trạng “đầu năm bình tĩnh - cuối năm khẩn trương”; phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên 85-90%.

Đối với xuất khẩu, ông Trung đề xuất cần hướng mạnh hơn đến những thị trường khả quan về tăng trưởng kinh tế như Ấn Độ, thay vì chỉ tập trung vào châu Âu. 

Ở mức độ tổng quan, ông nêu quan điểm tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6-6,5% hoặc xấu hơn là không đạt.

"Nhưng giống như cơ thể người, ốm sốt là điều có thể xảy ra. Chúng ta cần những khoảng lặng để điều chỉnh, nghĩ đến những điều lớn lao hơn cho dài hạn, thay vì cố gắng, nỗ lực ngay cả khi ốm. Chúng ta cần tầm nhìn dài hạn hơn thay vì phấn đấu từng năm một", ông Trung nói.

DNNY dự tăng 10-15% lợi nhuận trong năm 2024

Với những điểm sáng về kinh tế năm 2024, chuyên gia VinaCapital đưa ra dự kiến lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ phục hồi từ không tăng trưởng trong năm 2023 lên mức tăng trưởng 10-15%, nhưng lợi nhuận giữa các ngành sẽ có khác biệt lớn. Cụ thể:

(i) Công ty tiêu dùng: Kỳ vọng lợi nhuận nhóm này sẽ hồi phục từ mức giảm 22% trong năm 2023 lên tăng 33% trong năm 2024, mặc dù có sự tăng trưởng nhẹ trong tổng mức bán lẻ thực tế, từ 7,1% trong năm 2023 lên 7,5% trong năm 2024.

(ii) Các nhà phát triển bất động sản (trừ Vinhomes): VinaCapital cho rằng sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi khiêm tốn trong hoạt động phát triển bất động sản ở Việt Nam trong năm nay – điều này phù hợp với dự báo của Chính phủ – và dự kiến sẽ dẫn đến sự phục hồi trong lợi nhuận của ngành từ mức giảm 51% lên tăng 109% trong năm 2024.

(ii) Nhóm ngân hàng: sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% trong năm 2023 lên 18% trong năm 2024. VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng đối với cả nhà phát triển bất động sản và người mua nhà mới, phù hợp với kỳ vọng về sự phục hồi khiêm tốn trong phát triển bất động sản năm nay.

Cuối cùng, lợi nhuận của các công ty chứng khoán cũng dự tăng nhanh, từ mức tăng 14% trong năm 2023 lên 38% trong năm 2024 bởi lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ giao dịch ký quỹ nhiều hơn và các hoạt động ngân hàng đầu tư bị hoãn vào năm ngoái do nền kinh tế chậm chạp có khả năng sẽ được tiếp tục trong năm nay.


(0) Bình luận
Chuyên gia: Kinh tế 2024 như cơ thể người có thể ốm sốt, cần khoảng lặng để điều chỉnh, DN niêm yết vẫn dự tăng 10-15% lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO