Chia sẻ về tác động của siêu bão Yagi tới kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam – cho biết bên cạnh thiệt hại về người, cơn bão gây thiệt hại về tài sản hiện hữu và thu nhập trong tương lai của người dân.
Liên quan đến cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai, Việt Nam đã hỗ trợ 350 tỷ đồng tới các địa phương, bên cạnh đó là nguồn lực đóng góp từ toàn dân và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Về dài hạn, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam cho biết Chính phủ cũng đưa ra các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Một yếu tố hỗ trợ rất lớn trong việc tái thiết sau bão lũ nhưng ít được nhắc tới, đó là Bảo hiểm, theo ông Hùng.
“Theo thông lệ trên thế giới, nguồn lực đóng góp cho tái thiết đầu tiên là bảo hiểm. Lấy ví dụ, ở Mỹ, cơn bãn Katrina gây thiệt hại 120 tỷ USD, riêng đóng góp của bảo hiểm là hơn 40 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào quá trình phục hồi tài sản và thu nhập của những người bị ảnh hưởng do bão”, ông Hùng nói.
Siêu bão Katrina đổ bộ nước Mỹ năm 2005 đã tàn phá nặng nề vùng duyên hải vịnh Mexico từ Trung Florida cho đến Texas, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng.
Về tác động của cơn bão Yagi tới kinh tế Việt Nam, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 15/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ngoài thiệt hại về người, cơn bão này gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, Nhà nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ảnh hưởng này có thể làm giảm 0,15% GDP của cả nước so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8% - 7%).
“Tôi cho rằng cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn và trung hạn là dựa vào bảo hiểm và dựa vào hỗ trợ từ ngân sách, ví như đầu tư công giúp phục hồi các cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng sau thiên tai, kể cả chương trình hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ phục hồi trên đồng ruộng, hỗ trợ giống và nguyên liệu sản xuất vụ sau để người dân sớm phục hồi sản xuất”, ông Hùng nêu.
Liên quan đến mức ảnh hưởng 0,15% tới GDP từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hùng nhận định thoạt nghe có vẻ thấp, nhưng sẽ là con số cuối cùng khi những nỗ lực tái thiết, khắc phục sau bão đóng bóp bù lại vào con số tăng trưởng.
Các hiện tượng liên quan đến thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu là một trong những rủi ro trong ngắn hạn của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh căng thẳng địa chính trị, thương mại đứt gãy, và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á của ADB.
Về tăng trưởng kinh tế trong 2024, ADB dự báo tích cực cho Việt Nam, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
“Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu. Sự phục hồi ổn định đạt được do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho biết.