Sau quãng giằng co kéo dài, thị trường chứng khoán đón nhận phiên giao dịch đầu tuần đầy khởi sắc. Dòng tiền bất ngờ chảy mạnh đưa VN-Index thành công vượt mốc 1.300 điểm. Chốt phiên 24/2, VN-Index tăng gần 8 điểm lên mốc 1.304,56 điểm (tương ứng tăng 0,6%), cao nhất trong vòng 991 ngày (kể từ 9/6/2022).
Nhịp phục hồi trên diện rộng dường như đã thuyết phục được dòng tiền thận trọng hoặc đến muộn quay trở lại, kéo thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tăng cao đột biến so với phiên trước, đạt hơn 18.550 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm, kể từ đầu tháng 12/2024.
Mặc dù vượt 1.300 điểm, song nhiều nhà đầu tư vẫn quan ngại vì chỉ số đã nhiều lần "thất bại" trước ngưỡng cản này trong năm 2024. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã có một vài chia sẻ về vấn đề này.

Sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã chính thức vượt cản 1.300 điểm. Anh đánh giá như thế nào về động lực giúp chỉ số chung hồi phục?
VN-Index đã có một nhịp hồi phục đáng kể từ mốc 1.220 đến nay là gần 84 điểm tăng 6,84% đóng cửa tại 1.304. Có vài điểm có thể giải thích cho nhịp tăng hiện tại của VN-Index:
Đầu tiên là sự quay trở lại của dòng tiền nội và nguồn cung cổ phiếu giảm mạnh. Cả năm 2024 thị trường biến động rất khó chịu và nhịp giảm trước Tết đánh dấu việc nguồn cung cổ phiếu đã cạn kiệt đi nhiều so với giai đoạn đầu và giữa năm 2024. Minh chứng là có những thời điểm khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 290 triệu cổ phiếu/phiên hoặc tính bình quân 20 phiên chỉ còn có khoảng 450 triệu cổ phiếu giao dịch/phiên. Nguồn cung suy yếu trong khi dòng tiền nội có dấu hiệu dần quay trở lại sau dịp nghỉ lễ đã trở thành nguồn động lực giúp thị trường đi lên.
Thứ hai, áp lực bán ròng của khối ngoại giảm rõ rệt. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng nhưng áp lực đã giảm đi rất nhiều nếu so với năm 2024. Phiên bán ròng mạnh trong giai đoạn đầu năm 2025 cũng chỉ khoảng 500- 600 tỷ còn bình quân chỉ rơi vào khoảng quanh 300 tỷ/phiên giảm đáng kể so với những nhịp bán cao trào trong năm 2024 với nhiều phiên liên tiếp trên 1.000 tỷ đồng.
Thứ ba, tâm lý nhà đầu tư cải thiện trong bối cảnh vĩ mô bớt khó khăn hơn. Theo đó, áp lực tỷ giá USD/VND giảm, chính sách Thuế của Trump trở nên rõ ràng hơn và không quá tiêu cực như tuyên bố, chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng của Chính phủ và tính chu kỳ tăng điểm của VN-Index trong Quý 1 là những yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường.
Thứ tư, KQKD quý 4 và cả năm 2024 tích cực giúp định giá thị trường về vùng hấp dẫn, dư nợ margin cá nhân ở các công ty chứng khoán ở mức thấp và dần được cởi ra trong dịp đầu năm cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường.
Cuối cùng, tôi cho rằng khả năng sinh lời của thị trường chứng khoán cũng là một yếu tố thu hút dòng tiền hiện tại. Năm 2024, mặc dù VN-Index đã tăng 12% nhưng bản chất vẫn là đi ngang tích luỹ thì thị trường vàng đã tăng hơn 30%, tiền điện tử Bitcoin tăng đến hơn 100%.
Trong năm 2024, VN-Index từng nhiều lần “xịt hơi” trước ngưỡng 1.300 điểm, anh cho rằng đợt tăng giá này có thực sự bền vững?
Mặc dù thời điểm hiện tại VN-Index cũng đang biến động quanh mốc 1.300, nhưng tôi cho rằng đợt tăng giá này rất khác ở cả khía cạnh bối cảnh vĩ mô, dòng tiền, nguồn cung cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư. Vì vậy, cơ hội để VN-Index vữngvàng trên mốc 1.300 điểm trong lần này cao hơn rất nhiều với các thời điểm tương tự trong năm 2024.
Khả năng áp lực rung lắc sẽ xuất hiện khi chỉ số đang ở vùng cản tâm lý, nhưng dù có lùi xuống dưới 1.300 để kiểm định lại vùng 1.280 hay tăng tiếp lên vùng cao hơn như 1.320 rồi điều chỉnh thì tôi vẫn cho rằng trong quý 1 này VN-Index sẽ vượt vững chắc vùng 1.300 điểm nhờ dòng tiền đang chảy vào ngày càng mạnh mẽ.
Thanh khoản gia tăng mạnh mẽ, anh cho rằng dòng tiền đã thực sự trở lại dẫn dắt VN-Index bước vào sóng mới?
Từ đầu tháng 2 đến nay, thanh khoản đã có sự cải thiện so với giai đoạn cuối năm trước với KLGD trung bình 20 phiên đạt gần 600 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mức này vẫn thấp hơn so với hồi tháng 3/2024 khi lần đầu chạm vùng 1.300 điểm với KLGD trung bình 20 phiên trên 1 tỷ cổ phiếu.
Với dự phóng thị trường chứng khoán tiếp tục biến động theo dạng sideway up trong năm 2025, tương đồng với giai đoạn 06/2015 - 06/2016, tôi đánh giá trong quý 1/2025, thanh khoản sẽ tiếp tục diễn biến thấp theo cuối năm 2024 ở mức TB 10-11 nghìn tỷ/1 phiên hoặc có thể thấp hơn 10-12% .
Sau đó, thị trường sẽ tạo đáy và hồi phục vào cuối quý 1 với thanh khoản lên mức 13-15 nghìn tỷ. Đồng thời, theo thống kê trong giai đoạn 2014 - 2016 và 2023 - 2024 (giai đoạn thị trường tích lũy biên rộng), thanh khoản thị trường thường đạt mức cao nhất trong quý 2. Vì vậy, tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ lên mức cao nhất năm trong Q2/2025.
Anh đưa ra chiến lược nào cho nhà đầu tư trong thời điểm này?
Với dự báo thị trường có khả năng vượt 1.300 điểm cao và tiến về vùng 1.400 trong trung hạn, tôi cho rằng nhà đầu tư nên duy trì nắm giữ cổ phiếu nếu có những vị thế giá tốt. Trong ngắn hạn, với việc thị trường và nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh thì khả năng xuất hiện nhịp rung lắc để kiểm tra lại xu hướng ngắn hạn là cần thiết.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá tập trung vào chỉ số chung mà nên theo sát cổ phiếu mình theo dõi và canh mua khi cổ phiếu đã có sự điểu chỉnh cân bằng về những vùng hỗ trợ kỹ thuật mà không nhất thiết phải đợi VN-Index điều chỉnh. Đặc biệt nên ưu tiên những cổ phiếu vượt đỉnh 52 tuần, vượt đỉnh thời đại dựa trên kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh và có kỳ vọng 2025.
Với hoạt động đầu tư dài hạn, NĐT nên canh nhũng vùng giá thấp để giải ngân với những cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tích cực, thuộc một số nhóm như BĐS, KCN, ngân hàng, đầu tư công…