Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/09/2023, VN-Index đóng cửa ở mức 1.153,85 điểm, dù tăng gần 16 điểm so với phiên hôm trước, song nếu so với đầu tháng 9, chỉ số này đã giảm hơn 92 điểm do trước phiên hôm qua có các phiên liên tiếp giảm sâu. Đây cũng là một trong những nhịp giảm mạnh nhất đã được ghi nhận trong năm nay. Trong bối cảnh đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đã được chiết khấu 10-15% so với hồi đầu tháng.
Đánh giá về những diễn biến này, ông Vicente Nguyen - Giám đốc Đầu tư Quỹ AFC Vietnam Fund cho rằng những nhịp giảm vừa qua chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn, thị trường chứng khoán vẫn có nhiều triển vọng. Đồng thời, cổ phiếu ngân hàng đang có một mức giá siêu rẻ.
Theo ông vì sao VN-Index trong khoảng 1 tháng trở lại đây lại liên tục có những nhịp điều chỉnh mạnh?
Ông Vicente Nguyen: Nguyên nhân chính của việc thị trường có những nhịp giảm mạnh trong vài phiên trở lại đây là chủ yếu là do có không ít nhà đầu tư đã chốt lời.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác đó là do tâm lý đám đông. Cụ thể, không ít nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhỏ lẻ, không có hiểu biết về doanh nghiệp, cổ phiếu, thực trạng nền kinh tế, song vẫn tham gia đầu tư. Với một nền tảng kiến thức không vững, cộng thêm tâm lý thích giàu nhanh, các nhà đầu tư thường hay ra quyết định đầu tư theo các tin đồn.
Mặt khác, có nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tâm lý đó và “thổi phồng” các tin tức vốn dĩ rất bình thường, khiến cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoang mang. Với đặc trưng của thị trường chứng khoán Việt Nam là phần lớn nhà đầu tư là nhỏ lẻ, một sự điều chỉnh nhẹ có thể dễ dàng bị tâm lý đám đông biến thành những nhịp giảm sâu.
Đơn cử như thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tín phiếu. Đây là hoạt động bình thường để điều tiết nguồn vốn của NHNN. Bởi từ đầu năm, cơ quan này đã bơm khá nhiều tiền vào thị trường, thanh khoản hệ thống ngân hàng còn đang ở mức dồi dào. Trong bối cảnh, thặng dư thương mại cao, lượng vốn đầu tư FDI giải ngân cao, dòng kiều hối liên tục đổ về như hiện tại, ngân hàng trung ương đã có cơ hội để thực hiện những hoạt động điều tiết, ổn định thị trường, tránh thừa mứa tiền. Tuy nhiên, nhiều cá nhân và tổ chức không chính thống lại liên tục đưa ra thông tin và quan điểm cho rằng NHNN thắt chặt tiền tệ, tạo tâm lý hoang mang trong giới đầu tư.
Hiện tình hình kinh tế đang tốt hơn rất nhiều so với đầu năm. Tôi cũng nhấn mạnh là hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy NHNN đang thắt chặt tiền tệ. Do đó, không có lý do đủ thuyết phục, để thị trường chứng khoán phải giảm điểm mạnh.
Vậy với riêng ngành ngân hàng, ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh doanh và động lực tăng trưởng giá cổ phiếu của nhóm này?
Với vai trò là một trong những “trụ cột” của thị trường chứng khoán, nhóm ngân hàng cũng đã chịu không ít ảnh hưởng khi thị trường rung lắc mạnh như vừa qua.
Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh của của ngân hàng còn khó khăn, nợ xấu còn diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, lượng cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường đang khá nhiều. Do đó, nhìn chung, nhóm ngân hàng vẫn chưa có động lực đủ mạnh để bứt phát trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi các cổ phiếu nhà băng đang được định giá ở mức rất rẻ. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Tôi vẫn giữ vững quan điểm, những ngân hàng tốt, ít bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trái phiếu, bất động sản sẽ là nhóm có ưu thế hơn. Đồng thời, dưới đà phục hồi của nền kinh tế, tín dụng sẽ tăng trưởng trở lại và kết quả kinh doanh của các nhà băng có thể tích cực hơn. Vấn đề nợ xấu sẽ dần được giải quyết.
Về lâu dài, từ 3-5 năm tới, nhóm ngân hàng vẫn có nhiều triển vọng. Nếu kiên nhẫn nắm giữ, quả ngọt có thể vẫn đang chờ nhà đầu tư.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!