VN-Index mở cửa tăng hơn 1 điểm sau khi đã tăng 7 phiên liên tục. Tuy nhiên, ngay sau đó độ rộng của VN-Index đã chiếm số mã giảm giá gấp 3 lần số tăng. Tình hình gần như không được cải thiện suốt cả phiên sáng. Lượng cổ phiếu có vốn hóa lớn hầu hết càng lúc càng tụt sâu hơn, phản ứng lại sau các thông tin vĩ mô của tháng 6.
Giữa phiên sáng, VN-Index có dấu hiệu hồi phục sau khi giảm nhanh về gần 1,132 điểm, dù vậy không có sự hỗ trợ tích cực từ các cổ phiếu có vốn hóa lớn, khiến VN-Index chưa kịp hồi về tham chiếu thì lại quay đầu giảm xuống. Kết thúc phiên sáng, chỉ số này giảm gần 5 điểm.
Bước vào phiên chiều, tâm lý tiêu cực tiếp tục xuất hiện ở các nhà đầu tư khi dòng tiền tiếp tục “thoát” mạnh ra hầu hết các nhóm ngành. Trạng thái giằng co liên tục suất hiện, các đợt hồi phục chỉ diễn ra yếu ớt trong biên độ hẹp. Sắc xanh của VN-Index dần thu hẹp, đến cuối giờ chỉ số gần như không có chuyển biến nhiều, chấp nhận đóng cửa tại mức gần thấp nhất trong phiên. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của thị trường từ cuối tháng 3 tới nay.
Đóng cửa, VN-Index giảm 12,96 điểm (-1,14%) xuống còn 1.125,39 điểm. HNX-Index 2,77 điểm (-1,20%) xuống mốc 227,48 điểm. UPCOM-Index mất thêm 0,36 điểm (-0,43%) dừng tại 85,63 điểm.
Khối cổ phiếu có vốn hóa lớn VN30 gây sức ép lớn lên thị trường giảm gần 16 điểm, toàn nhóm chỉ ghi nhận vỏn vẹn 2 mã tăng giá là VCB và VNM, còn lại 28 mã cổ phiếu đều rớt giá. Trong đó, HPG sau nhiều phiên “trình diễn” ấn tượng, phiên hôm nay giảm giá sâu nhất Top 10 tiêu cực, lấy đi của VN-Index 1,1 điểm.
Kế đó, BID cũng lấy đi của chỉ số thêm 1 điểm, các mã VPB, TCB hay MSN cùng lấy đi hơn 0,5 điểm. Ngược chiều, VCB và VNM tích cực nhất chỉ hồi phục lại hơn 1,6 điểm cho chỉ số.
Sắc đỏ gần như bao phủ hầu khắp các nhóm ngành, điển hình tại nhóm ngân hàng. Tổng số mã tăng giá tại hai sàn niêm yết chỉ có 2 mã là VCB +0,79% và EIB +0,96%. Toàn bộ 18/20 mã còn lại đều giảm giá, số đông các cổ phiếu đều giảm mạnh trên 1% như: VPB -1,73%, TPB -1,90%, TCB, SHB -1,95%, MBB -1,93%, ACB -1,79%, HDB -2,13%,…
Tương tự, tình hình ảm đạm cũng phủ bóng khắp nhóm bất động sản. Toàn nhóm này đóng cửa chỉ có 8 mã tăng giá, nổi bật có HDG +0,26%, ITA +0,18%, SJS +0,96%, VC3 +8,37%,… cũng không đủ sức chống đỡ với lượng mã giảm áp đảo lên đến 55 mã. Các chủ lực trong ngành như: VHM, VIC, BCM, VRE,… đều rực lửa, các mã khác còn giảm mạnh ghi nhận NVL -3,85%, KBC -2,03%, KDH -2,23%, DIG -5,8%, NLG -2,36%, PDR -2,94% hay DXG -4,28%,… ngoài ra EVG, QCG, TDC, API, SIC đồng loạt giảm sàn.
Ngành vật liệu xây dựng sau chuỗi tăng ấn tượng cũng quay sang giảm mạnh nhất thị trường khi có HPG giảm đến 3%, HSG -2,38%, NKG -4,96%, VCS -1,16%, BCC -2,13%, POM -4,61%,… Nhóm chứng khoán tiêu cực giảm sâu hơn 4%, toàn nhóm không có bất kỳ mã nào tăng giá, các đại diện SSI, VND, VCI, HCM, SHS, VIX, MBS hay FTS cùng hàng loạt các mã trong nhóm đều giảm mạnh từ 3% trở lên,…
Thanh khoản phiên hôm nay vẫn ở mức cao, nhưng rõ ràng nghiêng hoàn toàn về bên bán, tại sàn HoSE chiếm đến 361 mã giảm giá, chỉ có 84 mã tăng. Tổng giá trị giao dịch trên sàn chính này đạt 17,3 nghìn tỷ đồng, ứng với hơn 906,8 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay trong phiên.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, nhà đầu tư nước ngoài có thêm phiên thứ 2 tích cực mua ròng với giá trị 114,7 tỷ đồng tại sàn HoSE. Tâm điểm mua vào của khối ngoại tiếp tục là HPG với gần 182 tỷ đồng, theo sau là VNM với giá trị 82 tỷ đồng, ngoài ra còn có VHM +37,7 tỷ đồng, CTG +27 tỷ đồng, FRT +20 tỷ đồng,…
Chiều bán, DCG bị bán ròng mạnh nhất với hơn 39 tỷ đồng, theo sau là VND -26 tỷ đồng, NLG -24 tỷ đồng, VRE -20,5 tỷ đồng, hay DCM, DCM bán hơn 17 tỷ đồng mỗi mã,…