Nội dung chính:
- Hàn Quốc ra lệnh cấm bán khống trên các cổ phiếu thuộc hai bộ chỉ số chính là (Kospi và Kosdaq) và thị trường KONEX dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Lệnh cấm mang tính cục bộ và có thời hạn.
- Các định chế đầu tư toàn cầu tại Hàn Quốc đang bị điều tra vi phạm bán khống.
Theo The Korea Times, Hàn Quốc đã chính thức cấm bán khống cổ phiếu từ hôm nay - 6/11/2023 đến cuối tháng 6/2024. Lệnh cấm này được Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) đưa ra khi phát hiện các định chế đầu tư toàn cầu đã bán khống bất hợp pháp.
Trong thời gian 8 tháng cấm bán khống, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cải thiện các quy định để ngăn chặn các hành vi bán khống bất hợp pháp, đồng thời điều tra vi phạm của các định chế đầu tư toàn cầu tại nước này.
Chủ tịch FSC Kim Joo-hyun cho biết trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật ngày 5/11: “Bất chấp những cải thiện về quy định trước đây, việc hình thành giá hợp lý trên thị trường chứng khoán trong nước vẫn đối mặt với nhiều cản trở, do các định chế đầu tư toàn cầu liên tục bán khống bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc”.
Lệnh cấm chỉ áp dụng trên các cổ phiếu thuộc hai chỉ số Kospi 200 và Kosdaq 150 và thị trường KONEX (là sàn giao dịch chứng khoán dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ).
FSC cũng cho biết lệnh cấm chỉ mang tính cục bộ, do đó một số cổ phiếu trong hai chỉ số Kospi và Kosdaq vẫn được phép bán khống.
Việc bán khống bất hợp pháp của các định chế đầu tư nước ngoài tại Hàn Quốc, được mô tả là “bán khống trần trụi” (naked short selling).
Bán khống được hiểu nôm na là việc “đánh cược” vào giá cổ phiếu giảm. Khi đó, người ta sẽ mượn cổ phiếu và bán ra khi giá đang cao. Khi giá giảm, họ mua cổ phiếu để trả lại cho bên cho mượn. Cổ phiếu giảm càng sâu, nhà đầu tư bán khống kiếm lời càng nhiều từ chênh lệch giá.
Việc bán khống là hợp pháp tại hầu hết các thị trường chứng khoán phát triển.
Tuy nhiên, bán khống trần trụi lại là hành vi bất hợp pháp.
Bán khống trần trụi là việc “mượn” số lượng cổ phiếu thậm chí không tồn tại, hoặc vượt quá số lượng có thể cho mượn, để bán khống và kiếm lời. Việc mượn cổ phiếu hợp pháp phải được xác nhận thông qua chuyển quyền sở hữu, nhưng tại các giao dịch bán khống trần trụi, khả năng sở hữu chưa được xác nhận.
Bán khống trần trụi bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ bắt đầu cấm từ năm 2008 - được xem là một trong những nỗ lực cải thiện thị trường sau vụ sụp đổ của định chế đầu tư Lehman Brothers.