Nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế 2023
Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 kỳ vọng tới từ một số yếu tố.
(1) Hoạt động đầu tư công khi Chính phủ đang có động thái đẩy mạnh trở lại sau khi tình hình giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt so với đầu năm 2022, dự án Sân bay Long Thành là một trong những dự án trọng điểm.
(2) Trung Quốc đang dần loại bỏ chiến dịch “zero-Covid” sẽ bắt đầu mở cửa biên giới từ giữa tháng 1/2023, kỳ vọng mở cửa hoàn toàn vào quý 2/2023, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, du lịch và lĩnh vực sản xuất.
(3) Triển vọng ngưng thắt chặt kinh tế ở các nước phát triển sẽ rõ ràng hơn từ giữa năm 2023 cũng như các yếu tố nền tảng vĩ mô trong nước ổn định hơn với kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt, VNĐ sẽ mạnh hơn so với năm 2022.
(4) Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối 2023, trong khi nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn. Những tháng cuối năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi Lego đã xây dựng nhà máy ở Bình Dương, Samsung, Apple cũng đưa ra những kế hoạch trong việc đầu tư thêm vào Việt Nam.
Với những động lực trên, đội ngũ phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,6%, trong đó lĩnh vực vực Dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất khoảng 7,4%.
Thị trường chứng khoán "mưa tạnh nhưng mây chưa tan"
Đối với thị trường chứng khoán, Yuanta cho rằng bối cảnh thị trường là “mưa đã tạnh nhưng mây chưa tan”. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 có thể khiến tăng trưởng kinh tế và TTCK có thể sẽ chưa thể khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2023.
Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của thị trường trong năm 2023 dự báo lần lượt đạt mức -2,61% và 12,62%, tương ứng mức tăng trưởng EPS là 7,65%.
Tại phiên 27/1, tỷ suất thu nhập trên giá hiện tại là 8,93%, cùng với tỷ suất cổ tức dự phóng 2023 là 1,96% thì tỷ suất lợi tức thị trường ở mức 10,89%, cao hơn mức lợi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại. Như vậy, định giá thị trường thấp đã phản ánh các rủi ro của thị trường.
Từ đó, nhóm phân tích đưa ra ba kịch bản cho TTCK trong năm 2023 với kịch bản cơ sở là kịch bản xảy ra có xác suất cao nhất.
Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ có diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2023 và có xu hướng đi ngang trong nửa cuối năm 2023 quanh mức 1.200 điểm.
Tuy nhiên, kịch bản lạc quan vẫn có thể xảy ra khi Fed “quay xe” trong việc điều hành lãi suất cuối năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.
Theo phân tích mô hình dự phóng, kịch bản bi quan có xảy ra thì chỉ số VN-Index cũng có thể sẽ không giảm mạnh trong năm 2023 và vẫn biến động quanh mức 1.000 điểm.
Chiến lược nào phù hợp?
Trong giai đoạn “mưa đã tạnh nhưng mây chưa tan”, Yuanta cho rằng các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ trong 6 tháng đầu năm 2023 cho đến khi có thay đổi hành động điều hành chính sách tiền tệ mới từ Fed với các nhóm ngành chú ý: Dầu khí, Điện nước và khí đốt, Tiêu dùng thiết yếu.
Cùng với đó, các cậu chuyện chuyên biệt của thị trường cũng có thể mang lại cơ hội đầu tư trong năm 2023. Nổi bật nhất là câu chuyện nhóm Du lịch Hàng không hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa và Đầu tư công với nhiều mục tiêu có thể đạt được trong năm 2023 khi các mục tiêu này chưa thể đạt được trong 3 năm trước đó do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Nhóm Ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu Yuanta khuyến nghị trong giai đoạn này với mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo là 16% trong năm 2023. Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao vẫn là thách thức lớn cho tăng trưởng của nhóm ngành này, cùng với đó là rủi ro nợ xấu và tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp. Điều nhà đầu tư cần quan tâm ở nhóm ngành này là câu chuyện ở từng cổ phiếu chuyên biệt.