Chứng khoán 2023: Bước đệm cho hành trình nâng hạng thị trường, VN-Index vững vàng trên mốc 1.100 điểm

Xuân Hạ Thu Đông/ TK: Hải An | 13:04 28/12/2023

2023 tiếp tục ghi dấu một năm nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán. Xu hướng nhìn chung là hồi phục, mặc dù con đường khá “gập ghềnh” và cũng không thiếu những dấu ấn đáng chú ý.

Chứng khoán 2023: Bước đệm cho hành trình nâng hạng thị trường, VN-Index vững vàng trên mốc 1.100 điểm
ck-dau-an-title-1-01.jpg

Sau quý đầu năm có phần ảm đạm, thị trường chứng khoán bắt đầu “nóng” dần từ đầu tháng 5 với các luồng thông tin hỗ trợ đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của thị trường trái phiếu và bất động sản. VN-Index đi lên mạnh mẽ và đạt đỉnh một năm vào giữa tháng 9. Đây cũng là khoảng thời gian giao dịch rất sôi động với nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh cùng một số cơn gió ngược đến từ bên ngoài đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh. VN-Index có thời điểm gần đánh mất thành quả tăng giá từ đầu năm khi lùi về sát mốc 1.000 điểm hồi cuối tháng 10. Nhịp hồi phục trong 2 tháng cuối năm chưa đủ để đưa VN-Index về đỉnh cũ nhưng cũng kịp kéo chỉ số lên trên 1.100 điểm.

ck-dau-an-anh-chen-1-01.jpg

1.100 điểm có lẽ là từ khoá được nhà đầu tư chứng khoán nhắc đến nhiều nhất trong năm vừa qua. Theo thống kê, trong năm 2023, VN-Index có đến 8 lần “đảo qua, đảo lại” mốc tâm lý quan trọng này. Nhà đầu tư không ít lần trải qua cảm giác hụt hẫng khi chỉ số dễ dàng thủng mốc 1.100 vừa mới “chật vật” đạt được vài phiên trước.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng VN-Index vẫn khép lại năm 2023 với mức tăng hơn 11%. Giá trị vốn hóa của HoSE cũng theo đó tăng thêm hơn 500.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 4,5 triệu tỷ. Tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa toàn thị trường lên đến gần 5,9 triệu tỷ đồng (~245 tỷ USD).

ck-dau-an-title-2-web-01.jpg

Thị trường hồi phục, khối ngoại lại quay đầu “trả hàng” sau giai đoạn mua ròng “ồ ạt” cuối năm ngoái. Xu hướng bán ròng bắt đầu rõ rệt từ tháng 4, kéo dài 9 tháng liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính chung cả năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 23.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực tế, khối ngoại đã bán ròng triền miên trên sàn chứng khoán nhiều năm qua và chỉ mua ròng ở một vài giai đoạn ngắn điển hình như thời điểm thị trường rơi xuống đáy dài hạn cuối năm 2022. Luỹ kế từ năm 2020 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 3 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam.

ck-dau-an-anh-chen-2-01.jpg

Liên tục xả hàng trên sàn nhưng tiền ngoại thực tế không rút khỏi Việt Nam. Dòng vốn ngoại vẫn âm thầm đổ vào thị trường qua các thương vụ mua cổ phần chiến lược tại những doanh nghiệp đơn lẻ, thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập ngoài sàn chứng khoán. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng không ngừng chảy vào Việt Nam, với giá trị đăng ký đạt gần 36,61 tỷ USD trong năm 2023, tăng 32,1% so với cùng kỳ, vốn giải ngân đạt kỷ lục 23,18 tỷ USD.

ck-dau-an-title-3-web-01.jpg

Việc tiếp tục lỡ hẹn với nâng hạng thị trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại chưa mặn mà với chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Theo danh sách phân loại thị trường FTSE Russell công bố vào tháng 9/2023, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2. 

Theo đánh giá chung của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ. Một là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Hai là giới hạn sở hữu nước ngoài. Cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí này trong đó việc đưa hệ thống KRX vào vận hành được đánh giá là một trong những bước trọng yếu.

Dựa trên kế hoạch ban đầu của phía nhà thầu, KRX dự kiến sẽ “go live” cuối tháng 12/2023. Các đợt kiểm thử cũng đã gấp rút được triển khai với sự tham gia của cơ quan quản lý và thành viên thị trường thời gian qua nhưng vẫn không kịp “deadline”. Dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc đưa vào vận hành hệ thống mới chậm hơn dự tính là quyết định cần thiết để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đảm bảo việc vận hành chính thức được thuận lợi, trơn tru nhất.

Theo đánh giá của giới phân tích, câu chuyện nâng hạng của chứng khoán Việt Nam hiện chỉ còn là vấn đề thời gian, và có thể hoàn tất trong giai đoạn 2024 – 2025. Nếu thành công nâng hạng lên thị trường mới nổi, Chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thể thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư mới từ nhà đầu tư nước ngoài.

ck-dau-an-title-4-web-01.jpg

Trong năm qua, bên cạnh những nỗ lực phát triển thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý cũng đã có sự thay đổi lớn về mặt nhân sự. Sau hơn 6 năm đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch, từ ngày 9/1/2023, bà Vũ Thị Chân Phương đã được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua đó trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của cơ quan này kể từ khi đi vào hoạt động.

Bà Phương đã tham gia và gắn bó với thị trường chứng khoán ngay từ thời gian đầu thành lập, trải qua nhiều vị trí từ công tác chuyên môn đến công tác quản lý, lãnh đạo như Thanh tra UBCKNN, Vụ trưởng Vụ Thanh tra của UBCKNN, Phó Chủ tịch UBCKNN. Dưới sự chỉ đạo của tân Chủ tịch, UBCKNN tiếp tục có những động thái quyết liệt, kịp thời để xử lý sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, siết chặt kỷ cương với quyết tâm thanh lọc, minh bạch thị trường.

ck-dau-an-anh-chen-3-web-01.jpg

Bên cạnh đó, UBCKNN còn thường xuyên có hoạt động tiếp xúc gặp gỡ và làm việc với các tổ chức nước ngoài, tham gia các hội thảo xúc tiến đầu tư, từ đó thúc đẩy những giải pháp để đưa thị trường Việt Nam tiến tới gần hơn các quy định, thông lệ quốc tế, khai thác tiềm năng và thu hút dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán.

Các hoạt động thể hiện nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết những hạn chế còn tồn đọng của chứng khoán Việt Nam. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, minh bạch.

ck-dau-an-title-5-web-01.jpg

Quyết tâm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán tiếp tục được thể hiện rõ trong năm 2023. Hàng loạt cá nhân liên quan đến các vụ án thao túng thị trường chứng khoán bị khởi tố hình sự trước đó như Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu FLC; Đỗ Thành Nhân và Chứng khoán Trí Việt tại nhóm cổ phiếu Louis đã bị truy tố/đề nghị truy tố với những án phạt nặng, chưa từng có tiền lệ. Trong năm qua, cơ quan điều tra cũng tiến hành khởi tố thêm vụ án thao túng giá cổ phiếu xảy ra tại “nhóm APEC”.

Bên cạnh đó, các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát cũng được thực thi nghiêm chỉnh. Nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch do kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin,… Các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin thậm chí đã bị huỷ niêm yết, có thể kể đến như “họ” FLC, “họ” Louis,…

Hàng loạt cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị xử phạt nặng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng và cấm giao dịch thời gian dài. Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Việt Hà, cựu CEO Khang Minh Group (GKM) bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 2 năm vì thao túng cổ phiếu; Vợ chồng Chủ tịch Hải Phát Invest (HPX) Đỗ Quý Đường và Chu Thị Lương bị phạt hành chính tổng cộng gần 2 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán chui; Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG (LDG) Nguyễn Khánh Hưng bị phạt 520 triệu và cấm giao dịch 4 tháng cũng với lý do tương tự,…

Các thành viên thị trường cũng không ngoại lệ khi nhiều công ty chứng khoán đã bị xử phạt nghiêm khắc do vi phạm quy định về nghiệp vụ. Một số trường hợp buông lỏng quản lý, không giám sát nhân viên dẫn đến xung đột với khách hàng, điển hình như Chứng khoán VPS cũng bị xử phạt hành chính, giám đốc tư vấn bị tước chứng chỉ hành nghề trong 9 tháng,…

Hàng loạt sai phạm bị “phanh phui” ít nhiều tác động mạnh đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thanh lọc thị trường được đánh giá là liều vaccine cần thiết để giúp thị trường phát triển bền vững hơn và thực tế cho thấy hiện liều vaccine này đang dần tạo ra những “kháng thể” cần thiết cho thị trường chứng khoán.

ck-dau-an-title-6-web-01.jpg

Ngoài việc xử phạt nghiêm những sai phạm, quyết tâm thanh lọc thị trường còn được thể hiện qua nỗ lực làm sạch dữ liệu chứng khoán của các cơ quan chức năng. Vào cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán qua đó giúp đối chiếu thông tin của người dùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Nhiệm vụ này được yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 11/2023. Chỉ đạo trên được đưa ra khi thời gian qua nhiều cá nhân bị khởi tố vì thao túng chứng khoán để thu lợi.

ck-dau-an-anh-chen-6web-01.jpg

Chỉ sau 2 tháng thực hiện, gần 887.000 tài khoản chứng khoán đã bị “xoá sổ”. Con số này chủ yếu đến từ hoạt động rà soát các tài khoản đã mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch tại Công ty chứng khoán.

Chiều ngược lại, lượng tài khoản mở mới trong khoảng thời gian này chỉ hơn 315.000 tài khoản. Điều này khiến cho số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước lần đầu tiên có sự sụt giảm kể từ khi dữ liệu được công bố. Thời điểm cuối tháng 11/2023, nhà đầu tư trong nước có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 7% dân số.

ck-dau-an-title-7-web-01.jpg

Nhắc đến những nỗ lực hoàn thiện thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, bền vững không thể bỏ qua việc đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam vào ngày 19/7/2023. Hệ thống này ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Sự ra đời của hệ thống TPDN riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDN riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp. Đồng thời, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc mua bán trái phiếu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch TPDN riêng lẻ.

tpdn-rieng-le.jpg

Theo Bộ Tài chính, từ khi khai trương và đưa vào vận hành hệ thống sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tại HNX, tính đến hết ngày 30/11/2023, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống là 760 mã. Các mã trái phiếu trên của 206 doanh nghiệp là tổ chức phát hành, với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 519.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường từ khi thị trường khai trương đến 30/11/2023 đạt 119.678 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1.260 tỷ đồng/phiên.

Về hoạt động phát hành, tính từ đầu năm đến 24/11/2023, có 77 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 214.300 tỷ đồng (giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022). Nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức, chiếm 96,2% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%); các nhà đầu tư cá nhân mua 3,8%.

ck-dau-an-title-8-web-01.jpg

Trong một năm mang tính bước đệm cho một giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán, sẽ khó tránh khỏi có những nốt trầm đáng suy ngẫm. 2023 là năm “ảm đạm” nhất của hoạt động đấu giá cổ phần trên sàn chứng khoán từ trước đến nay. Theo thống kê từ các Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE và HNX), đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 4 đợt đấu giá cổ phần kể từ đầu năm. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt gần 2.900 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng một thập kỷ.

Từ đầu năm, HoSE chỉ có duy nhất một đợt đấu giá thành công khi Petrolimex hoàn tất thoái vốn (120 triệu cổ phiếu, 40% cổ phần) tại PGBank (PGB), thu về hơn 2.568 tỷ. Trong khi đó, HNX có 3 đợt đấu giá là (1) Ắc quy Tia Sáng (TSB) bán thành công 3,44 triệu cổ phần với giá trị gần 135 tỷ; (2) EVNNPC đấu giá 2,34 triệu cổ phần tại Thiết bị Điện Miền Bắc (NEEM), thu gần 29 tỷ đồng; (3) Bộ Xây dựng bán đấu giá thành công 13,2 triệu cổ phần Tổng Công ty Sông Hồng (SHG) thu về 139 tỷ đồng.

ck-dau-an-anh-chen-8-web-01.jpg

Thực tế, hoạt động đấu giá cổ phần đã rơi vào “downtrend” kể từ sau giai đoạn bùng nổ 2015-18. Những năm gần đây, số lượng các đợt đấu giá trên sàn chứng khoán ngày càng ít, “bom tấn” gần như không có. Giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cũng liên tục giảm mạnh sau khi đạt đỉnh gần 130.000 tỷ vào năm 2017.

ck-dau-an-title-9-web-01.jpg

Không chỉ hoạt động đấu giá cổ phần, số lượng cổ phiếu niêm yết mới cũng rất hạn chế. Từ đầu năm đến nay, HoSE và HNX chỉ đón thêm tổng cộng 12 cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ niêm yết mới. Tuy nhiên, “tân binh” đều là các cổ phiếu quy mô nhỏ và đa phần đã giao dịch trên UPCoM trước đó. Vì thế, với nhiều nhà đầu tư, những cái tên này không hẳn là “hàng mới”.

Một số doanh nghiệp đáng chú ý đang chờ niêm yết trên HoSE cũng đều dưới dạng chuyển sàn từ UPCoM. Trong khi đó, những cái tên từng được chờ đợi sẽ tạo dấu ấn như Nova Consumer (NCG), Tôn Đông Á (GDA), VNG (VNZ),… lại “quay xe” không niêm yết mà chỉ giao dịch trên UPCoM. Ngoài ra, còn hàng chục cổ phiếu bị huỷ niêm yết từ 2 sàn HoSE và HNX do vi phạm các quy định về công bố thông tin, thua lỗ,…
Trong quá khứ, việc tạo hàng hoá mới cho thị trường chứng khoán phụ thuộc khá lớn vào các thương vụ cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn. Đáng tiếc, các hoạt động này đều rất hạn chế những năm gần đây. Đa phần các doanh nghiệp trong danh sách “chờ”, chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn, cũng có quy mô nhỏ tại các địa phương.

Những cái tên thực sự thu hút nhà đầu tư chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Lộ trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước cũng có nhiều vướng mắc và vẫn chưa hẹn ngày lên sàn. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp “hot” để chờ đợi ngoài một vài cái tên như Thaco, TH True Milk, DOJI,… Những cái tên này cũng chưa có kế hoạch niêm yết trong tương lai gần.

ck-dau-an-title-10-web-01.jpg

Thị trường trong nước thiếu hàng mới, “bom tấn” niêm yết duy nhất trong năm qua lại là thương vụ doanh nghiệp Việt lên sàn chứng khoán Mỹ. Sau cú rung chuông lịch sử ngày 15/8, cổ phiếu VinFast chính thức chào sàn Nasdaq với giá 22 USD/cp, tương đương mức định giá xấp xỉ 50 tỷ USD. Sức nóng của VinFast ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư toàn cầu, cổ phiếu này giao dịch rất sôi động với thanh khoản có phiên lên đến cả tỷ USD.

ck-dau-an-anh-chen-10-web-01.jpg

Giá trị vốn hóa của VinFast cũng tăng chóng mặt sau khi lên sàn và có thời điểm đã xấp xỉ 160 tỷ USD, chỉ kém 2 gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô là Tesla và Toyota. Dù sự hưng phấn sau đó đã hạ nhiệt nhưng mức vốn hóa hiện tại vẫn đủ để VinFast có một vị trí vững vàng trong top các doanh nghiệp sản xuất xe điện giá trị nhất thế giới.

Tại ngày 27/12, VinFast có vốn hóa vào khoảng 20 tỷ USD, xếp thứ 4 trong danh sách các nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, chỉ sau những tên tuổi "đình đám" như Telsa, Li Auto, hay Rivian. Đây thực sự là một con số ấn tượng đối với một tân binh vừa niêm yết cũng như một hãng xe “trẻ trung” mới có 6 năm tuổi.

Sự hiện diện của VinFast, một thương hiệu Việt Nam trên sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới được kỳ vọng sẽ thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên quen thuộc với các tổ chức quốc tế. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tìm đến trong tương lai nhờ tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn.

Bài: Xuân Hạ Thu Đông

Thiết kế: Hải An


(0) Bình luận
Chứng khoán 2023: Bước đệm cho hành trình nâng hạng thị trường, VN-Index vững vàng trên mốc 1.100 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO