Chủ tịch Việt lọt Top Forbes 30 under 30 Asia tiết lộ: "Bí mật" đằng sau chuỗi Phở 24 đình đám và 6 "la bàn" ai cũng cần biết để đạt thành công

Phương Thúy | 20:46 27/03/2023

Theo công ty Mỹ CB Insights, tỷ lệ startup công nghệ thất bại ngay trong giai đoạn trứng nước lên tới 75-90% và xác suất “chết yểu” trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay vẫn ở mức rất cao. Vì thế, nếu tìm ra đáp án của 6 câu hỏi sau đây, đó sẽ là “bùa hộ mệnh” để đi đến thành công.

Chủ tịch Việt lọt Top Forbes 30 under 30 Asia tiết lộ: "Bí mật" đằng sau chuỗi Phở 24 đình đám và 6 "la bàn" ai cũng cần biết để đạt thành công

6 câu hỏi là la bàn khởi nghiệp

Trong “Khởi nghiệp phiêu lưu ký: Start-up trước tuổi 30”, tác giả Tạ Minh Tuấn (Forbes 30 under 30 Asia, Chủ tịch TMT Group) đã đưa khái niệm “la bàn khởi nghiệp” thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng về đôi bạn thân Thành Toàn và Thành Nhân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Tuy sách viết về đề tài kinh doanh, nhưng lối hành văn của tác giả không hề khô cứng số liệu, phân tích kỹ thuật mà giàu hình ảnh, thậm chí đôi lúc đậm chất thành ngữ, tục ngữ. Về cơ duyên dẫn tới “la bàn khởi nghiệp”, tác giả viết: “Có những kết thúc sai lầm mới có những mở đầu thẳng hàng đúng lối, có những cuộc gặp gỡ định mệnh mới có những chiếc chìa khóa quý giá giúp chúng tôi tìm được các mảnh ghép nhỏ để ghép nên tấm La Bàn Khởi Nghiệp lớn, tìm đường về đích cho những người khởi nghiệp còn lạc lõng, chơi vơi giữa muôn vàn chông chênh chẳng biết phải đi đâu về đâu. Nhưng hẳn nhiên đã gặp gỡ là sẽ phải chia ly. Tuy vậy, nếu đã sống trọn từng giây thì ta chẳng mấy khi phải nuối tiếc”.

Theo tác giả Tạ Minh Tuấn, có 6 tín hiệu/chìa khóa thành công giúp doanh nghiệp tìm ra hướng đi đúng đắn cho mình, qua việc đánh giá và điều chỉnh từng yếu tố một. Đó là thị trường, lợi thế, đam mê, xã hội, pháp lý và nhân rộng.

-Ta đã chọn thị trường thông minh chưa? Thị trường này có phù hợp với ta hay không? Ta có muốn điều chỉnh thị trường của mình hay không?

-Ta có một lợi thế cụ thể để thâm nhập và bảo vệ thị trường hay chưa? Đó là lợi thế gì? Làm sao để tạo ra lợi thế đó nếu chưa có?

-Ta có đam mê và yêu thích ý tưởng đó hay không? Ta có sẵn sàng chiến đấu“khô máu” với nó và làm nó dù không ai trả tiền cho ta chứ?

-Ý tưởng này giải quyết một vấn đề cụ thể nào của xã hội? Nếu ta không làm thì xã hội mất gì? Ngọn cờ chính nghĩa của ta là gì? Chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) của ta là gì?

-Ý tưởng này có đảm bảo được các điều kiện pháp lý hay không? Làm sao để vẫn làm được với điều kiện pháp luật hiện nay và trong tương lai?

-Ý tưởng này có khả năng nhân rộng chứ? Làm sao để từ việc bán cho 100 người, ta có thể bán cho 100.000, thậm chí 1.000.000 người?

Sau khi kể về cơ duyên tầm sư học đạo của đôi bạn startup Thành Toàn - Thành Nhân, gặp được 6 vị cố vấn, đúc kết ra 6 yếu tố của “la bàn khởi nghiệp”, tác giả trình bày 2 bảng rất rõ ràng, dễ hiểu về 2 case study trong và ngoài nước. Đó là trường hợp Phở 24 và Uber.

Với Phở 24, yếu tố thị trường là thay vì bán phở, nhà sáng lập Phở 24 bán không gian ăn phở; thay vì bán tô phở ngon nhất Việt Nam, anh bán phở cho nhiều người Việt Nam ăn nhất. Nhà sáng lập chọn thị trường ngách: Phở + Máy lạnh = Phở 24.

Yếu tố lợi thế là người sáng lập đã sử dụng lợi thế thương hiệu cá nhân vốn nổi tiếng trong giới ẩm thực, lợi thế con người vì có sự hậu thuẫn từ phía sau của một gia tộc có rất nhiều kinh nghiệm kinh doanh F&B (dịch vụ ẩm thực), cùng những lợi thế như quy trình tối ưu, hệ thống quản trị, hiểu về thị trường và chất lượng dịch vụ.

Yếu tố đam mê là nhà sáng lập Phở 24 có niềm đam mê cháy bỏng với ẩm thực nước nhà.

Yếu tố xã hội là Phở 24 đã giải quyết bài toán của xã hội: phở vỉa hè thiếu vệ sinh, không đảm bảo chất lượng và mỹ quan. Tại Phở 24, thực khách có thể cùng gia đình và bạn bè ăn một tô phở trong phòng máy lạnh sạch sẽ, thoáng mát. Đặc biệt, nhiều doanh nhân còn có thể mời đối tác nước ngoài vừa thưởng thức món ăn truyền thống của Việt Nam, vừa bàn bạc công việc trong không gian lịch sự.

Yếu tố pháp lý là các vấn đề sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương hiệu được đảm bảo nghiên cứu cẩn thận và áp dụng chính xác. 

Yếu tố nhân rộng là Phở 24 đã xây dựng mô hình kinh doanh bán “trải nghiệm và không gian ăn phở” hơn là bán “tô phở ngon nhất”. Chính vì ý tưởng được thiết kế theo hướng này nên Phở 24 không bị phụ thuộc vào con người, cụ thể là đầu bếp, mà bất cứ ai được đào tạo đầy đủ và tuân thủ quy trình cũng có thể cho ra một tô phở “ăn được” trong không gian lịch sự. Phở 24 biết cái mình đang bán là “không gian ăn phở” nên tuy tô phở không phải là tô phở ngon nhất, khách hàng vẫn ủng hộ. Nhờ thiết kế ý tưởng phụ thuộc vào hệ thống và quy trình nhiều hơn là con người nên tính nhân rộng của Phở 24 được đảm bảo. Chưa kể, họ áp dụng nhượng quyền để nhân rộng được mạnh mẽ hơn.

4 loại nhu cầu

Trước khi mổ xẻ 6 yếu tố la bàn khởi nghiệp đối với trường hợp xe công nghệ Uber ở nước ngoài, tác giả làm rõ khái niệm “tứ cầu”. Trong kinh doanh, có 4 loại nhu cầu, mà thực ra xuyên suốt hơn mấy trăm năm kinh doanh của loài người, tất cả cũng chỉ gói gọn trong 4 loại nhu cầu mà thôi. Đi liền với “tứ cầu” là 4 loại thị trường, gồm đại dương đỏ, đại dương vàng, đại dương xanh và sông (thị trường ngách).

Người sáng lập (founder) có khả năng sáng tạo cao, huy động được nhiều tiền, chấp nhận rủi ro lớn, và phải giáo dục thị trường nhiều thì hãy chọn Đại dương xanh. Nếu khả năng sáng tạo trung bình, muốn rủi ro trung bình, khởi đầu nhỏ với ít tiền, thì nên chọn Sông ngách. 

“Giống như khi mới đặt chân vào bất cứ thị trường quốc tế nào, Uber cũng đã phải giáo dục thị trường để thay đổi thói quen của khách hàng từ hành động gọi taxi truyền thống trở thành ‘book Uber’ (đặt xe Uber) mỗi khi có nhu cầu đi lại, mà muốn khách hàng sẵn sàng hành động thì phải để khách hàng dùng thử, vậy nên giá phải rất thấp. Uber luôn phải trợ giá đồng nghĩa với việc ‘chịu đấm ăn xôi’ – chấp nhận chịu lỗ trong khoảng thời gian dài. Và để có thể chịu lỗ thì tuyệt nhiên Uber phải có cả tỉ đô-la để duy trì, sống sót và chiếm lĩnh thị phần, giáo dục thị trường. 

Sau quãng thời gian đủ để khách hàng có thói quen sử dụng, nhiều người đã chấp nhận, rồi nhiều người cần, nghĩa là đã có thể kết thúc giai đoạn giáo dục thị trường. Doanh nghiệp hiển nhiên trở thành thương hiệu tiên phong, dẫn đầu tâm trí người tiêu dùng. Lúc này giá trị doanh nghiệp có thể tăng từ hàng chục tới cả trăm lần”, tác giả viết.

6 câu “thần chú”

Sau khi kể các câu chuyện truyền cảm hứng dẫn tới sự hình thành la bàn khởi nghiệp với 6 yếu tố thị trường, lợi thế, đam mê, xã hội, pháp lý và nhân rộng, tác giả “Start-up trước tuổi 30” đưa ra 6 câu “thần chú” của la bàn khởi nghiệp rất đúng trọng tâm lại rất dễ nhớ vì vần điệu ngân nga.

Sáu câu “thần chú” là: 

Chọn đúng Nhu cầu để khởi nghiệp bớt sầu. 

Có Lợi thế mới giữ được ghế. 

Làm trúng Đam mê khởi nghiệp mới phê. 

Lo chuyện Xã hội sẽ được vượt trội. 

Hiểu rõ Pháp lý, không rơi vào thế bí. 

Nhân rộng mới có hy vọng.

Muốn khởi nghiệp thành công thì đừng làm “con buôn”, hãy làm “doanh nhân”.

Muốn khởi nghiệp thành công thì đừng làm “con buôn”, hãy làm “doanh nhân”. Tức là đừng đi buôn thứ gì đó để có tiền mà phải có đam mê cụ thể để duy trì việc kinh doanh lâu dài. Đam mê quyết định con đường mình sẽ đi được bao xa; đam mê quyết định giới hạn của thành công. Cách bắt đầu đam mê đơn giản nhất là bắt đầu các thói quen có kỷ luật. Kỷ luật là làm những điều ta không thích nhưng chúng có ích.

“Người ta đói, mình bán cơm. Người ta thiếu kiến thức, chúng ta trao kiến thức. Người ta cần công cụ liên lạc, chúng ta bán điện thoại... Càng giải quyết được những vấn đề khó, chúng ta càng kiếm được nhiều tiền! Doanh nhân là người kiếm tiền bằng cách giải quyết vấn đề của người khác. Còn doanh nhân xã hội là người kiếm tiền bằng cách giải quyết vấn đề của xã hội”, tác giả viết.

Có thể nói nội dung sách nghiêng về kiến thức, mô hình kinh doanh nhiều hơn, nhưng có tác dụng truyền cảm hứng rất lớn. Sách tiếp thêm động lực cho những người đã, đang và sẽ khởi nghiệp thông qua việc cung cấp kiến thức nền tảng kinh doanh, kinh nghiệm thực chiến trên thương trường. 

Các bài học được lồng ghép vào nhiều câu chuyện dựa trên sự kiện có thật nên dễ nhớ, dễ vận dụng. Ngoài ra, các bảng biểu, hình ảnh minh họa, case study trong và ngoài nước (Phở 24, Cô gái Hà Lan, Facebook, Coca Cola…) cũng giúp độc giả vừa dễ hình dung vừa dễ áp dụng trong thực tiễn cuộc sống, trong quá trình khởi nghiệp của bản thân hoặc của người quen.

Độc giả cũng có thể tìm đọc thêm cuốn “Hành trình thức tỉnh” (cũng là sách best-seller của tác giả được tái bản đổi bìa gần đây). Theo chia sẻ của tác giả Tạ Minh Tuấn, cuốn “Khởi nghiệp phiêu lưu ký: Start-up trước tuổi 30” được viết trước với mong muốn truyền cảm hứng và cả kiến thức cho những người đang ấp ủ hoặc đã bắt tay vào khởi nghiệp. Còn “Hành trình thức tỉnh” là giai đoạn sau đó, khi founder đã và đang có những thành công nhất định thì họ cũng cần những thay đổi phù hợp, cần thức tỉnh tâm thức và cả trí tuệ để tìm về với chính mình, hoặc gạt bỏ những va vấp để giúp khai sáng nhiều triết lý cả trong cuộc sống lẫn công việc. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch Việt lọt Top Forbes 30 under 30 Asia tiết lộ: "Bí mật" đằng sau chuỗi Phở 24 đình đám và 6 "la bàn" ai cũng cần biết để đạt thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO