Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), một số dự án bất động sản (BĐS) "đắp chiếu" lâu năm có dấu hiệu tái khởi động, giới thiệu ra thị trường. Các dự án bất động sản bị đắp chiếu này đều vấp phải một trong các nguyên nhân như gặp vướng về pháp lý hoặc gặp khó về nguồn vốn. Trong giai đoạn thị trường bất động sản bị đóng băng vừa qua, các điểm nghẽn trên càng trở nên trầm trọng, kéo dài thời gian “đắp chiếu” của các dự án.
Nhìn nhận về thực tế các dự án bất động sản được tái khởi động, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Việc 3 bộ Luật quan trọng được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024 là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã và đang tác động tích cực đến thị trường. Cụ thể, nhiều quy định trong các Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Nhờ sự tháo gỡ trên mà một số dự án bất động sản bị đắp chiếu trước đó chính thức được tái khởi động, đặc biệt trong bối cảnh "cơn khát" nhà ở đang không ngừng gia tăng, đi cùng sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa”.
Các dự án có thông tin triển khai trở lại trong thời gian qua có thể kể đến như dự án Astral City (TP Thuận An, Bình Dương), dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội), KĐT Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An),...
Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, các dự án bất động sản được tái khởi động sẽ không dễ dàng thanh khoản. “Việc khôi phục các dự án bất động sản bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh và giải bài toán nhu cầu nhà ở vốn nhức nhối tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong bối cảnh giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, việc các dự án đắp chiếu "hồi sinh" không chỉ là cơ hội cho các chủ đầu tư có nguồn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn bổ sung nguồn cung nhà ở lớn cho thị trường”, ông Đính chia sẻ.
Trước đó, báo cáo của VARS nêu rõ: Phân khúc chung cư vẫn dẫn dắt thị trường bất động sản thời gian qua. Xét về cơ cấu giao dịch, trong quý III/2024, chung cư chiếm 71%, giảm 5% so với quý II. VARS nhận định, qua các quý, cơ cấu giao dịch chung cư tiếp tục áp đảo. Chung cư có giá trên 80 triệu đồng/m2 có lượng giao dịch tăng từ mức chiếm 3% vào đầu năm 2023 lên tới 17% trong quý III/2024.
Về giá bán, mặt bằng giá nhà ở tiếp tục “neo" ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhất là tại phân khúc căn hộ. Tính đến quý III/2024, trên thị trường sơ cấp, giá bán trung bình Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu đồng /m2, tăng 64% so với quý II/2019. Giá bán bình quân ở TP.HCM tăng từ 49,2 triệu đồng/m2 lên 64,2 triệu đồng/m2, tăng 30,6% so với quý II/2019.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc tái khởi động các dự án bất động sản bị đình trệ ở quãng thời gian trước đã, đang và sẽ được tiếp tục thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ phía Chính Phủ, lẫn khối doanh nghiệp tư nhân thông qua hoạt động M&A dự án.
Đặc biệt, theo quy định của Luật mới, nếu các chủ đầu tư để dự án “án binh bất động” liên tục trong 48 tháng sẽ đứng trước nguy cơ “mất trắng”, bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn, cũng khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và gấp rút với nỗ lực “tái khởi động dự án”. Đây được coi là những động thái tích cực, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch và lành mạnh.
Trong báo cáo thị trường BĐS quý III/2024 của VARS cũng đã nhận định về thị trường BĐS quý IV/2024 sẽ bắt đầu có những xu hướng mới nổi bật trong đó là xu hướng BĐS xanh, đây là xu hướng được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong chu kỳ mới. Bên cạnh đó, thị trường có cơ hội ghi nhận sự phục hồi trên diện rộng: Căn hộ chung cư, chủ yếu là căn hộ cao cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường; Biệt thự, liền kề sôi động hơn nhờ sức hút từ một đại đô thị phía Bắc; Đất nền pháp lý sạch tại các khu vực chưa bị đẩy giá tiếp tục được các nhà đầu tư “gom hàng”….