Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường trong nước nói riêng đối mặt với rất nhiều thử thách, dòng tiền trở thành bài toán lớn của hầu hết doanh nghiệp. Tích trữ tài nguyên lúc này không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế tổn thương trước rất nhiều “điểm đau” (đặc biệt là lãi suất), mà còn được đánh giá là bệ phóng để doanh nghiệp có thể đón đầu được “cơ” trong “nguy”.
Xuất phát điểm là đơn vị phân phối linh kiện điện tử nhỏ, CTCP Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) đã trở thành một trong những doanh nghiệp phân phối đa ngành, niêm yết trên sàn với vốn điều lệ hơn 907 tỷ đồng.
Xuyên suốt hành trình của mình, theo người đứng đầu Đoàn Hồng Việt, Digiworld trung thành với chính sách “tích trữ” vốn. Trong đó, lợi nhuận đạt được mỗi năm - sau khi trích 30-40% để trả cổ tức - sẽ giữ lại để phục vụ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc trích cho hoạt động M&A mở rộng quy mô.
Chiến lược này đã giúp Digiworld bứt phá trong những năm 2011-2012 khi mà thị trường tài chính khủng hoảng, nhiều đơn vị phải nhường lại sân chơi. Hôm nay, câu chuyện có tương tự?
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Digiworld, về “cơ trong nguy” dưới góc nhìn của một doanh nghiệp ưu tiên bảo toàn vốn, theo đuổi mô hình phân phối linh hoạt và không đầu tư tài sản dài hạn.
Ông đánh giá thế nào về những khó khăn trên thị trường kinh doanh hiện tại?
Về kinh doanh nói chung, thì khó khăn hiện nay đã được nói đến rất nhiều. Đó là lãi suất cao, lạm phát, nền kinh tế châu Âu, Mỹ... suy thoái dẫn đến người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu toàn cầu giảm, năng suất tại Việt Nam từ đó bị ảnh hưởng.
Chưa kể, tầng lớp lao động thấp là các công nhân nhà máy hiện bị cắt giảm hoặc bị giãn việc, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng giảm. Riêng mảng ICT, khó khăn lớn nhất 2 năm trở lại đây là thiếu chip. Tình trạng này năm ngoái thực sự là rất căng thẳng nhưng năm nay đã đỡ hơn nhiều.
Digiworld đang bị ảnh hưởng như thế nào trong bức tranh chung nói trên?
Khó khăn đang diễn ra chính là tình trạng lockdown của Trung Quốc, trong đó có nhà máy lớn của Apple đặt tại Trịnh Châu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hàng điện tử của Digiworld. Đặc biệt là đợt bán sản phẩm iPhone 14 mới đây, Việt Nam mở bán hàng từ 14/10 thì đến tháng 11/2022 Trung Quốc lại có đợt lockdown, kéo theo tình trạng thiếu hàng.
Dù vậy, tôi cho rằng Trung Quốc có lẽ sắp phải mở cửa trở lại. Nhu cầu iPhone vẫn còn đó, vấn đề là chậm thôi chứ con số sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Vì tâm lý người tiêu dùng Apple có một đặc trưng là họ khó để chuyển sang hãng khác, đợi bao nhiêu cũng đợi.
Một khó khăn khác với nhóm sản phẩm ICT là tâm lý của tầng lớp trung lưu đang bị ảnh hưởng. Chúng ta đều thấy, giới trung lưu hầu như ai cũng sẽ đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và trái phiếu. Trong khi 3 kênh này đang bấp bênh, dù rằng sẽ không mất tiền nhưng tâm lý nhóm này sẽ chùng lại, dẫn đến hành động mua sắm trong ngắn hạn giảm đi.
Với những luận điểm trên, Digiworld đã hạ chỉ tiêu kinh doanh cho quý 4 năm nay với 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 300 tỷ đồng, tương ứng giảm 5% và 8% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty có gặp khó khăn trong việc huy động vốn không?
Đây cũng là điều may mắn của Digiworld, chúng tôi có tỷ lệ nợ thấp, vì không đầu tư nặng vào tài sản cố định lâu dài. Digiworld nhờ đó vẫn có lãi và dòng tiền khá ổn.
Về việc hết room tín dụng, Digiworld cũng không ảnh hưởng nhiều vì Công ty không vay nợ dài hạn, mà chỉ vay ngắn hạn dưới 3 tháng. Với các khoản vay cho vốn lưu động, ngân hàng chỉ nhìn vào 3 khoản mục: hàng tồn kho, khoản phải thu - vốn là những khoản có thể chuyển đổi sang tiền mặt nhanh và có mục đích sử dụng nên thời gian, thủ tục nhanh chóng.
Digiworld không phát hành trái phiếu, trong khi cần nhấn mạnh những thách thức lớn hiện nay trên thị trường vốn đều xoay quanh dòng tín dụng trái phiếu doanh nghiệp.
Nếu vậy, thử thách lớn nhất với Digiworld hiện tại là gì, thưa ông?
Đó chính là nhu cầu giảm, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn. Nếu những năm trước mức tăng trưởng trung bình hơn 30%, thì năm nay dự kiến còn khoảng 15%. Nhìn chung, dù tăng trưởng giảm đi nhưng Digiworld vẫn duy trì được mức tăng 2 con số cả về doanh thu và lợi nhuận.
BCTC quý 3/2022 cho thấy Digiworld có trữ tiền mặt tương đối cao. Đây có phải là kế hoạch nhất thời hay là chiến lược xuyên suốt của Công ty?
Giữ lại lợi nhuận tái đầu tư là chiến lược xuyên suốt của Digiworld. Trong đó, mỗi năm sau khi chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30-40%, còn lại Công ty dùng cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
7 năm qua Công ty chưa phải huy động vốn bên ngoài, tiền giữ lại luôn đủ đáp ứng cho việc tăng trưởng. Chính sách này giúp Công ty bứt phá trong bối cảnh lãi suất cao giai đoạn 2011-2012, lúc bấy giờ nhiều doanh nghiệp phải dừng cuộc chơi do cạn tiền thì Digiworld lại giành được cơ hội mới.
Kế hoạch phân bổ nguồn lực hiện nay của Digiworld ra sao?
Như đã nói, Digiworld không đầu tư tài sản dài hạn. Nên nhìn vào cơ cấu tài chính dễ dàng thấy được hơn 95% vốn Công ty cho tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho và công nợ khách hàng. Những cái này là biểu hiện cho dòng tiền liên tục, doanh thu tăng lên thì hàng tồn kho và công nợ tăng lên, dĩ nhiên Digiworld vẫn kiểm soát chỉ số này.
Với hoạt động M&A, số tiền bỏ ra theo kế hoạch là chưa đến phân nửa số lợi nhuận tích luỹ hàng năm. Thực tế, những thương vụ gần đây của Digiworld số tiền bố ra chỉ chiếm khoảng 5-10% tiền tiết kiệm của Công ty thôi. Trong đó, doanh nghiệp chúng tôi nhắm đến không phải là doanh nghiệp lớn, mà thường là đơn vị nhỏ, quan điểm tương đồng với Digiworld là không đầu tư vào tài sản dài hạn và nằm trong các ngành Digiworld đang hoạt động và danh mục sản phẩm có những sản phẩm chúng tôi chưa có.
Nhiều ý kiến đánh giá Digiworld khó bứt phá thời gian tới, ông phản biện gì không?
Tôi đồng ý một phần trong nhận định này, Digiworld khó bứt phá trên 30% cho sản phẩm hiện hữu, vì nhu cầu đang giảm.
Nhưng, Digiworld thì lại không dừng lại trong quy mô hiện nay, mà mở rộng thêm với các nhà cung cấp mới, các mảng kinh doanh mới. Những thông tin này bên ngoài nhìn vào sẽ chưa biết được.
Nhìn chung, Digiworld có 2 nguồn tăng trưởng chính.
Thứ nhất, từ ngành hàng hiện hữu. Đây là nhóm chiếm tỷ trọng cao vì bản thân chúng vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng.
Thứ hai, từ ngành hàng mới. Năm 2023 chúng tôi có thêm nhãn hàng điện thoại mới và các dòng Home Appliances mới, cộng với đóng góp từ Achison. Hồi quý 3/2022, Digiworld hoàn tất mua lại 49% cổ phần Achison với giá 250 tỷ đồng.
Khó khăn của Digiworld sẽ kéo dài trong bao lâu, theo ông?
Theo tôi dự kiến kéo dài đến hết nửa đầu năm 2023; khi nền kinh tế châu Âu, Mỹ hồi phục, lạm phát đi qua thì cầu tăng lên.
Với Digiworld, những khách hàng nước ngoài sẽ có sự dự trù và thường họ đặt hàng trước khoảng 2-3 tháng, nên công việc của Công ty sẽ hồi phục từ quý 2/2023, hoặc chậm lắm là đầu quý 3/2023. Trong đó, thời gian chuẩn bị cho một mặt hàng ICT vào khoảng 6 tuần.
Về lâu dài thì nền kinh tế sẽ tăng, thu nhập tăng, chắc chắn nhu cầu về lâu dài còn tăng; những khó khăn hiện tại chỉ là ngắn hạn.
Động lực tăng trưởng của Digiworld còn được cho là đến từ các hoạt động M&A. Đây có phải là chiến lược hợp lý của những doanh nghiệp đủ tiền như Digiworld?
Theo tôi, doanh nghiệp muốn lớn lên không thể không M&A. Quan trọng chiến lược M&A như thế nào, có tiết kiệm chỉ phí được không và mình có giúp họ tăng trưởng được hay không?
Ví dụ thương vụ Achison, sau M&A chúng tôi cho họ dùng chung kho, hỗ trợ chi phí back-office... Ngược lại, Achison đang bán thiết bị phụ trợ công nghiệp cũng như đồ bảo hộ lao động, đặc biệt nằm trong danh sách đối tác của Intel (điều này không hề đơn giản), Digiworld có thể tận dụng điều này để mở rộng tệp khách hàng.
Bên cạnh những khó khăn, thì triển vọng của thị trường kinh doanh hiện nay đang được ông nhìn thấy?
Rất rõ ràng là trong bối cảnh lãi suất cao, những đơn vị cùng ngành với Digiworld sẽ thiếu vốn, giảm suất về kinh doanh, bỏ quyền phân phối... đó là cơ hội cho chúng tôi tăng tốc.
Còn với các mảng hiện nay, dù giảm tốc song như tôi đã nói, laptop hay điện thoại vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng.
Với mảng laptop, năm 2021 tăng 80% thì sang năm 2022 chỉ còn tăng 22%. Dù khá hụt hẫng nhưng lưu ý là vẫn tăng 2 con số. Nhìn tổng quan, tổng giá trị thị trường Việt Nam hiện nay ngang với Thái Lan, trong khi dân số thì Việt Nam thì lại cao gấp 2 lần. Vậy, ở khía cạnh khách hàng cá nhân, dân số Việt Nam nhiều tức nhu cầu còn nhiều. Còn ở khía cạnh khách hàng doanh nghiệp, khi dòng tiền đầu tư vào còn tăng thì nhu cầu còn tăng (mỡ rộng hoạt động), và Việt Nam đang thu hút vốn FDI.
Với mảng điện thoại di động, khi Việt Nam dừng 2G thì dĩ nhiên tất cả mọi người sẽ chuyển sang điện thoại thông minh. Quy mô tăng, chưa kể giá tăng và tiềm năng lớn từ mảng Apple. Cũng nói thêm, chính sách bán hàng ở Việt Nam có yếu tố mua trả góp, điều này kích thích người dân mua dù thu nhập Việt Nam so với Thái Lan còn thấp hơn khá nhiều.
Còn với các mảng mới thì sao, thưa ông?
Tín hiệu khá lạc quan ghi nhận được là mùa World Cup này, Digiworld bán Tivi Xiaomi rất mạnh. Chỉ mới 6 tháng gia nhập thị trường, chúng tôi đã đạt được 4% thị phần.
Riêng đóng góp từ sự tăng trưởng của nhãn hàng Xiaomi cho Digiworld trên vai trò đại lý độc quyền như thế nào?
Thực ra, Digiworld không muốn gán tên tuổi vào một đối tác nhất định. Xưa kia khi nói đến Digiworld mọi người nói đến Xiaomi, nhưng nay thì không còn vậy. Điển hình là năm 2021, doanh thu từ Apple đã bằng và nhỉnh hơn Xiaomi một chút. Cho thấy, Digiworld đã, đang và sẽ mở rộng đối tác.
Còn đóng góp từ nhãn Apple?
Tăng trưởng Apple cao, điều này có được nhờ thương hiệu tốt. Hầu như ai cũng mơ ước được dùng sản phẩm Apple, chỉ là có điều kiện hay không có điều kiện mua thôi.
Ngoài ra, thị phần hàng chính hãng nhãn này cũng đang tăng. Nếu ngày Digiworld mới gia nhập, hàng xách tay phải chiếm một nửa thị trường và nay họ chuyển sang chính hãng, làm quy mô thị trường tăng. Cuối cùng chính sách trả góp cũng giúp cho nhu cầu Apple tại Việt Nam tăng. Ước tính, nếu Trung Quốc sớm mở cửa lại, thì tổng doanh số của iPhone 14 dự gấp đôi con số năm ngoái.
Mảng laptop không còn tăng trưởng nóng như mùa Covid-19, vậy Digiworld có còn kỳ vọng cao vào nhóm này không? Nếu có thì kế hoạch thúc đẩy là gì?
Tăng trưởng nhóm này dự báo khoảng 10-15% cho năm sau. Kế hoạch thúc đẩy là dịch chuyển sang nhóm cao cấp hơn, số lượng không tăng nhưng doanh thu sẽ cao hơn. Cụ thể là Digiworld sẽ ưu tiên nhóm đối tượng là doanh nghiệp, người chơi game và người dùng Macbook.
Liệu năm 2022 Digiworld có vượt được kế hoạch lợi nhuận, theo ước tính của ông đến thời điểm hiện tại?
Điều này phụ thuộc khá nhiều vào tình hình kinh doanh của tháng 12.
Kế hoạch năm 2023 của Digiworld? Mảng nào sẽ làm chủ lực?
Digiworld vẫn sẽ tăng trưởng đều ở 3 mảng chủ chốt: Laptop, Điện thoại di động và Thiết bị văn phòng. Mắng mới có Home Appliances cũng kỳ vọng tăng mạnh, song đóng góp chưa nhiều.
Digiworld có dự định kêu gọi nhà đầu tư chiến lược?
Digiworld đến bây giờ vẫn không có nhu cầu kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, do khả năng sinh lời Công ty đang tốt. Nếu huy động đồng vốn to thì chưa chắc còn giữ được khả năng đó không.
Tôi quan niệm nhiều tiền chưa chắc tốt, lúc đó có khi đầu tư dàn trải thì kém hiệu quả.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Bài: Tri Túc
Thiết kế: Hải An