Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM, nhu cầu mua nhà luôn rất cao, đặc biệt là những gia đình trẻ. Tuy nhiên, thu nhập của họ thường chưa đột phá và tích lũy chưa đủ lớn. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM mới đây đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách cho người mua nhà để ở dưới 1,8 tỷ đồng được vay với lãi suất hợp lý.
Tuy nhiên, trong chương trình Landshow số 33 của VTV Money với chủ đề “Gỡ khó cho thị trường bất động sản”, các chuyên gia cho rằng để đưa giải pháp vào thực tế còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như nguồn hỗ trợ lãi suất lấy từ đâu, hay cơ sở nào để xác định 1,8 tỷ đồng là phù hợp.
“Hiện nay tại thị trường phía bắc Hà Nội, muốn mua nhà giá 30 triệu/m2 đã rất khó, kể cả không đẹp lắm cũng 40 - 45 triệu/m2. Căn hộ nhỏ cũng phải rộng 70 m2. Nếu 30 triệu/m2 giá đã là 2,1 tỷ”, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu thực tế.
Ông chỉ ra rằng do giá vật liệu xây dựng hiện nay tăng cao, thông thường chủ đầu tư phải thuê nhà thầu với giá 15 triệu/m2, chưa tính đến tiền đất, các chi phí quản lý dự án, chi phí thiết kế. Do đó, ông Hiệp nhận định 20 triệu/m2 là mức giá không khả thi, trừ trường hợp nhà ở xã hội chất lượng thấp hơn.
Nhắc đến quy luật bất động sản gặp khó sau mỗi 10-12 năm, ông Hiệp cho biết thị trường giai đoạn 2012 – 2013 rơi vào “khủng hoảng thừa”. Dự án rất nhiều, ai cũng làm bất động sản, công ty nào cũng đầu tư. Hàng thừa nhưng sức mua lại kém nên đất sụt giá. Ông lấy ví dụ dự án Nam Đô của GP Invest phải giảm giá từ 24 triệu/m2 xuống 22 triệu.
“Đến thời điểm này, chúng tôi cảm nhận khác với giai đoạn 2012-2013. Sức mua giảm, nhưng vì không có hàng nên giá không giảm, vẫn rất cao. Với việc kêu gọi Luật Đất Đai đưa giá đất sát giá thị trường, giá đất sẽ tăng lên”.
“Hiện nay như ở Hà Nội, hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) đang gần như ở mức tối đa. Có những chung cư cả trăm triệu/m2. Giá vật liệu xây dựng và giá nhân công xây dựng đều tăng. Quốc hội còn quyết định tháng 7/2023 sẽ nâng mức lương cơ sở, đơn giá nhân công cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, không thể hy vọng giá nhà xuống được, chỉ có tăng lên”, ông Hiệp phân tích, chỉ ra rằng không có bất cứ yếu tố nào trong giá thành của bất động sản có triển vọng giảm.
Để hỗ trợ nền kinh tế, tới nay 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm. Một số ý kiến cho rằng không chỉ nhà giá rẻ, việc mua nhà nói chung cũng sẽ được tạo điều kiện hơn.
Theo PGS. TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, động thái này thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ người dân, đặc biệt với các dự án cho vay nhà ở xã hội.
“Tuy nhiên, lãi suất đó chỉ được áp dụng khi khách hàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ngân hàng. Nếu thu nhập của khách chưa đủ để chứng minh khả năng vay vốn, cũng không có nguồn đối ứng khoảng 30-40% thì khó có thể tiếp cận nguồn vốn”, bà lưu ý.
“Đây chính là bài toán của thị trường. Chúng ta có cả cung và cầu, có cả người cần vay và người sẵn sàng cho vay, nhưng hai bên phải khớp nhau. Trong trường hợp này, tôi nghĩ các ngân hàng thương mại đã sẵn sàng cung nguồn vốn lãi suất thấp, thì những khách hàng đủ điều kiện nên mạnh dạn tiếp cận các ngân hàng thương mại”, bà nêu quan điểm.