Chủ tịch FiinGroup: Xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mấu chốt là câu chuyện niềm tin

Lê Sáng | 12:36 28/11/2022

Trong điều kiện thị trường tại Việt Nam hiện nay, theo Chủ tịch - Tổng giám đốc FiinGroup, việc đề xuất Chính phủ can thiệp thông qua việc hình thành Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp là không khả thi và rất cần một mức chiết khấu nhất định.

Chủ tịch FiinGroup: Xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mấu chốt là câu chuyện niềm tin
Áp lực mua lại trước hạn và đáo hạn trái phiếu đang đặt nặng lên vai các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thời gian qua, trước ảnh hưởng hiện nay của vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, hiện có nhiều ý kiến về việc đề xuất sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ qua việc hình thành quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tương tự những gì đã và đang thực hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, thậm chí như Chương trình tham gia mua trái phiếu thứ cấp tại Mỹ.

Tuy nhiên, với đề xuất nêu trên, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch - Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng không khả thi trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Theo đó, giải pháp gốc rễ nhất cần tính đến là để thị trường tự điều tiết, cân bằng có định hướng theo quy luật cung cầu. Thực tế cho thấy, hiện nay, trên thị trường một số chủ đầu tư đã bắt đầu giảm giá bán và nhà đầu tư trái phiếu cũng chấp nhận cắt lỗ trái phiếu.

“Dù bất kỳ giải pháp nào thì trong bối cảnh hiện nay, các bên bao gồm chủ đầu tư bất động sản và kể cả nhà đầu tư, cần chấp nhận một mức chiết khấu nhất định”

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch - Tổng giám đốc FiinGroup

Theo ông Thuân, các giao dịch này cần diễn ra phổ biến hơn nữa bởi khi giá trái phiếu hoặc giá bất động sản giảm đến một mức nào đó thì tự khắc dòng tiền thông tin sẽ tìm đến và lúc đó thị trường sẽ tìm đến một điểm cân bằng mới để hồi phục.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mấu chốt là câu chuyện niềm tin, các giải pháp hướng đến sự minh bạch thông tin sẽ là giải pháp căn cơ về dài hạn cũng như có thể góp phần chữa cháy ngắn hạn.

Cụ thể, lãnh đạo FiinGroup đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm từng bước ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đầu tiên, các doanh nghiệp phát hành nên chủ động minh bạch thông tin về triển khai dự án và tiến độ sử dụng vốn qua việc chủ động thu xếp làm việc với đại diện người sở hữu trái phiếu hoặc từng trái chủ lớn về lãi suất cũng như gia hạn kỳ hạn thanh toán.

Trong điều kiện môi trường lãi suất cao hiện nay và các kênh tiền gửi ngân hàng có lãi suất cao hơn đáng kể thì việc chấp nhận tăng lãi suất cho trái chủ tùy theo tiến độ triển khai cũng là điều nên làm.

Theo ông Thuân, điều này đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp nằm trong khu vực rủi ro, chậm trả lãi và gốc trái phiếu ở mức cao, và việc chủ động đàm phán với trái chủ sẽ giúp tránh được các thủ tục tuyên bố vỡ nợ theo các thủ tục pháp lý hiện hành có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách mà thị trường trái phiếu Trung Quốc đã “hạ cánh mềm” trong suốt hai năm qua.

du-no-trai-phieu.jpg

Giải pháp thứ 2 có thể được xem xét là hiện nay với nhu cầu vốn mới nên ưu tiên kênh chào bán rộng rãi ra công chúng. Trong khi kênh phát hành riêng lẻ được siết lại theo nghị định 65 thì kênh phát hành chào bán đại chúng nên được khai thông bởi các cơ quan quản lý và hỗ trợ kênh này phát triển.

Phát hành chào bán đại chúng với các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin và có thể tiếp cận được bất kỳ đối tượng nhà đầu tư nào, cả tổ chức và cá nhân. Chỉ có điều để “tránh vết xe đổ” thì thông tin cần minh bạch và “hàng hóa” cần được xác định chất lượng. Điều này tránh việc nhà đầu tư đại chúng mua với lãi suất thấp nhưng hóa ra lại là hàng rủi ro cao hoặc ngược lại.

Ông Thuân nhận định, thời gian qua, kênh này đã bị “bỏ quên” bởi việc phát hành riêng lẻ quá dễ dãi. Do đó, Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng cần phải khởi động lại kênh huy động này một cách cấp thiết, nhất là các doanh nghiệp chấp nhận chủ động minh bạch thông tin, bao gồm cả xếp hạng tín nhiệm không chỉ tổ chức phát hành mà cả trái phiếu được chào bán trên thị trường.

Nhóm giải pháp ba, nhằm kiểm soát rủi ro vỡ nợ chéo có thể làm tăng rủi ro đến an toàn của cả hệ thống tài chính thì ngân hàng Nhà nước có thể xem xét “nới room” tín dụng bất động sản một cách chọn lọc, tùy theo đánh giá lại chất lượng tín dụng hoặc mức xếp hạng tín nhiệm và thực tế tỉ lệ phân bổ tín dụng bất động sản của mỗi ngân hàng.

Ông Thuân nhận định, vừa qua rủi ro lớn chủ yếu đến từ trái phiếu bất động sản do đã phát hành mạnh trong hai năm 2020 và 2021, chủ yếu với kỳ hạn 3-4 năm thì hay vào giai đoạn đáo hạn.

Do đó, các chính sách nhằm khai thông tín dụng bất động sản sẽ là tâm điểm của các chính sách can thiệp. Bên cạnh việc rà soát chất lượng trái phiếu hiện đang lưu hành thì đây là lúc các chủ đầu tư cần chấp nhận đàm phán với trái chủ và giãn, hoãn kỳ hạn trả nợ cùng với một mức lãi suất mới.

Nhóm giải pháp thứ tư có thể được xem xét, nghiên cứu theo ông Thuân là việc giảm lãi suất cho người mua nhà.

Theo đó, hiện dư nợ tín dụng bất động sản tại Việt Nam ở mức khoảng 22% và trong đó khoảng 14% là cho người mua nhà và 8% là cho kinh doanh bất động sản. Mức đòn bẩy này trên bình diện chung của hệ thống là chưa cao (ví dụ ở Trung Quốc khoảng 38% vào cuối năm 2021).

Do đó, ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay với người mua nhà, áp dụng lãi suất ưu đãi hoặc giảm đối với đối tượng là người mua nhà có nhu cầu sử dụng thật (không đầu cơ) như chính sách mà Trung Quốc đang áp dụng để hỗ trợ và giải cứu thị trường bất động sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch FiinGroup: Xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mấu chốt là câu chuyện niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO