General Motor (GM) đang mất dần vị thế tại Trung Quốc - thị trường vốn được coi là "mỏ vàng" trong hơn một thập kỷ kiêm động lực tạo ra lợi nhuận chính cho nhà sản xuất Detroit.
Theo CNBC, thị phần trong nước của GM, bao gồm các công ty liên doanh, đã giảm mạnh từ khoảng 15% hồi năm 2015 xuống còn 9,8% vào năm ngoái - mức thấp nhất kể từ năm 2004. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh cũng giảm gần 70% kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2014.
Dịch COVID-19 được cho là một trong những nguyên nhân, tuy nhiên, đà sụt giảm này đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và ngày càng trở nên phức tạp trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và địa chính trị. Ngoài ra, sự cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô trong nước được chính phủ hậu thuẫn cùng thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng cũng khiến GM thêm khó khăn trong công cuộc chinh phục đất nước tỷ dân.
Will Sundin, một giáo viên khoa học 34 tuổi, chia sẻ với tờ CNBC rằng bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ mua ô tô mang nhãn hiệu Trung Quốc. Mới đây, anh quyết định mua chiếc xe điện Nio ET7 làm phương tiện di chuyển hàng ngày thay vì các mẫu xe đối thủ.
“Tôi muốn thứ gì đó lớn và thoải mái. Tôi thích bề ngoài của nó”, Will Sundin nói.
Sundin, nổi tiếng với những bài đánh giá xe trên Youtube, biết rất rõ về ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Anh mua Nio đơn giản vì khả năng thay pin và sạc điện của chúng rất tốt. “Các thương hiệu Mỹ, chẳng hạn như Cadillac, làm hình ảnh tốt nhưng đắt quá. Tôi nghĩ vấn đề họ gặp phải chính là sự cạnh tranh. Nó mới và đến từ nhiều phía”.
Bản thân GM cũng thừa nhận vấn đề này, song không đưa ra nhiều chính sách giúp đảo ngược xu hướng ngoại trừ lời hứa về xe điện và một đơn vị kinh doanh tên The Durant Guild chuyên nhập khẩu những chiếc xe đắt tiền với tỷ suất lợi nhuận cao từ Mỹ sang Trung Quốc.
Trong bối cảnh nhiều thương hiệu xe Mỹ không hoạt động tốt ở Trung Quốc, sự suy giảm của GM đặc biệt đáng chú ý. Hoạt động của GM tại quốc gia này lớn hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh Ford Motor do chủ đích tập trung vào thị trường Bắc Mỹ, Trung Quốc và Nam Mỹ.
Phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường có thể rủi ro, song chính sách này từng giúp GM ghi nhận doanh thu kỷ lục dưới sự điều hành của Giám đốc điều hành Mary Barra. Xe điện có thể là cơ hội mới để GM phát triển trên toàn cầu, song theo các chuyên gia, đây có thể sẽ là cuộc chiến khó khăn.
“Việc rút khỏi châu Âu sẽ có nhiều rủi ro, nhất là khi thị trường Trung Quốc gặp vấn đề”, Jeff Schuster, phó chủ tịch điều hành của LMC Automotive, nói.
Giám đốc điều hành Mary Barra cho biết hồi tháng 12 rằng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của GM, song công ty cũng đang chú ý đến một số yếu tố khác.
“Chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội và sẽ tiếp tục đánh giá tình hình. Kế hoạch của chúng tôi là dẫn đầu mảng xe điện.”, Mary Barra nói.
Theo CNBC, điểm sáng của GM tại Trung Quốc là Wuling Hongguang Mini - mẫu xe điện bán chạy nhất trên thị trường. Kể từ khi được bán ra vào giữa năm 2020, mẫu xe hạng phổ thông này đã bán được hơn 1 triệu chiếc.
Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, chính sách đối phó với dịch COVID-19 của Trung Quốc khiến hoạt động kinh doanh của GM không được thuận lợi. Được biết, tập đoàn này có 10 công ty liên doanh, 2 xí nghiệp 100% vốn nước ngoài và hơn 58.000 nhân viên tại Trung Quốc. Các thương hiệu bao gồm Cadillac, Buick, Chevrolet, Wuling và Baojun.
“Nhu cầu người tiêu dùng đang chậm lại. Chúng tôi hy vọng đà tăng trưởng sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó với tốc độ mà chúng ta đã ghi nhận từ lâu”, Giám đốc tài chính Paul Jacobson nói.
Không biết ngày đó là khi nào, chỉ biết những ông vua thời đại, chẳng hạn như General Motors hay Volkswagen, đều đang tụt hậu so với các đối thủ địa phương, nhất là trong một thị trường xe điện EV đang bùng nổ tại Trung Quốc.
Thực tế, các thương hiệu xe hơi toàn cầu đã thống trị thị trường Trung Quốc từ những năm 1990, với 60-70% thị phần. Bốn tháng đầu năm 2022, con số này giảm xuống còn 52%, và rồi đến tháng 5/2022 là 43%.
Dự báo về những thách thức mà các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang phải đối mặt, Giám đốc điều hành Nissan, ông Makoto Uchida cho biết, một số thương hiệu "có thể sẽ biến mất trong 3-5 năm tới" tại Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, các thương hiệu địa phương lại đang dần lớn mạnh. Theo ông Uchida, cựu Giám đốc Nissan chi nhánh Trung Quốc, chất lượng các loại xe điện “made in China’’ đang cải thiện nhanh chóng. Rất nhiều tiến bộ được ghi nhận chỉ trong khoảng thời gian ngắn chỉ vỏn vẹn vài tháng trời.
“Sẽ có rất nhiều sự thay đổi ở Trung Quốc và chúng tôi cần theo dõi tình hình một cách cẩn thận. Các nhà sản xuất ô tô phải nhanh nhạy trong việc thiết kế, phát triển và sớm tung ra các mẫu xe mới. Nếu giảm tốc, chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau’’, ông Uchida nói.
Theo ông Bill Russo, cựu Giám đốc điều hành Chrysler, hiện đứng đầu công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, các thương hiệu toàn cầu cần nhanh chóng xoay chuyển tình thế.
“Các thương hiệu Trung Quốc đang bắt đầu cuộc đua tới xe điện. Người tiêu dùng muốn mua những chiếc xe 4 bánh thông minh và các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tốc độ’’, ông Russo nói. “Tôi nghĩ đây là một sự thay đổi cần thiết đối với công nghệ cao. Các công ty xe hơi truyền thống dường như đang nằm ngoài cuộc chơi”.
Trước đó, GM tuyên bố chi hơn 35 tỷ USD cho các dự án toàn cầu với hơn 30 mẫu xe điện mới, trong đó hơn 20 mẫu ra mắt tại thị trường Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2022, hãng cũng ra mắt mẫu xe SUV Cadillac Lyriq chạy hoàn toàn bằng điện.
Sau Lyriq, chiếc Buick SUV chạy điện và dòng crossover EV nhỏ gọn cũng được lên kế hoạch tung ra thị trường. Được biết doanh số của Buicks đã giảm 32% trong vòng 5 năm qua xuống chỉ còn 828.600 xe vào năm 2021, trong khi Chevrolet giảm hơn một nửa xuống còn 269.000 xe, theo LMC Automotive.
Theo Reuters, trong năm 2025, GM đặt mục tiêu nâng sản lượng xe điện EV mỗi năm tại Trung Quốc lên 1 triệu chiếc. Nhu cầu đối với các mẫu xe điện gia đình, chẳng hạn như Velite của Buick và Menlo của Chevrolet, đều tăng đáng kể trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm nay. Các công nghệ thông minh, bao gồm chế độ hỗ trợ tự lái trên đường cao tốc, an ninh mạng và cập nhật phần mềm qua mạng không dây đang dần được tích hợp.
Tham vọng là vậy, song các thương hiệu như GM hay Volkswagen đang gặp phải thách thức lớn trên thị trường tỷ dân bởi việc thuyết phục những người tiêu dùng trẻ không hề dễ dàng. Hơn nữa, cái bóng Tesla cũng quá lớn để họ có thể để mắt tới bất kỳ thương hiệu xe EV nước ngoài nào khác trong tương lai gần.
“Nếu tôi mua một chiếc ô tô chạy xăng, tôi có thể sẽ cân nhắc đến các thương hiệu nước ngoài”, chị Cheng - một nhân viên văn phòng tại thành phố Bắc Kinh nói. “Thế nhưng khi tôi muốn mua một chiếc EV, thì ngoài Tesla, có rất ít thương hiệu nước ngoài áp dụng đúng cách công nghệ thông minh tiên tiến’’.
Theo: CNBC, Reuters