Theo Reuters, tập đoàn Seven & i Holdings (Nhật Bản) đã tổ chức cuộc gặp nhà đầu tư và công bố kế hoạch tập trung vào các cửa hàng tiện lợi cốt lõi 7-Eleven. Công ty bán lẻ này cũng tránh đề cập đến lời đề nghị mua lại trị giá 47 tỷ USD từ Alimentation Couche-Tard (Canada) - chủ sở hữu chuỗi Circle K.
Công ty cũng thông báo tới cổ đông kế hoạch tách các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và mở rộng ra nước ngoài. Điều này diễn ra trong bối cảnh công ty đang đấu tranh để giành được sự ủng hộ của các nhà đầu tư.
Tổng giám đốc Ryuichi Isaka không đề cập đến lời đề nghị M&A hoặc các chỉ trích lâu nay của cổ đông về việc phân bổ vốn và các khía cạnh khác của doanh nghiệp. Vị lãnh đạo nói rằng sẽ tái cấu trúc một cách kỷ luật để theo đuổi tăng trưởng.
"Chúng tôi hiện đang ở giai đoạn có thể kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng giá trị doanh nghiệp và giá trị cổ đông bằng cách nắm bắt các cơ hội tăng trưởng trên thị trường toàn cầu", ông Ryuichi Isaka cho biết
Seven & i dự kiến tăng gấp đôi doanh số lên 197 tỷ USD vào năm 2030 bằng cách mở rộng ra các thị trường nước ngoài như Việt Nam và Australia. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch lấy lại thế mạnh trong nước bằng các sản phẩm thực phẩm tươi sống để thu hút khách hàng và tăng biên lợi nhuận.
Theo kế hoạch tái cấu trúc, Seven & i holdings cho biết sẽ tách siêu thị và khoảng 30 đơn vị "không cốt lõi" khác thành một công ty mẹ. Cho đến nay, phản ứng của thị trường vẫn chưa mấy khả quan, giá cổ phiếu của công ty này hầu như không thay đổi kể từ khi kế hoạch được công bố lần đầu tiên vào đầu tháng.
Một số cổ đông nước ngoài từ lâu đã kêu gọi chia tách tập đoàn với các doanh nghiệp khác bao gồm nhà hàng và ngân hàng. Quỹ đầu tư Artisan Partners của Mỹ cho biết kế hoạch tái cấu trúc mới nhất là "quá ít, quá muộn" và thúc giục Seven & i hợp tác với Couche-Tard. Tuy nhiên, như đã nói, cuộc họp không đề cập đến lời đề nghị của Couche-Tard. Các nhà phân tích hoặc cổ đông tham dự cũng không hỏi về điều này.
Trong khi các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản là một cỗ máy kiếm tiền, Seven & i lại gặp khó khăn do hoạt động kém hiệu quả tại các siêu thị, bao gồm các cửa hàng Ito Yokado. Các cửa hàng 7-Eleven ở nước ngoài có lợi nhuận thấp hơn tại quê nhà. Tại Nhật Bản, biên lợi nhuận hoạt động là 27%, cao hơn nhiều so với 3,5% của các cửa hàng 7-Eleven ở những quốc gia khác.
Giám đốc Bắc Mỹ Joseph DePinto cho biết hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế vĩ mô yếu kém ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng. Doanh thu nhiên liệu đã đi ngang trong khi doanh số bán thuốc lá giảm so với trước đại dịch Covid-19 đã có tác động đáng kể đến hoạt đông kinh doanh của tập đoàn.
Ông cho biết tập đoàn đang tập trung vào thực phẩm tươi sống để thúc đẩy doanh số bán hàng. "Rõ ràng là năm ngoái rất khó khăn và chúng tôi không hài lòng với hiệu suất", DePinto cho biết.