MB, VIB, Sacombank, ACB dẫn đầu về doanh số bảo hiểm mới năm 2022
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, các ngân hàng có động lực đẩy mạnh nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm trong điều kiện room tín dụng hạn chế.
Trong 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance tăng 45% so với năm trước và tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết tăng 16,4% .
Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm mới bao gồm MB, VIB, Sacombank, ACB, Vietcombank.
Cụ thể, trong năm 2022, doanh số bảo hiểm mới của MB đạt 2.143 tỷ đồng, đứng đầu trong danh sách theo dõi của VCBS. Ngoài tháng 1, từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2022, MB đều là ngân hàng dẫn đầu về doanh số bảo hiểm mới.
Đứng sau MB là VIB và Sacombank với doanh số năm 2022 đạt lần lượt 1.868 tỷ đồng và 1.817 tỷ đồng.
Danh sách những ngân hàng bán bảo hiểm tốt nhất năm 2022 còn có sự góp mặt của ACB (1.716 tỷ đồng), Vietcombank (1.691 tỷ đồng), Techcombank (1.664 tỷ đồng), VPBank (1.602 tỷ đồng), HDBank (1.326 tỷ đồng), VietinBank (1.038 tỷ đồng) và MSB (857 tỷ đồng).
Theo VCBS, một số ngân hàng chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Đồng thời, các ngân hàng như MB, Techcombank, VIB,… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.
Trong 2022, các ngân hàng Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank, VPBank ghi nhận 1 phần phí trả trước cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết.
Thị trường ghi nhân hợp đồng bancassurance của LienVietPostBank trong quý 4/2022 và có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các thương vụ ký kết mới của HDBank và VIB trong 2023.
VCBS cho rằng, việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn các năm trước đây.
Hoạt động bancassurance sẽ chậm lại?
Tại Việt Nam, việc hợp tác bán bảo hiểm qua ngân hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ đã bắt đầu diễn ra từ hơn 10 năm nay và phát triển rầm rộ nhất là trong 2-3 năm gần đây. Hiện tại, phần lớn các ngân hàng trong nước đều đã có thỏa thuận hợp tác với công ty bảo hiểm để phân phối bảo hiểm qua hệ thống như Vietcombank với FWD, Sacombank với Daiichi, VPBank với AIA, VietinBank với Manulife, ACB với Sunlife,…
Hàng năm, hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) mang về cho các ngân hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng và luôn một trong những là mảng đóng góp nhiều nhất trong doanh thu hoạt động dịch vụ. Do đó, nhiều người đã ví von bảo hiểm là "Gà đẻ trứng vàng" của nhiều ngân hàng, với nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ, sự hợp tác này đã nảy sinh ra nhiều hệ lụy khi nhiều nhân viên ngân hàng đã bỏ qua nguyên tắc tự nguyện, ép khách vay vốn mua bảo hiểm. Nghiêm trọng hơn, một số khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại bị nhân viên ngân hàng biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trước tình trạng này, trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã liên tục phát đi cảnh báo nghiêm cấm nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm. Thậm chí mới đây, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính còn thành lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng.
Trong thời gian tới, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động này. Nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới phát hành, Chứng khoán VnDirect dự báo tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023 do (1) nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, và theo đó, là nhu cầu mua bảo hiểm, (2) các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động bán chéo bảo hiểm giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng đà tăng trưởng thu nhập phí bancassurance tiếp tục chậm lại trên nền tăng trưởng tín dụng dự kiến thấp hơn, hành vi tái phân bổ cơ cấu tài sản cá nhân sang kênh tiết kiệm lãi suất cao và sự bão hòa của thị trường bảo hiểm liên kết đầu tư. Ngoại lệ có thể đến từ một số ngân hàng (LienvietpostBank, HDBank) nhờ ghi nhận phí độc quyền và thu phí bảo hiểm năm đầu khi ký mới các hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm.
Theo VDSC, tỷ trọng sản phẩm liên kết đầu tư cũng cho thấy sự giảm nhiệt trong năm 2022 trong khi đây là mảng đóng góp thu nhập phí nhiều nhất trong ngân hàng. Xu hướng này sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023, giảm đà tăng trưởng thu nhập phí của ngân hàng trong năm sau.