Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, việc xác định địa giới hành chính giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ, ý kiến của các đại biểu, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng theo hướng: tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý khu vực Bắc núi Hải Vân; TP Đà Nẵng quản lý hòn Sơn Chà và khu vực Nam núi Hải Vân.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Ranh giới Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế: Vấn đề phân định bắt đầu từ khi nào?
Trước đó, do tồn tại lịch sử, hai địa phương này chưa xác định chính xác địa giới hành chính cấp tỉnh.
Theo UBND TP Đà Nẵng, từ ngày giải phóng cho đến năm 1995, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thực hiện quyền quản lý, khai thác và bảo vệ có hiệu quả khu vực nêu trên bình thường.
Sự không thống nhất về địa giới hành chính giữa hai địa phương chỉ thực sự bắt đầu từ khi thực hiện Chỉ thị số 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nhằm xây dựng và hoàn thiện bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính của các địa phương.
Ngày 10/9/1998, UBND TP Đà Nẵng có Báo cáo số 28 lên Thường vụ Bộ Chính trị về quan điểm cũng như những căn cứ đề xuất để giải quyết việc phân vạch đường địa giới hành chính chưa thống nhất giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 26/10/2005, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng có Báo cáo số 458 gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về quá trình, thực trạng quản lý hòn Sơn Chà con.
Báo cáo nêu rõ thực tế hòn Sơn Chà con từ trước năm 1995 chưa bao giờ tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.
Đồng thời, báo cáo phân tích vị trí chiến lược của đảo này, các căn cứ lịch sử, khoa học về địa hình, ý nghĩa về quốc phòng và thuận lợi về quản lý đối với TP Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng từng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành sớm xem xét, quyết định: Đường địa giới hành chính đoạn từ đỉnh núi Hải Vân (ở độ cao 700,8m), theo hệ dông (đường phân thủy) các đỉnh núi đến mũi Cửa Khẻm lấy đường phân thủy làm căn cứ để phân chia, phần đất thuộc về bên sườn núi chảy về lưu vực vịnh Đà Nẵng (nửa phía Nam) thuộc về TP Đà Nẵng và phần đất thuộc về sườn núi chảy về lưu vực vịnh Lăng Cô (nửa phía Bắc) thuộc về tỉnh Thừa Thiên Huế. Và quyết định giao hòn Sơn Chà con thuộc địa giới hành chính TP Đà Nẵng quản lý.
Hai thành phố trực thuộc trung ương liền kề nhau
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến tên gọi là TP Huế.
Khi đó, Đà Nẵng và Huế là hai thành phố thuộc trung ương giáp ranh nhau đầu tiên của Việt Nam.
Theo Báo Thừa Thiên Huế, Thành phố Huế trực thuộc trung ương vào năm 2025 dự kiến có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: Quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa (tách ra từ thành phố Huế hiện nay), thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền (hiện đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để trở thành thị xã), huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc (sáp nhập 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông) và huyện A Lưới.
Còn Đà Nẵng hiện có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 quận và 2 huyện: Cẩm Lệ, Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Hoà Vang và Hoàng Sa.