Cuối năm 2017, cả ngôi làng Thịnh Cương ở vùng nông thôn tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã bị lừa đảo bằng chiêu thức vô cùng tinh vi. Nhóm lừa đảo, đứng đầu là một người đàn ông họ Cố, chỉ xuất hiện đúng 7 ngày nhưng đủ khiến dân làng hoang mang, lo lắng vì “tiền mất, tật mang”.
Cụ thể, biết trong làng hiện nay hầu hết là người già nên trong ngày đầu tiên, nhóm người xấu bắt đầu phát trứng và các món đồ dùng thiết yếu cho người dân. Người đàn ông họ Cố còn dặn dân làng ngày mai tiếp tục đến lấy quà vì còn nhiều đồ giá trị hơn. Nhiều người trung niên, người già vô cùng hào hứng với “chương trình” này nên ngay hôm sau họ lại kéo nhau đến nhận quà.
Ảnh minh họa
Đến ngày thứ 3, gần như dân làng Thịnh Cương đều truyền tai nhau có mặt đầy đủ. Lúc này nhóm người “tốt bụng” mới bắt đầu quảng bá sản phẩm muốn bán là áo vest và nệm. Người đàn ông họ Cố tự xưng là “đại sứ quảng cáo”, ca ngợi tấm nệm họ bán sẽ bảo vệ cột sống cổ, "chữa bệnh" xương khớp, tốt cho sức khỏe của mọi người. Sản phẩm sẽ mở bán vào ngày thứ 4, hứa hẹn lại có quà “lớn hơn” cho người đến trải nghiệm.
Ngay ngày tiếp theo, những chiếc áo vest 1.000 NDT (3,3 triệu đồng) và các tấm nệm 10.000 NDT (33 triệu đồng) được bày bán. Mức giá này khá cao nên người dân không dễ dàng mua ngay. Lúc này những kẻ lừa đảo cũng “không vội vàng”, đưa ra chương trình “trả 1.000 NDT được đem đệm về nhà dùng thử, nếu thấy ổn mai quay lại thanh toán nốt, còn không ưng ý thì có thể lấy lại tiền và tiếp tục nhận quà”. Đám đông lúc này sôi sục, nhiều người nhanh chóng đặt cọc tiền để mang đệm về.
Ảnh minh họa
Ngày thứ 5, một số người đem hóa đơn hôm qua đến với ý định trả lại đệm nhưng điều bất ngờ là họ vừa được nhận tiền cọc mà vẫn có thể mang nệm và áo vest về sử dụng. Dân làng nhận định nhóm người này có vẻ đáng tin cậy và không phải lừa đảo nên ngày thứ 6 lại nô nức đi đặt cọc mua nệm tiếp, thậm chí rủ cả người làng bên cạnh.
Đến ngày thứ 7 dân làng Thịnh Cương vui vẻ đến vị trí quen thuộc, xếp hàng chờ trả lại tiền thì nhóm người này không xuất hiện nữa. Đến những ngày sau cũng “mất hút” không thấy đâu. Lúc này người dân làng Thịnh Cương mới hốt hoảng vì mình đã bị lừa. Họ ngay lập tức báo cảnh sát, lúc này mới biết “nệm chữa bệnh” họ mất 1.000 NDT trả trước chỉ có giá khoảng 160 NDT (hơn 500.000 đồng), giá áo khoác cũng chỉ 50 NDT/chiếc (170.000 đồng).
Cảnh sát nhận định chiêu thức lừa đảo không mới nhưng vẫn xảy ra tại nhiều vùng nông thôn, nhắm đến người trung niên và người già ít đề phòng. Kẻ xấu đánh vào tâm lý thích nhận quà của phần đông mọi người, từng bước đưa người dân vào bẫy mà họ không hề hay biết.
Ảnh minh họa
Nhóm lừa đảo kể trên còn “cao tay” ở chỗ chỉ phát quà - bán hàng lúc 6h sáng. Thời điểm này còn rất sớm vào mùa đông, hầu như chỉ người cao tuổi có thói quen dậy sớm mới tham gia, ít có thanh niên nào có mặt để tỉnh táo nhận ra điểm bất thường trong quá trình lừa đảo.
Các nhóm lừa đảo thường giới thiệu sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nêu lên chương trình “dùng thử - nhận quà” để kích thích mọi người mua sắm. Thậm chí còn thuê người đại diện, gương mặt nổi tiếng để tăng thêm độ tin cậy, sau đó khi đã lấy được lòng tin và tiền bạc thì biến mất không một dấu vết.
Chính vì vậy cảnh sát Trung Quốc cảnh báo mọi người tăng cường tâm lý phòng thủ, đừng tham lam những khoản lợi nhuận nhỏ và đừng tin những phần quà miễn phí được trao tay quá dễ dàng. Nếu gặp một sự kiện bất thường cần cảnh giác, bình tĩnh quan sát từ nhiều góc độ để tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu. Đặc biệt là nhóm người trung niên, người già không sống cùng con cái, cần trang bị cách tìm hiểu thông tin cá nhân, tổ chức, sản phẩm từ các nguồn đáng tin cậy.
Theo The Paper, Toutiao