Chi phí đầu vào kéo giảm lợi nhuận ngành thực phẩm, đồ uống

Vân Anh | 10:00 27/12/2021

Hầu hết các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam phải nhập khẩu sữa bột, ngũ cốc và dầu để sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn do đó phải chịu áp lực về chi phí nguyên vật liệu tăng cao và biên lợi nhuận gộp thu hẹp trong 9 tháng năm 2021.

Chi phí đầu vào kéo giảm lợi nhuận ngành thực phẩm, đồ uống
Biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2021 của Vinamilk giảm xuống còn 42,9%, đây là mức thấp nhất 4 năm qua.

Đánh giá trên được các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect đưa ra trong một báo cáo mới đây.

Vinamilk bị giảm 6,5% lãi ròng

Báo cáo nhận định, giá lương thực tăng cao thời gian qua do nguồn cung hàng hóa trên thế giới bị thiếu hụt, đặc biệt là ngô và đậu tương.

Nhu cầu về thực phẩm và đồ uống phục hồi ở các nước đã kiểm soát tốt tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19, cũng như nhu cầu về nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc tăng mạnh và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, trong bối cảnh đại dịch khiến chi phí logistics leo thang tạo áp lực lên chi phí đầu vào.

Báo cáo dẫn chứng, như trường hợp Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố trong báo cáo hợp nhất Quý 3 năm 2021 có doanh thu tăng 4% lên 16.194 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 4,4% xuống 6.944 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 42,9%, đây là mức thấp nhất 4 năm qua.

Nhiều năm nay Vinamilk thường duy trì mức biên lợi nhuận gộp trên 45% nhưng bắt đầu từ Quý 1 năm 2021 đã giảm xuống vùng 43%.

Báo cáo cả Vndirect cho rằng biên lợi nhuận gộp của Vinamilk bị ảnh hưởng lớn bởi giá nguyên liệu đầu vào là bột sữa nguyên kem do nhu cầu nhập khẩu lớn đến chủ yếu từ Trung Quốc cũng với đó là việc giá đường tăng cao thời gian quan là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của Vinamilk.

Như vậy, lũy kế 9 tháng năm 2021 Vinamilk đạt 45.100 tỷ đồng doanh thu, con số này tương đương cùng kỳ năm 2020 và lãi ròng đạt 8.338 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo của Vndirect dự báo, áp lực chi phí sẽ giảm bớt vào năm 2022 do giá lương thực toàn cầu được dự báo sẽ ổn định. Vndirect kỳ vọng giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022, nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần do Trung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm 2020.

Hiện Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu nên điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa vào năm 2022 so với mức đỉnh tại Quý 2 năm 2021.

Đáng chú ý là Vinamilk có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này, khi gần 60% nguyên liệu bột sữa cho các sản phẩm sữa bột và bột dinh dưỡng được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và châu Úc.

Kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới

Trong báo cáo của mình, Vndirect dẫn chiếu kết quả khảo sát do Deloitte thực hiện nhằm đo lường kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kết qua cho thấy, có đến 84% và 70% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 bùng phát.

Hiện nay thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định, đồng thời lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời sẽ giúp người dân Việt Nam tiếp cận gần hơn với các sản phẩm cao cấp. Họ trở nên hiểu biết hơn nhiều về những tiêu chuẩn cao cấp.

Ngoài ra, đại dịch Covid -19 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề sức khỏe, do đó làm tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe. Do đó các kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới.

Báo cáo của Vndirect nhận định, đại dịch Covid -19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo cơ hội cho các kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh chóng khi người dân chọn mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị với các sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc.

Cụ thể năm 2020, các kênh bán lẻ hiện đại đã tăng trưởng ấn tượng, phủ khắp các thành phố lớn và dần phủ rộng ra các vùng nông thôn, trong khi kênh bán lẻ truyền thống vẫn được duy trì nhưng không còn phát triển mạnh mẽ.

Do đó, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống với hệ thống phân phối hiện đại mạnh mẽ có thể hưởng lợi từ điều này và tăng trưởng trong dài hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chi phí đầu vào kéo giảm lợi nhuận ngành thực phẩm, đồ uống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO