Chê tiền đền bù phá nhà quá ít, gia chủ quyết ở lại: Sau 8 năm nhận kết cục bi kịch, phải ngậm ngùi dọn đi vì 1 lý do

Nguyệt | 13:59 16/09/2024

Công sức bám trụ tại căn nhà ròng rã nhiều năm trời của chủ hộ trở thành công cốc.

Chê tiền đền bù phá nhà quá ít, gia chủ quyết ở lại: Sau 8 năm nhận kết cục bi kịch, phải ngậm ngùi dọn đi vì 1 lý do

Cách đây khoảng 2 thập kỷ, với sự phát triển của đô thị hoá, các vùng ngoại ô của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) lên kế hoạch phá bỏ các căn nhà cũ, khu ổ chuột. Mục đích nhằm xây dựng bộ mặt mới của thành phố, phát triển kinh tế. Trong quá trình phát triển đô thị, các hộ dân nằm trong diện phá dỡ bất động sản được đền bù một số tiền, nhiều trường hợp còn được nhận nhà mới.

Năm 2003, gia đình ông Trương sống ở quận Triều Dương (thành phố Bắc Kinh) cũng nằm trong số đó. Ông xuất thân từ gia đình bình thường, sở hữu 2 căn nhà mái ngói đổ nát nằm cạnh nhau. Có một căn nhà khang trang và rộng rãi là ước mơ được ấp ủ từ lâu của gia đình ông Trương.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-12.35.31.png
Ông Trương 

Sau khi nhận được tin tức phá dỡ nhà cửa, nhiều hộ gia đình sống xung quanh đều háo hức và vui mừng. Họ mong muốn có thể tận dụng cơ hội này để sống trong căn nhà lớn hơn, cùng với khoản tiền đền bù xứng đáng.

Về phía gia đình ông Trương, căn nhà của ông có diện tích 153,6m2. Dựa trên chi phí bồi thường 5.500 tệ/m2 (19 triệu đồng), cộng với khoản tiền chiết khấu mua nhà tái định cư là 4.238 tệ/m2 (14,6 triệu đồng), ông Trương có thể nhận được gần 1 triệu tệ (3,4 tỷ đồng) khi ký vào bản thoả thuận đền bù phá nhà.

Vào năm 2003, giá nhà trung bình ở Bắc Kinh là khoảng 4.400 tệ/m2 (15,2 triệu đồng). Như thế, số tiền bồi thường gần 1 triệu tệ này đủ để ông mua một căn nhà lớn và sống cuộc đời dưỡng già không lo cơm ăn áo mặc.

Tuy nhiên, ngay khi hai bên chuẩn bị ký vào bản hợp đồng, ông Trương đột nhiên hối hận.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-12.35.26.png
Căn nhà nằm lạc lõng giữa cảnh quan đô thị hiện đại

Lòng tham bùng nổ

Những ngày đầu tiên nhận được thông báo căn nhà thuộc diện đền bù bất động sản, ông Trương cũng giống như các hộ dân xung quanh, đều mong chủ  đầu tư đến sớm để họ được nhận tiền ổn định cuộc sống. Sự cám dỗ về tiền bạc khiến ông Trương hàng ngày đầu đến Uỷ ban để hỏi thăm tin tức.

Sau đó, ông Trương biết mảnh đất nơi gia đình sinh sống được lên kế hoạch để quy hoạch thành trung tâm thương mại lớn. Ông đánh giá căn nhà nằm ở vị trí đặc địa, khiến ông càng suy ngẫm kỹ càng hơn về giá trị của chúng.

Theo ý kiến của ông Trương, mức chi phí bồi thường mà chủ đầu tư đưa ra quá thấp so với lợi ích kinh tế sau này của căn nhà. Ông tin diện tích thực tế của căn nhà là 400m2 và số tiền bồi thường phải được trả gấp đôi.

Khi công tác phá dỡ bất động sản được tiến hành, 229 hộ gia đình trong làng đã rời đi, chỉ còn lại gia đình ông Trương vẫn bám trụ. Chủ đầu tư đến đàm phá, ông Trương lập tức đề nghị tăng mức bồi thường  lên 2,5 triệu tệ (8,6 tỷ đồng), cộng thêm 1 căn nhà có 3 phòng ngủ.

Trong quá trình thương lượng suốt thời gian dài, chủ đầu tư và gia đình ông Trương đều không chịu nhượng bộ. Cuối cùng, chủ đầu tư đành điều chỉnh kế hoạch quy hoạch dự án ban đầu và bỏ qua nhà ông Trương.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-12.35.39.png

Cái kết cho nỗ lực kiên trì ròng rã 8 năm

Sau khi các căn nhà xung quanh được phá dỡ, căn nhà của ông Trương vẫn đứng im và nằm trên con đường chính của thành phố. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến dự án, làm xấu cảnh quanh đô thị mà còn mang đến nhiều "tra tấn" cho cuộc sống của hộ gia đình.

Đầu tiên vì nhà của ông Trương nằm giữa đường chính nên lúc nào cũng có xe cộ chạy qua gây ra tiếng ồn và khói bụi. Giữa cảnh quan đô thị đang dần được hoàn thiện, căn nhà của ông giống như một hòn đảo biệt lập. Cơ sở vật chất của nhà đã hư hỏng và đổ nát, tường xuất hiện vết nứt. Khi mùa đông về, gió lạnh lùa vào nhà gây khó khăn cho cuộc sống của tất cả thành viên.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là vào ngày hè. Nước trong sân nhà thường xuyên ngập đến đầu gối. Lúc này, vợ chồng ông Trương phải dùng chậu, xô để múc nước đổ ra bên ngoài.

Môi trường ấm ướt và thiếu vệ sinh khiến căn bệnh viêm khớp của vợ ông Trương ngày càng trầm trọng, vào ngày mưa thường tái phát đau nhức đến không chịu nổi. Bên cạnh đó, các toà nhà xung quanh quá cao nên nhà họ không đón được ánh nắng. Do đó, ngay cả giữa ban ngày, gia đình ông Trương vẫn phải bật đèn.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-12.35.51.png
Căn nhà xuống cấp trầm trọng 

Thời gian trôi đến năm 2008, Thế vận hội Olympic được tổ chức ở Bắc Kinh. Vì căn nhà của ông Trương có diện mạo quá đặc biệt nên để không ảnh hưởng đến bộ mặt của thành phố, chính quyền đã rào căn nhà khiến gia đình ông Trường khó có thể đi ra đi vào.

Dù chất lượng sống ngày càng tệ nhưng ông Trương vẫn không chịu thoả hiệp. Sau 8 năm kiên trì "canh giữ" căn nhà của mình, hai vợ chồng hầu hết chỉ có thể ở nhà suốt ngày, sống dựa vào thu nhập 1.260 tệ/tháng (4,3 triệu).

Cuối cùng, sự kiên trì của gia đình ông Trương đã phải chịu thua. Từ năm 2003-2011, căn nhà của ông Trương đã trở thành "vết sẹo" trê trục đường chính của thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và diện mạo của đô thị. Do đó, vào tháng 12/2011, chính quyền chính thức cưỡng chế phá dỡ nhà của ông Trương, khiến 8 năm nỗ lực của họ gần như thành công cốc. Lúc này, ông chỉ có thể ngậm ngùi ra đi với số tiền bồi thường ban đầu là 840.000 tệ (2,9 tỷ đồng).

Trong 8 năm, giá bất động sản đã tăng gấp nhiều lần, sức mua của 840.000 tệ cũng khác biệt so với thời điểm năm 2003. Do đó, dù nhận được đúng khoản tiền bồi thường ban đầu, song lợi ích mà gia đình ông Trương thu về đã giảm đi rất nhiều nếu như ông chấp nhận ký vào bản thoả thuận phá nhà cách đây 8 năm. 

Theo Toutiao


(0) Bình luận
Chê tiền đền bù phá nhà quá ít, gia chủ quyết ở lại: Sau 8 năm nhận kết cục bi kịch, phải ngậm ngùi dọn đi vì 1 lý do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO