Chân dung doanh nghiệp độc quyền trong việc cung cấp nước sạch tại Bình Dương

Pha Lê | 11:30 30/08/2023

Đây là doanh nghiệp duy nhất thực hiện phân phối nước cho toàn tỉnh Bình Dương, là một trong số ít những doanh nghiệp thực hiện cả 2 vài trò vừa sản xuất vừa phân phối.

Chân dung doanh nghiệp độc quyền trong việc cung cấp nước sạch tại Bình Dương

Tại Bình Dương, CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) và TDM (đối tác chiến lược của BWE) là hai doanh nghiệp duy nhất chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho toàn bộ tỉnh. Tuy nhiên, khác với BWE sẽ phân phối nước sạch đến người tiêu dùng cuối cùng trong địa bàn tỉnh thông qua hệ thống đường ống của công ty, thì toàn bộ sản lượng nước sản xuất của TDM hiện nay đều được phân phối qua kênh bán sỉ cho BWE. Do đó, có thể nói BWE gần như là độc quyền tại trong lĩnh vực cung cấp nước sạch sinh hoạt tại Bình Dương.

Mạng lưới cấp nước của BWE bao phủ toàn tỉnh Bình Dương và một phần tỉnh Bình Phước và khu vực giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, BWE còn mở rộng sang các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Cần Thơ và Long An thông qua hình thức góp vốn.

Hiện nay, BWE đang sở hữu 9 chi nhánh cấp nước với công suất sản xuất là 840.000 m3/ngày đêm (có thể nâng công suất tối đa lên 1 triệu m3/ngày đêm), cùng với TDM (tổng công suất là 100.000 m3/ngày đêm) là hai doanh nghiệp duy nhất sản xuất nước tại Bình Dương. Tuy nhiên, BWE là doanh nghiệp duy nhất thực hiện phân phối nước cho toàn tỉnh Bình Dương, là một trong số ít những doanh nghiệp thực hiện cả 2 vài trò vừa sản xuất vừa phân phối.

Điều này là một lợi thế của BWE khi có thể dễ dàng kiểm soát chi phí hơn (vì ở mức độ vi mô, trong khi giá nước bán sỉ nhìn chung là do bên mua và bên bán có thể chủ động điều tiết theo chi phí gia tăng hàng năm, giúp doanh nghiệp sản xuất duy trì, thậm chí cải thiện biên lợi nhuận, thì với doanh nghiệp bán lẻ, mức giá tại từng địa phương sẽ do UBND tỉnh điều chỉnh, có khi cần rất nhiều thời gian, dẫn đến việc giá mua nước không tăng theo giá bán, gây tác động tới biên lợi nhuận).

Các khách hàng chính của BWE là các hộ gia đình (45% doanh thu 2022) và khu công nghiệp (50% doanh thu 2022), trong đó khách hàng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong kết quả hoạt động kinh doanh của BWE do nhóm này có giá bán trung bình trên mỗi số nước cao hơn và sản lượng tiêu thụ ổn định hơn.

Đối với các hộ gia đình, khu vực thành thị sẽ có nhu cầu sử dụng nước lớn hơn do mức độ tiện nghi cao hơn; trong khi đó, việc đầu tư ở các khu vực nông thôn đem lại nhiều rủi ro hơn do thu nhập đầu người thấp khiến nhiều khu vực phải giảm giá nước để hỗ trợ kinh tế; thói quen sử dụng nước giếng khoan; có độ nhạy cảm với giá nước cao hơn nên khó tăng giá; và mật độ dân số thấp làm giảm hiệu quả trên mỗi mét ống đầu tư.

BWE hiện đang vận hành một chi nhánh xử lý chất thải, với khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt trên 2.500 tấn/ngày. Hiện nay công ty đang tiếp nhận toàn bộ chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các địa bàn lân cận, được xử lý bằng 2 công nghệ chính: ủ chất thải sinh hoạt thu khí methane để sản xuất điện và sản xuất phân bón.

Với rác thải sinh hoạt, tro sau khi đốt và ủ để làm phân hữu cơ mang nhãn hiệu Phân bón Con Voi. Hiện tại công ty đang có 3 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải sinh hoạt theo công nghệ Phần Lan với tổng công suất là 1.680 tấn/ngày. Hiện tại công ty đang trong quá trình xây dựng nhà máy thứ 4 với công suất 840 tấn/ngày (dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9/2023).

Đối với rác công nghiệp, xỉ tro sau khi đốt được sử dụng để làm gạch với nhãn hiệu Con Voi. Ngoài ra, bùn thải cũng được sử dụng để làm gạch 4 lỗ (20.000 viên/ngày) và gạch 2 lỗ (5.000 viên/ngày). Phần rác thải không thể tái chế thì công ty sẽ thực thu gom khí để tạo ra hệ thống phát điện với công suất 2.000kVA, được sử dụng để vận hành các nhà máy của công ty.

Công ty hiện đang vận hành 4 nhà máy xử lý nước thải bao gồm: Chi nhánh nước thải Tân Uyên (15.000 m3/ngày), Chi nhánh nước thải Thuận An (17.000 m3/ngày), chi nhánh nước thải Thủ Dầu Một (17.650 m3/ngày), Chi nhánh nước thải Dĩ An (20.000 m3/ngày). 

Các nhà máy này chỉ thực hiện xử lý nước thải trong địa bàn thành phố nơi đặt nhà máy. Hiện tại nếu 4 nhà máy này hoạt động hết công suất sẽ xử lý được khoảng 30% lượng nước thải trên địa bàn tỉnh.

Bên ngoài các hoạt động cốt lõi, BWE còn tận dụng nguyên liệu để tái chế thành các sản phẩm khác, bao gồm nước uống đóng chai, sản xuất phân hữu cơ (nguyên liệu tử rác thải sinh hoạt).

Nước uống đóng chai là ngành kinh doanh béo bở với giá bán cao hơn rất nhiều (ước tính với giá bán 42.000 đồng/bình 19 lít ~ 2.200.000 đồng/m3 - tức gấp 115 lần so với giá bán nước máy). Chưa kể đến bình nước ION Gold 19 lít có giá 62.000 đồng thì sẽ có biên cao hơn. Tốc độ tăng trưởng của mảng này trung bình vào khoảng 10%/năm.

Việc xây dựng được chu trình sản xuất khép kín, tận dụng triệu để mọi nguyên liệu đầu vào giúp BWE không chỉ tạo ra thêm doanh thu từ các sản phẩm đa dạng, mà còn giúp tiết giảm chi phí. Hiện tại doanh thu mảng xử lý rác thải và doanh thu khác là 2 mảng có tỉ trọng doanh thu cao chỉ sau mảng kinh doanh nước sạch, chiếm lần lượt 20% và 13% tổng doanh thu trong năm 2022.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, nên BWE có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là rủi ro lớn đối với công ty khi lãi suất và tỉ giá đồng thời tăng lên sẽ khiến kết quả kinh doanh của BWE bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện tại, với 44% các khoản vay bằng ngoại tệ (2.194 tỷ đồng), lợi nhuận hoạt động kinh doanh của BWE trong tương lai có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi lãi suất tăng và tỉ giá đồng thời tăng lên.

Ngoài ra, đầu tư các dự án không thuộc mảng cốt lõi có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Trong năm 2020, công ty đã thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng để thu về tổng số tiền 964 tỷ đồng, trong đó 42% tổng số vốn được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh khác (trong đó 114 tỷ được đầu tư thêm vào công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa – liên quan đến Chủ tịch BWE, 292 tỷ đồng được phân bổ vào hoạt động xây dựng toàn nhà văn phòng Biwase).

Ngoài ra, trước đây BWE cũng đầu tư vào các DN trái ngành khác, như đầu tư vào Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (PRT), là một DN kinh doanh rất nhiều ngành nghề khác nhau.

Cụ thể, hoạt động cốt lõi của PRT là đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết trong ngành dịch vụ (sân golf, bệnh viện, khu công nghiệp, logistics…). Bên cạnh đó, BWE còn sở hữu Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP), tuy nhiên giá trị đầu tư không đáng kể chỉ khoảng 18 tỷ đồng. 


(0) Bình luận
Chân dung doanh nghiệp độc quyền trong việc cung cấp nước sạch tại Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO