Hôm 28/4, Thế giới Di động công bố chiến dịch “Giá rẻ quá” với nhiều sản phẩm tivi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%. Dường như không chịu kém cạnh, ngay cùng ngày, FPT Shop đưa ra khẩu hiệu “Ở đâu rẻ quá, ở đây rẻ hơn”. Nhà bán lẻ thuộc FPT Retail thậm chí so sánh trực diện giá điện thoại “rẻ hơn” đối thủ từ vài trăm đến 1 triệu đồng.
Gần đây, một cái tên khác lại gây chú ý với khẩu hiệu “Rẻ hơn các loại rẻ”, hiển thị ngay cạnh giá niêm yết của các sản phẩm trên website bán hàng. Đó là Công ty TNHH Công nghệ Di Động Việt (DĐV) - một doanh nghiệp bán lẻ các sản phẩm công nghệ có trụ sở tại TP. HCM.
Được thành lập năm 2013, sau 10 năm hoạt động trên thị trường, DĐV hiện có 64 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở TP. HCM và các tỉnh miền Nam. Tại Hà Nội, DĐV mới có 5 cơ sở, khá khiêm tốn so với các thương hiệu chưa niêm yết khác như CellphoneS (khoảng 125 cửa hàng) hay Hoàng Hà Mobile (126 cửa hàng).
Người đại diện pháp luật kiêm CEO của DĐV hiện nay là ông Nguyễn Ngọc Đạt, sinh năm 1985. Trao đổi với báo chí mới đây, ông cho biết dù giá rất cạnh tranh, nhưng DĐV “không cạnh tranh bằng giá, mà cạnh tranh bằng giá trị”.
“Thời điểm này chúng tôi đang là top 5 hay top 7 không quan trọng. Quan trọng mục tiêu của chúng tôi là trở thành top 1”, ông tuyên bố. “Để đạt được điều này, DĐV sẽ không bán hàng đơn thuần. Triết lý kinh doanh của chúng tôi là: Chuyển giao giá trị vượt trội cho khách hàng. Và đây là một cam kết cực kỳ quan trọng”.
Đưa Vertu chính hãng về Việt Nam vì sự cố nhận bán hộ "hàng fake", tự livestream đạt doanh số 350 triệu đồng trên TikTok
Trước khi gây chú ý với khẩu hiệu “Rẻ hơn các loại rẻ”, DĐV cũng từng thu hút sự quan tâm khi ký kết hợp tác với Vertu Global hồi tháng 11/2022, trở thành nhà phân phối độc quyền Vertu chính hãng tại Việt Nam.
Hệ thống chính thức gồm 2 cửa hàng tại quận Hoàn Kiếm – Hà Nội và quận 1 – TP. HCM, cùng một trung tâm bảo hành uỷ quyền của Vertu ở TP. HCM. Ngoài 2 cửa hàng, DĐV cũng bán sản phẩm điện thoại xa xỉ này trên các nền tảng online.
Chia sẻ với báo giới về lý do quyết tâm đưa Vertu chính hãng về Việt Nam, CEO Nguyễn Ngọc Đạt kể lại câu chuyện cách đây vài năm.
“Có ông bạn nhờ mình xem và bán giúp một chiếc điện thoại Vertu của bà chị (được bạn tặng), nhưng không có nhu cầu sử dụng. Tôi nhận lời, nhưng khi về nhà mở ra thì thấy hơi ngờ ngợ. Sau đó, tôi yêu cầu kỹ thuật của DĐV check kỹ lại mới phát hiện ra đây là một chiếc "Vertu không phải của hãng Vertu", không biết ăn nói với người anh thế nào”, ông hồi tưởng.
“Ngay lúc đó, tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm: để người tiêu dùng có một nơi mua sắm chất lượng, chính hãng và đáng đúng đồng tiền bỏ ra. Nên chúng tôi đã quyết tâm đưa Vertu chính hãng về thị trường Việt Nam, thương lượng với hãng mức giá cạnh tranh sòng phẳng với những loại hàng hoá khác trên thị trường”, vị CEO cho hay.
Quay trở lại với hoạt động bán lẻ đồ công nghệ của DĐV, cùng với sự lên ngôi của thương mại điện tử và xu hướng shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), doanh nghiệp dường như rất tập trung vào phát triển kênh TikTok.
Hôm 1/4, DĐV tuyên bố triển khai “buổi livestream Lịch Sử” xuyên suốt 24h trên nền tảng này, với sự tham gia của CEO, toàn thể nhân viên công ty cùng nhiều reviewer, KOC nổi tiếng. Kết quả là đã có lúc phiên live thu hút tới 1.000 người xem trực tiếp.
Trước đó vào ngày 3/3, đích thân ông Đạt cũng tự livestream bán điện thoại trên TikTok. Theo bài đăng trên trang Facebook cá nhân của vị CEO này, buổi live đã thu về doanh số hơn 350 triệu đồng.
Nỗ lực của ông Đạt cùng đội ngũ đã gặt hái thành quả. Hồi cuối tháng 3, TikTok công bố DĐV đạt vị trí top 1 ngành hàng điện tử và top 6 nhà bán lẻ tiêu biểu trong năm, sau gần 1 năm triển khai bán hàng qua livestream trên TikTok Shop.
“Chúng tôi hiểu rằng sản phẩm là giống nhau, bảo hành cũng giống nhau, giá bán tương đương. Nhưng cách thức tiếp nhận bảo hành, chăm sóc tư vấn của chúng tôi là khác biệt, chuyên nghiệp, trách nhiệm và tận tâm”, CEO Nguyễn Ngọc Đạt khẳng định.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đều hô khẩu hiệu giá rẻ, phía DĐV từng cảnh báo nếu còn muốn giá rẻ nữa, khách hàng có thể mua nhầm hàng nhái, hàng giả, hàng không chính thống, và có thể bị cắt xén chất lượng dịch vụ về sau để bù vào phần thiệt hại của người bán khi họ cố tình phá giá thị trường.