Không phải xuất khẩu, chuyên gia quốc tế chỉ ra trụ cột chính sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu GDP 2025 tăng trên 8%, quy mô GDP khoảng trên 510 tỷ USD

Hoàng Nguyễn | 05:06 24/07/2025

Theo mục tiêu của Chính phủ, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ khoảng 8,3-8,5%. Và trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận GDP tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ, là mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011. Vậy đâu sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra?

Không phải xuất khẩu, chuyên gia quốc tế chỉ ra trụ cột chính sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu GDP 2025 tăng trên 8%, quy mô GDP khoảng trên 510 tỷ USD

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, qua đó đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm.

Báo cáo về các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản.

Theo đó, Kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, nếu tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm, gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 108 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 16% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Với Kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%), Bộ ước tính nếu tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.

Tương ứng với 2 kịch bản nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

"Các kịch bản tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các chính sách, giải pháp, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên. Tuy nhiên với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn hơn, vượt mọi khó khăn, thách thức thực hiện cao hơn mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 và các năm tiếp theo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo Kịch bản 2 (8,3-8,5%), tạo đà cho tăng trưởng tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.

Yếu tố then chốt sẽ giúp GDP Việt Nam đạt được mức tăng trưởng trên 8% trong năm nay

Theo Tiến sĩ Adeel Ahmed – Giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, Việt Nam đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, với kỳ vọng đạt hai con số vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự phối hợp và nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Tiến sĩ Adeel Ahmed, trong các yếu tố phát triển, đầu tư công được xem là trụ cột chính, có vai trò định hướng dòng vốn tư nhân vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các dự án quốc gia, tối ưu hóa hệ thống năng lượng, và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mới mẻ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Chiến lược phát triển sắp tới cần lấy đầu tư công làm nền tảng, đồng thời, các nguồn lực bên ngoài như FDI sẽ đóng vai trò hỗ trợ bổ sung cho quá trình phát triển. Bằng cách định vị đầu tư công như một điểm tựa tăng trưởng, Việt Nam có thể đảm bảo được tính độc lập, khả năng chống chịu và thích ứng trước những gián đoạn từ quốc tế”, Tiến sĩ Adeel Ahmed nhấn mạnh.

black-and-white-photo-centric-ceo-quote-social-media-1-.png

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, Việt Nam cần theo đuổi các cải cách cơ cấu đi kèm với những can thiệp chính sách kịp thời dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Tăng trưởng thường phụ thuộc vào các gói kích cầu thúc đẩy đầu tư, sản xuất và tiêu dùng.

"Một bước đi quan trọng là tăng thu nhập và tiết kiệm để kích thích tiêu dùng nội địa, thông qua việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân", ông Adeel Ahmed gợi mở.

Tiến sĩ Adeel Ahmed đánh giá, Việt Nam nên duy trì một môi trường tài khóa thân thiện với doanh nghiệp bằng cách rà soát lại chính sách thuế. Song, vị chuyên gia cũng lưu ý, cần tránh tăng thuế nếu không thực sự cần thiết, vì điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

"Trong trường hợp cần thiết, cải cách thuế nên được thiết kế phù hợp với các mục tiêu dài hạn và được triển khai dần dần trong vòng hai đến ba năm. Chính phủ cũng cần xem xét lại các chính sách phí và miễn giảm, bao gồm việc giảm phí sử dụng đất, nhằm bù đắp chi phí gia tăng", TS. Adeel Ahmed cho biết.

"Do đó, việc điều chỉnh các khuôn khổ pháp lý là rất cần thiết. Việc đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế cũng sẽ giúp cải thiện tính thanh khoản", ông nói thêm

Ngoài ra, TS Adeel Ahmed cũng cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu, bao gồm đầu tư vào hạ tầng nhằm giảm các điểm nghẽn. Việc nâng cấp các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và thân thiện với môi trường là điều thiết yếu. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường tác động lan tỏa của FDI, và phát triển nguồn nhân lực là những yếu tố then chốt.

"Các chính sách cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính minh bạch và tận dụng các hiệp định thương mại để đa dạng hóa thị trường. Với quyết tâm chính trị và các hành động có trọng tâm, Việt Nam có thể tiến gần tới mục tiêu tăng trưởng 8%", TS. Adeel Ahmed nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Không phải xuất khẩu, chuyên gia quốc tế chỉ ra trụ cột chính sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu GDP 2025 tăng trên 8%, quy mô GDP khoảng trên 510 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO