‘Cha đẻ’ tên gọi BRICS lên tiếng: Phi đô la hoá chưa có tiến bộ thực sự, ông Trump "lo quá xa" mối đe dọa này

Anh Dũng | 13:15 04/12/2024

Liệu BRICS có thực sự nỗ lực từ bỏ đồng USD?

‘Cha đẻ’ tên gọi BRICS lên tiếng: Phi đô la hoá chưa có tiến bộ thực sự, ông Trump "lo quá xa" mối đe dọa này

Cuối tuần trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã sử dụng nền tảng trực tuyến Truth Social đề thông báo rằng ông sẽ áp thuế 100% đối với các nước thành viên BRICS nếu họ tiếp tục tìm cách thay thế đồng USD.

Nhưng theo nhà kinh tế học đã đặt ra thuật ngữ BRICS, ông Trump dường như đang đánh giá quá cao mối đe dọa này. Nếu thực sự có điều gì xảy ra, mức thuế quan 100% có thể gây tổn hại nhiều hơn là giúp duy trì vị thế của đồng USD.

Jim O’Neill là cựu chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs. Ông đưa ra thuật ngữ BRIC trong một bài báo được xuất bản năm 2001 để chỉ một nhóm các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng nhanh chóng.

Vào năm 2009, bốn quốc gia bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập một liên minh không chính thức lấy tên BRIC. Và tên gọi đó được đổi thành BRICS sau khi Nam Phi gia nhập vào năm 2010.

Hơn một thập kỷ trước, các quốc gia BRICS đã ghi nhận tăng trưởng kinh tế bùng nổ. Nhưng gần đây, nền kinh tế của họ rơi vào thời kỳ khó khăn. Trung Quốc chật vật phục hồi hậu đại dịch và ảnh hưởng từ cuộc suy thoái của thị trường bất động sản. Nga phải đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nền kinh tế của Nam Phi và Brazil thì vật lộn với nạn tham nhũng và các vấn đề khác.

Dù vậy, nhóm này vẫn tiếp tục mở rộng và tăng sức ảnh hưởng của mình. Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iran đã chấp nhận tham gia; Argentina rút lui còn Saudi Arabia vẫn chưa ra quyết định chính thức.

BRICS có thực sự cố gắng từ bỏ đồng USD?

Nhiều năm qua, BRICS đã nỗ lực tìm cách để lập một đồng tiền của riêng mình. Nhưng ông O'Neill cho biết đến nay họ vẫn chưa đạt được tiến bộ thực sự nào.

Trao đổi với MarketWatch, ông O'Neill chỉ ra những vấn đề nội bộ có lẽ là trở ngại lớn nhất đối với dự án tiền tệ chung. Thay vì là đồng minh, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang cạnh tranh địa chính trị.

Ngoài ra còn có những xung đột tiềm ẩn khác. Ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ đều phải nhập khẩu dầu, trong khi các thành viên khác trong nhóm như Nga là những nước xuất khẩu lớn. Điều này có thể làm phức tạp thên trong việc quản lý loại tiền tệ chung.

Vậy phi đô la hoá là gì?

"Phi đô la hóa" là thuật ngữ được các nhà kinh tế sử dụng để chỉ quá trình giảm tỷ lệ đồng USD trong dự trữ tiền tệ quốc tế và hạn chế sử dụng đồng USD trong giao thương toàn cầu.

Các cuộc thảo luận về phi đô la hóa đã diễn ra kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt để tịch thu tài sản Nga và cắt đứt nước này khỏi các hệ thống tài chính quốc tế dựa trên đồng USD và đồng euro.

Trung Quốc và Nga được coi là những nước đi đầu trong nỗ lực phi đô la hóa quốc tế. Gần đây, Trung Quốc đã giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ và tăng cường mua vàng.

Cho đến nay, những nỗ lực thay thế vai trò của đồng USD trong thương mại quốc tế đã tiến triển chậm nhưng chắc. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn không thể sánh bằng đồng USD về mặt sử dụng trong tài chính thương mại quốc tế.

Chỉ một phần nhỏ trong thương mại toàn cầu (dưới 6% - theo dữ liệu của SWIFT) được tính bằng đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, đồng USD được sử dụng trong hơn 80% giao thương.

Sau hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất, BRICS cho biết rằng họ muốn khuyến khích sử dụng tiền tệ của các thành viên trong thương mại song phương. Và ông O'Neill cho rằng đây là lựa chọn hợp lý nhất để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.

Mối đe doạ thuế quan của ông Trump có lợi hay có hại cho đồng USD?

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ông Trump đã gây chú ý với những kế hoạch áp thuế. Nhưng một số người tin rằng mức thuế ông đưa ra có thể đi ngược lại cam kết bảo vệ sự thống trị "mạnh mẽ" của đồng USD.

Thay vì thúc đẩy việc sử dụng đồng đô la, mức thuế của ông Trump có thể làm giảm nhu cầu đối với đồng bạc xanh, cuối cùng thúc đẩy các quốc gia tìm cách thoát đa dạng hoá khỏi đồng tiền này. Tuy nhiên, thuế quan có thể đi kèm với một số lợi ích, trong đó bao gồm thúc đẩy ngành sản xuất trong nước của Mỹ. Đây là điều mà ông Trump hứa sẽ thực hiện.

Thuế quan của ông Trump cũng không phải là chính sách duy nhất có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng USD. Lời hứa của ông về việc tạo ra một quỹ dự trữ bitcoin quốc gia có thể cũng ảnh hưởng đến đồng USD.

Theo MarketWatch


(0) Bình luận
‘Cha đẻ’ tên gọi BRICS lên tiếng: Phi đô la hoá chưa có tiến bộ thực sự, ông Trump "lo quá xa" mối đe dọa này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO