Khi mới là sinh viên năm thứ 3 khoa CNTT, Hoàng Việt Anh "bị thầy giáo dụ dỗ" vào FPT thực tập với viễn cảnh "ở đó có máy tính, có điều kiện thì tham gia các dự án của công ty và được chơi game thoải mái". Khi ấy, máy tính ở Việt Nam còn rất hiếm, trường Bách khoa chỉ có 25 chiếc PC với màn hình đen trắng và số lượng sinh viên CNTT cần sử dụng thì luôn nhiều hơn số máy của trường. Lúc đó, ông Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT FPT) là Phó khoa CNTT và là thầy giáo trực tiếp giảng dạy Hoàng Việt Anh, cũng đồng thời là Phó Tổng giám đốc FPT.
Vào thực tập tại FPT, Hoàng Việt Anh như "cá gặp nước" vì ngoài việc được thực tập máy tính, giờ giải lao còn "được các anh cho chơi game thoải mái". Cậu sinh viên khoa CNTT có cảm nhận "đây là một môi trường đã làm việc thì làm chết bỏ luôn nhưng chơi cũng hết mình và thực sự thư giãn". Đó cũng là lý do Hoàng Việt Anh ký hợp đồng cộng tác viên với công ty này sau 3 tháng thực tập, rồi sau đó trở thành nhân viên chính thức của bộ phận công nghệ phần mềm FPT ngay khi nhận bằng tốt nghiệp (1/6/1996). Cho đến nay đã 30 năm, Hoàng Việt Anh vẫn gắn bó với chỉ FPT.
Nằm trong số 13 thành viên đầu tiên của FPT Software, trải qua tất cả các nốt trầm thăng của công ty này trước khi trở thành CEO nhưng sau 25 năm gắn bó với ngành phần mềm, ông Hoàng VIệt Anh có bước ngoặt lớn khi trở thành CEO FPT Telecom – một công ty hoàn toàn khác nằm trong tập đoàn FPT.
Tại FPT Telecom, ông Hoàng Việt Anh là lãnh đạo cấp cao chăm chỉ rèn luyện sức khoẻ nhất công ty, với thời gian biểu dành cho thể thao dày đặc dù công việc rất bận. Từ 25 năm nay, mỗi tuần, vị CEO này luôn duy trì 3 buổi tập gym, 3 buổi tennis và 2 buổi yoga. Trong Tập đoàn FPT, ông Hoàng Việt Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng chuyển đổi số, Chủ tịch FPT Digital và kiêm cả Chủ tịch Liên đoàn bóng đá FPT. Vào thời sinh viên, vị CEO tuổi Mão này rất mê bóng đá và từng là thành viên đội tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội.
BƯỚC NGOẶT MANG TÊN PETRONAS
25 năm gắn bó với lĩnh vực phần mềm của FPT, đâu là những cột mốc đáng nhớ nhất của ông?
Năm 1998, sau Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập FPT, anh Trương Gia Bình trăn trở một mong muốn đưa tên tuổi FPT ra thế giới. Anh Bình và anh Nguyễn Thành Nam (nguyên Tổng giám đốc FPT và Tổng giám đốc FPT Software) đi thăm Bangalore - thung lũng Silicon của Ấn Độ, và trên đường về đã quyết định thành lập FPT Software. Tập đoàn tổ chức một cuộc thi gắt gao với 3 vòng để chọn ra 13 người đầu tiên, được gọi là lực lượng tinh nhuệ nhất làm đội ngũ cốt lõi. Tôi may mắn vượt qua vòng thi đó.
Ngày 13/1/1999, đơn vị phần mềm chiến lược số 1 - FSU1, tiền thân của FPT Software sau này được thành lập. Đó là một cột mốc đáng nhớ của tôi.
Sự kiện mang tính bước ngoặt làm thay đổi toàn bộ tâm thế, vị trí và tư duy của tôi chắc chắn là thương vụ đầu tiên với Petronas (Công ty Dầu khí của Chính phủ Malaysia).
Năm 2004, bằng quan hệ riêng, anh Nguyễn Thành Nam biết được Petronas đang có một dự án rất lớn. Họ muốn thay đổi toàn bộ hạ tầng công nghệ từ nền tảng của IBM sang Microsoft. Anh Nam nói với tôi: "Em sang Malaysia, xem có cơ hội nào cho FPT Software đặt chân vào không?"
Nói thật, đó là lần đầu tiên tôi đi Malaysia, không quen biết một ai. Anh Nam tìm cách bắt liên lạc với Giám đốc Công nghệ thông tin của Petronas, bác này từng là một khách hàng của FPT. Mặt khác, bằng quan hệ của FPT với Microsoft, họ giới thiệu chúng tôi với Microsoft Malaysia. Vậy là điều kiện cần đã có, điều kiện đủ ở đây là sự kiên trì.
Ròng rã 2 năm, tôi bay khoảng 50 chuyến bay trong suốt thời gian từ tháng 4/2004 đến 16/3/2006 thì FPT Software chốt ký được hợp đồng 6,4 triệu USD với Petronas, làm tổng thầu cho việc chuyển đổi hơn 1.000 ứng dụng văn phòng từ nền tảng IBM sang nền tảng Microsoft, vượt qua nhiều công ty CNTT nội địa và quốc tế trong đó có những tên tuổi như Accenture.
Đó là hợp đồng lớn nhất lịch sử ngành phần mềm Việt Nam tới thời điểm đó. Nó không chỉ có ý nghĩa với FPT mà còn là dự án chiến thắng lớn nhất của Microsoft trên phạm vi toàn cầu lúc bấy giờ. Ông Steve Ballmer, CEO Microsoft lúc ấy đã mời đích thân anh Bình sang thăm trụ sở ở Redmond (Mỹ).
Còn với cá nhân tôi, sự thay đổi là rất lớn. Từ lúc bắt đầu làm FPT Software đến năm 2006, chúng tôi thuần túy là "người thợ may" gia công những thiết kế mà khách hàng đưa cho. Sau hợp đồng với Petronas, chúng tôi tự tin mình đủ khả năng để "dựng vở" cho khách, sòng phẳng bước ra cạnh tranh cùng các công ty nước ngoài. Dự án này cũng tạo vị thế cho FPT với đối tác chiến lược lúc đó là Microsoft, mở ra cơ hội toàn cầu cho FPT Software ở nhiều nước khác.
Điều gì giúp FPT Software – một công ty chưa có kinh nghiệm làm những dự án tương tự có thể chiến thắng các tên tuổi nổi tiếng của thế giới như Accenture và các công ty CNTT nội địa của Malaysia?
Có 3 yếu tố. Thứ nhất là niềm tin từ ông Giám đốc CNTT của Petronas mà tôi đã nhắc đến. Ông ấy từng là Giám đốc CNTT của Public Bank. Khi ngân hàng này mở chi nhánh tại Việt Nam và cần đối tác để triển khai phần mềm, ông ấy chính là người đã chọn FPT vì ấn tượng với các cam kết và nỗ lực của những kỹ sư trẻ.
Khi làm Giám đốc CNTT của Petronas, ông cũng tin rằng phải tìm được đối tác có tinh thần trẻ và nhiệt huyết như FPT thì mới làm được các dự án dài và lớn như vậy.
Thứ hai là sự ủng hộ của Microsoft - đối tác được Petronas lựa chọn chuyển đổi nền tảng công nghệ. Microsoft đã cử chuyên gia từ Mỹ, Úc sang phỏng vấn FPT Software 2 tuần liền, kiểm tra từng người, từ tư duy đến thiết kế sản phẩm. Cuối cùng họ chốt lại: FPT Software là đối tác mà Microsoft toàn cầu bảo chứng là có đủ năng lực chuyên môn làm dự án này.
Thứ ba là giá chào thầu. Giá của các hãng khác thấp nhất cũng bằng 5 lần với giá của FPT. Đã được các bên bảo chứng chất lượng, giá thì chỉ bằng 1/5. Có lý do gì để Petronas không trao dự án cho FPT?
Có được dự án lớn, cả FPT và FPT Software dồn sức "đánh" như một trận Điện Biên Phủ. Toàn bộ FPT Software năm 2006 có khoảng 1.000 người, chúng tôi lấy một nửa công ty để làm dự án này. Những trận đánh lớn phải có quyết tâm cực kỳ lớn và cả công ty phải hy sinh vì nó để làm.
Nhìn lại thì cũng thấy FPT Software dũng cảm và liều lĩnh khi chưa bao giờ làm dự án lớn như vậy. Không cẩn thận thì lỗ.
Vậy dự án đó có lỗ không?
Dự án đó lãi lớn vì chúng tôi dùng cách quản trị của người Việt Nam. Chuẩn của doanh nghiệp đối thủ nước ngoài như Accenture là đi công tác bằng máy bay xịn, ở khách sạn 5 sao, các cơ chế khác biệt vô cùng. Còn chúng tôi rất đơn giản: Thuê luôn 10 căn hộ mini apartment. Mỗi căn hộ đó vốn chỉ dành cho một chuyên gia nước ngoài thì ở đây, 6-7 người FPT Software ở chung với nhau. Quá trình ở chung đó vừa vui, tiết kiệm, lại còn xây được một lực lượng đội ngũ nòng cốt rất gắn bó.
‘ANH CHO EM 100.000 USD SANG SINGAPORE, TÌM ĐƯỢC KHÁCH THÌ PHÁT TRIỂN, KHÔNG ĐƯỢC THÌ VỀ ANH NUÔI’
Từ sau dự án Petronas, Fsoft bước vào hành trình mở mang bờ cõi, thành lập chi nhánh ở nước ngoài. Nếu như trước đây việc ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội thường do các lãnh đạo như ông Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam đảm nhận thì nhiệm vụ mở chi nhánh đầu tiên ở Singapore cũng lại giao cho ông. Quá trình đó có gì chuyện gì thú vị?
Chuyện là thế này. Sau thắng lợi ở Petronas, anh Nam tiếp đà bảo tôi:
- Việt Anh ơi, làm luôn việc này. Phải đẩy mạnh mở chi nhánh ở châu Á – Thái Bình Dương đi!
- Nhưng em chưa từng đi mở chi nhánh. Mở thì mở thế nào và ở đâu?
- Anh biết phải mở ở Singapore vì đây là đầu não của cả khu vực này. Nhưng anh cũng không biết mở như thế nào. Anh cho em 100.000 USD sang chi tiêu. Tìm được khách thì phát triển, không tìm được thì về đây anh nuôi!
Thế là ngày hôm trước vừa kích hoạt dự án Petronas ở Kuala Lampur, ngày hôm sau tôi bay sang Singapore làm trinh sát để mở chi nhánh. Tất nhiên là khó khăn vì tôi không biết ai ở đây cả.
Tôi tóm ngay ông Giám đốc Microsoft Malaysia, nhờ giới thiệu những khách hàng ở Singapore có quan tâm đến các dự án giống như Petronas. May quá, nhờ sự kết nối của ông ấy, chúng tôi có người quan tâm. Tôi vội vàng gọi "viện binh" từ Việt Nam sang, nhưng khách chưa đồng ý thuê FPT Software ngay mà chỉ cho làm thử 3 ứng dụng. Nếu làm được, họ giao dự án lớn, không làm được thì họ cũng không mất tiền.
Chúng tôi sang đó chưa có văn phòng, không dám ở khách sạn vì anh Nam chỉ cho 100.000 USD thôi. Thế là đi thuê một căn phòng trọ sinh viên để ở. 6 anh em FPT Software xoay ra làm dự án cho khách hàng. Đến lúc chuẩn bị thuyết trình thì phát hiện ra thiếu công cụ dụng cụ!
Tôi gọi cho Giám đốc Microsoft Singapore nhờ cứu trợ. Ông ấy rất nhiệt tình mang máy đến lắp và "ngã ngửa" ra khi thấy đội quân FPT Software ở nhà trọ sinh viên. Không có thang máy, Giám đốc Microsoft Singapore hì hục bê server từ tầng 1 lên tầng 4. Đến bây giờ gặp nhau, chúng tôi vẫn kể lại kỷ niệm đáng nhớ ấy.
Thuyết trình thành công và có khách hàng đầu tiên, tôi gọi về cho anh Nam: "Anh ơi, có khách rồi, sống rồi. Không tiêu hết 100.000 USD của anh".
Chi nhánh ở Singapore trở thành một cái hub cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để từ đó tôi mở được chi nhánh ở Úc, rồi Trung Đông. Đến nay khu Thái Bình Dương của FPT Software chiếm khoảng 25% tổng doanh thu.
Đang thành công ở tiền tuyến như vậy, khi ông Hoàng Nam Tiến trở thành Chủ tịch của FPT Software thì ông "bị gọi" về hậu phương. Chuyện gì đã xảy ra, thưa ông?
Đầu năm 2012, Ban lãnh đạo FPT Software thay đổi. Anh Hoàng Nam Tiến và anh Nguyễn Thành Lâm nhận nhiệm vụ. Anh Tiến nói với tôi: "Em ở nước ngoài nhiều rồi, về Việt Nam đi. Anh muốn em gom toàn quân sản xuất cho thị trường toàn cầu để đẩy lên cạnh tranh ngang bằng với thị trường Nhật Bản".
Lúc bấy giờ, FPT chỉ chia thành 2 thị trường là Japan và non-Japan. Việc tập trung vào một thị trường như vậy là không cân bằng. Lúc cao điểm, thị trường Nhật Bản chiếm tới 70% doanh thu của FPT Software, các thị trường nước ngoài còn lại chỉ chiếm 30%. Khi tôi nhận nhiệm vụ, từ năm 2012 – 2015, tỷ lệ đó được đẩy lên 45%.
Là người từ hậu phương ra tiền tuyến nên khi quay về, tôi không cảm thấy có gì quá khác biệt. Nhưng lúc tôi đi, quy mô hậu phương nhỏ lắm, chỉ có 100 - 200 người và tôi thậm chí hiểu rõ tính cách từng người một. Khi về thì quy mô đã lớn hơn chục lần rồi, lên đến cả 1.000 người, đội ngũ trẻ đông và cách tư duy rất khác nên cách quản trị cũng phải khác đội cũ.
Đầu năm 2015, tôi được bổ nhiệm làm Phó TGĐ FPT Software, phụ trách phần vận hành chung về sản xuất đồng thời phụ trách thị trường toàn cầu. Tháng 8 năm đó, khi TGĐ Nguyễn Thành Lâm xin nghỉ vì lý do cá nhân, Ban điều hành Tập đoàn cân nhắc và bổ nhiệm tôi vào vị trí này.
Tôi rất bất ngờ nhưng theo quan điểm của tôi, có những việc mình được lựa chọn, có những việc mình không được lựa chọn. Tinh thần của tôi vẫn như khi lần đầu tiên đặt chân đến FPT, đó là đã giao nhiệm vụ thì phải làm.
‘EM ĐÃ Ở TRONG VÙNG AN TOÀN 20 NĂM RỒI, EM CẦN PHẢI THAY ĐỔI!’
Thời điểm ông chuyển sang FPT Telecom, đó là lúc các "bô lão" của FPT thực hiện một kế hoạch gọi là "Tam đảo": 3 Phó TGĐ được đảo các lĩnh vực để chọn ra CEO mới cho Tập đoàn. Có những việc mình được lựa chọn, có những việc mình không được lựa chọn, vậy rời FPT Software để trở thành TGĐ của FPT Telecom có phải là lựa chọn của ông hay không?
Đang làm FPT Software, một hôm anh Bình gọi tôi lên và nói rằng Tập đoàn quy hoạch cán bộ, một tháng sau tôi sẽ đảo sang FPT Telecom (FTel). Tôi biết câu chuyện "Tam đảo" nhưng quả thực chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ sang FPT Telecom.
Khi đó, tôi thực sự choáng váng. Toàn bộ tuổi trẻ của tôi là ở FPT Software, tôi cũng từng nói với anh Bình là muốn nghỉ hưu tại FPT Software. Cảm xúc lúc ấy là buồn, buồn lắm vì FPT Software như là đứa con của mình. Nó đang lớn dần, bước vào tuổi thanh niên và còn lớn lên được nữa thì mình lại rời nó đi?
Tôi mong muốn anh Bình nghĩ lại, nhưng anh chỉ nói: "Anh cho em về suy nghĩ, có yêu cầu gì thì cứ nói nhưng không được từ chối vì đó là nhiệm vụ Tập đoàn giao".
Có một câu mà anh Bình nói khi ấy làm tôi nghĩ mãi: "Em đã ở trong vùng an toàn 20 năm rồi, em cần phải thay đổi". Cũng đúng, làm lãnh đạo, tôi dạy anh em về việc thoát khỏi vùng an toàn rất nhiều lần, nhưng tôi đã thực sự thay đổi chưa? Nếu sang FPT Telecom, không chỉ là công việc, tôi sẽ phải thay đổi cả tư duy và kiến thức. Ở tuổi 43, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để thay đổi bản thân.
Sau 1 tuần suy nghĩ thì tôi nhất trí với anh Bình. 5 năm vừa qua ở FPT Telecom, tôi chưa bao giờ hối tiếc vì lựa chọn này.
Những thay đổi đều có lý do của nó. "Tam đảo" thực sự đã khiến cho Tập đoàn FPT thay đổi và tạo sức bật rất tốt trong 5 năm qua.
Chuyển từ một công ty phần mềm sang một công ty viễn thông, ông đã chọn tập trung vào mảng gì ở nơi mới?
FPT Telecom là cái tên viễn thông nhưng có rất nhiều mảng dịch vụ, không như FPT Software chỉ viết phần mềm. Tôi xác định là phải học lại toàn bộ, nhưng cần chọn một mảng để bắt đầu.
Sau khi xem một lượt, tôi chọn truyền hình FPT. Truyền hình FPT lúc ấy 4 năm tuổi, còn mới và triển vọng tăng trưởng ở Việt Nam rất lớn so với mảng Internet đã 21 năm tuổi và bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa.
Tôi học cách làm truyền hình như thế nào và học cách để phát triển kinh doanh cho truyền hình, từ đó mới hiểu được toàn bộ cấu trúc tổ chức và mối liên hệ giữa các mảng. Đặc biệt, tôi nhận thấy nếu không ứng dụng công nghệ thì sẽ không thể quản trị một cách hiệu quả. Xu hướng dùng ứng dụng (app) cũng ngày càng nhiều.
Vậy là tôi tập trung vào việc "nhúng" mạnh phần mềm giúp cho viễn thông có thể tiếp cận và đưa các dịch vụ đến với khách hàng nhiều hơn. Bộ phận CNTT của FPT Telecom được tái cấu trúc lại toàn bộ, thành một kiểu công ty chuyên về dịch vụ sản xuất phần mềm như FPT Software nhưng dành cho nội bộ.
Thị trường Internet cáp quang đến giai đoạn bão hòa, không còn "ngon lành". Làm thế nào để FPT Telecom vẫn tăng trưởng?
Ngay từ khi thành lập FPT Telecom, anh Trương Đình Anh (nguyên Tổng giám đốc FPT và người sáng lập FPT Telecom) thực sự đã có một tầm nhìn rất xa là mọi dịch vụ trên một kết nối. Anh ấy đã nhìn thấy câu chuyện băng thông bão hòa trong tương lai và đặt ra chiến lược làm thế nào để cung cấp thêm các dịch vụ khác để luôn tạo ra động lực tăng trưởng.
Dù có 100 triệu dân nhưng thị trường Internet Việt Nam, đặc biệt là thị trường băng thông rồi cũng đến ngưỡng không sử dụng hết. Nó không như băng thông rộng di động, 1 người có thể có 2, 3 chiếc sim nhưng 1 hộ gia đình không có nhu cầu lắp đến 2-3 đường Internet khác nhau.
FPT Telecom cũng liên tục nghĩ và đưa ra các sản phẩm mới trên nền tảng kết nối của mình nhằm tăng ARPU (tiêu dùng bình quân trên một người dùng). Tháng 9/2021, FPT Play và Truyền hình FPT được hợp nhất vào thành FPT Play. Sự hợp nhất đó trong vòng một năm rưỡi đã tạo tăng trưởng 60%.
Chiến lược mà FPT Telecom đã, đang và phải làm là tiếp tục sáng tạo ra các dịch vụ mới trên nền kết nối của mình và có thể mở rộng ra cả trên nền tảng không phải là kết nối của mình.
SỰ NGẠC NHIÊN PHÍA SAU HÌNH ẢNH ‘ĐÀO ĐƯỜNG, KÉO CÁP’ CỦA FTEL
Thiết lập một bộ phận phần mềm nằm trong Ftel để tạo ra mảng doanh thu mới, nó có gì khác biệt với những gì ông xây dựng ở FSoft?
Khác biệt đầu tiên là ở FPT Software làm sản phẩm dịch vụ mới nhưng thuần túy là viết phần mềm, còn ở FPT Telecom là sự kết nối giữa phần cứng và phần mềm.
Trong hơn 20 năm qua, ấn tượng về FPT Telecom là "đào đường, kéo cáp". Nhưng 10 năm gần đây, FPT Telecom cực kỳ chủ động và tích cực trong việc nghiên cứu sản phẩm mới. Khi về, tôi cực kỳ ngạc nhiên vì cứ nghĩ làm viễn thông Internet chỉ là "đào đường, kéo cáp", hóa ra lĩnh vực này lại rộng lớn, nhiều thứ hay ho thú vị đến vậy.
FPT Play, Truyền hình FPT, gần đây là FPT Camera, Smarthome rồi Foxpay là các sản phẩm mới, không phải do Ban lãnh đạo ốp xuống mà là anh em đề xuất lên: "Anh ơi, em thấy bên Trung Quốc nó làm thế này, thị trường có sản phẩm mới này, em thấy có thể làm được".
Làm được thì thử, thử nhỏ thôi, nếu chết thì chết nhanh, không mất nhiều chi phí nhưng nếu được thì đổ tiền cho anh em làm. Nếu nói về tinh thần kiểu khởi nghiệp trong doanh nghiệp lớn thì có thể nói Ftel là dẫn đầu tập đoàn, anh em rất máu lửa.
Hằng năm vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, năm nào FPT cũng có Innovation Day. Chúng tôi cho anh em 1 năm nghiên cứu làm thử nghiệm các mô hình, chọn 20 ý tưởng xuất sắc nhất rồi dành nguyên 1 ngày ngồi tranh luận, không phải với Ban giám khảo mà là với toàn bộ người trong hội trường, giống như startup đi pitching với các nhà đầu tư ấy.
Mỗi nhà đầu tư được phát 1 triệu gold. Dự án này ông đầu tư 50.000 gold, dự án này ông phát cho 100.000 gold, dự án này ông không đầu tư mà còn… chửi nó. Cuối cùng dự án nào được nhiều gold nhất thì chúng tôi sẽ đầu tư vào nó.
Hoạt động này đã duy trì được 4 năm và mỗi dự án đó sẽ mất 24-36 tháng để tạo ra sản phẩm mới. Bây giờ các sản phẩm từ thiết kế đến bo mạch chúng tôi đều tự làm được, chỉ trừ phần cứng cần thuê gia công ở Đài Loan, Trung Quốc.
Động lực tăng trưởng cho FPT Telecom trong 3 năm tới sẽ là gì?
Nó đến từ 2 mảng: Truyền hình và dịch vụ truyền hình; Dịch vụ cho Doanh nghiệp như đường truyền, Data Center, Managed Services các dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh việc thúc đẩy 2 mảng đó thì FPT Telecom vẫn tiếp tục đầu tư cho các mảng như camera, smarthome để trong vòng 3 năm nữa có thể "thu hoạch". Còn tất nhiên, dịch vụ Internet vẫn là "con bò sữa" nuôi và cung cấp hạ tầng quan trọng thiết yếu để các dịch vụ đó chạy được.
ĐIỀU HẤP DẪN NHẤT VÀ SỨ MỆNH MỚI Ở FPT TELECOM
Ngành viễn thông đã bão hòa và FPT Telecom chưa phải là công ty có mặt bằng thu nhập hấp dẫn nhất thị trường. Vậy điều gì đã khiến cho FPT Telecom tiếp tục là nơi thu hút các tài năng trẻ ngành IT vào làm việc?
Trước tiên, tôi chia sẻ phát hiện lớn nhất khi mới về FPT Telecom. Đầu tiên, tôi nghĩ chắc mình không có mấy việc để làm ngoài đào đường và kéo cáp (những công việc đặc trưng của một nhà cung cấp dịch vụ Internet -PV). Nhưng khi thực sự bắt tay vào làm thì tôi lại thấy có quá nhiều bài toán hay.
Cái đầu tiên là tập khách hàng với hàng triệu hộ gia đình cùng quá nhiều dữ liệu hay. Bây giờ người ta đang nói đến thời kỳ của chuyển đổi số mà bản chất chuyển đổi số là công nghệ trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu lớn, nếu không có dữ liệu lớn thì không làm được gì cả.
Mà giá trị lớn nhất của FPT Telecom hiện nay là sở hữu dữ liệu cực kỳ giá trị. Trên cơ sở những dữ liệu đó, có vô vàn bài toán thú vị có thể tạo ra. Đây chính là điểm mạnh độc đáo của FPT Telecom giúp thu hút và hấp dẫn các bạn trẻ.
Nhiệm vụ của bọn tôi là tạo ra sân chơi, tạo ra các bài toán thật hay để các bạn trẻ về làm. Trong 2 năm gần đây, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để bàn về câu chuyện là mô hình làm việc với Gen Z thì thế nào và bắt đầu đã có Gen A (sinh năm 2005 trở đi) vào FPT Telecom rồi. Rõ ràng, chúng tôi phải thay đổi cách làm để hấp dẫn, giữ được các bạn ấy.
Có rất nhiều yếu tố để thu hút và giữ chân những người trẻ tài năng như thu nhập, vị trí… nhưng theo tôi, đó chính là các thách thức trong công việc. Bài toán nhiều khi càng khó lại càng hấp dẫn các bạn ấy đến với mình, ở lại với mình chứ không thuần túy là câu chuyện thu nhập.
Sáng lập FPT Telecom là ông Trương Đình Anh - vốn nổi tiếng là một người thực dụng và nghiêm khắc. Sau 25 năm phát triển, anh thấy FPT Telecom đã thay đổi để trở thành một công ty có những cống hiến cho xã hội ra sao?
Ngày 8/11/2022, trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập FPT telecom, tôi rất thấm thía chia sẻ của bác Trực (ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Bác có nói: "25 năm FPT Telecom nhìn lại, giá trị đầu tiên mà cá nhân tôi đánh giá cao FPT Telecom là góp phần phá vỡ thế độc quyền về viễn thông ở Việt Nam, mở đường cho các doanh nghiệp, doanh nhân có tư duy đổi mới triển khai dịch vụ viễn thông tới người dân Việt Nam. Ngày hôm nay, từ không đến có, từ Internet Dial up, ADSL cho đến cáp quang bây giờ, tốc độ phát triển Internet Việt Nam nhanh được như vậy thì FPT Telecom là một trong những tác nhân rất tích cực".
Nhìn lại quá trình 25 năm đã qua thì đó có thể coi là đóng góp lớn nhất của FPT Telecom cho xã hội. Trong 5 năm sắp tới, FPT Telecom sẽ tiếp tục sứ mệnh là nâng cao giá trị cuộc sống của người Việt Nam thông qua các sản phẩm dịch vụ của mình.
Đầu tiên là về tốc độ của Internet. Trong chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025 chúng ta phấn đấu đạt tối thiểu 150 Mbps kết nối tại hộ gia đình. Về mặt kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể làm được và khi ấy Việt Nam có thể vào Top 20 thế giới về tốc độ Internet.
Một sứ mệnh thứ hai, điều mà tôi rất háo hức là làm sao đưa truyền hình FPT đóng góp nhiều hơn vào cuộc sống. Ngoài giải trí thuần túy, một lĩnh vực mà cá nhân tôi đặt nhiều kỳ vọng và tạo sức ép cho truyền hình FPT là thể thao.
Trong những năm vừa qua, truyền hình FPT đồng hành với rất nhiều chương trình thể thao đặc biệt là bóng đá. Ngày 1/11/2022, FPT Play công bố đồng hành về bản quyền trong 5 mùa giải của VLeague. Đầu tiên là câu chuyện về kinh doanh, nhưng khi trao đổi với Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, tôi có chia sẻ kỳ vọng: làm sao trong 5 năm tới chúng ta phải dùng công nghệ để thay đổi được cách vận hành, tạo ra giá trị thực sự cho nền bóng đá Việt Nam.
Bây giờ mà mua vé vẫn để người hâm mộ xếp hàng từ 3h sáng, xuyên trưa để nhận vé giấy thì không ổn, phải số hóa hết rồi chứ, để người ta ngồi quán cà phê dùng điện thoại vẫn mua được. Với cầu thủ, quản lý dữ liệu tốt sẽ giúp dự báo được điểm rơi phong độ của chứ không phải đoán nữa…
CHUYỆN KHÔNG AI LÀM THAY ĐƯỢC CỦA CEO FPT TELECOM
2023 dự kiến là một năm vô cùng khó khăn với các doanh nhân nói chung và tình cờ cũng là năm tuổi của ông. Ông có suy nghĩ gì về điều đó?
Thực ra, đã đi làm kinh doanh và ở vị trí Tổng giám đốc như tôi thì lúc nào cũng nhìn thấy cái khó. Đó là thực tế. Làm kinh doanh mà dễ thì không phải là làm kinh doanh nữa rồi. Nhưng sự việc như thế nào sẽ phụ thuộc vào góc nhìn của mình.
Nếu mình nhìn ở góc độ lạc quan để tìm giải pháp thì nó sẽ ra, còn nếu mình nhìn ở góc độ bị quan thì tự nhiên nó bít tất cả lối đi của mình và không thể tìm được giải pháp nữa.
Vào năm tuổi, tôi cũng có đi hỏi các anh chị đi trước thì mọi người đều dặn là: "Khó khăn thì lúc nào cũng có, nhưng cái quan trọng là làm sao giữ được sức khỏe của em". Cái này làm tôi rất tâm đắc, bởi nó cũng là kinh nghiệm tôi từng chia sẻ với các anh em khác ở FPT nói chung và cả ở FPT Telecom nói riêng.
Công việc không làm được sẽ có anh em, bạn bè chia sẻ ngay. Ở gia đình thì dạy dỗ con cái mà mình bận bịu thì vợ, ba mẹ có thể giúp được. Nhưng sức khỏe là cái chỉ duy nhất bản thân lo được cho mình thôi nên phải chăm rèn luyện.
Còn kinh doanh sẽ khó khăn thì đó là câu chuyện chung và bọn tôi cũng xác định từ đầu năm. Tuy nhiên, chúng tôi không giảm mục tiêu tăng trưởng và vẫn đặt chỉ tiêu không thấp hơn năm 2022. Còn bằng cách nào thì có nhiều giải pháp, có những cái chúng tôi đã nhìn ra câu trả lời, nhưng có những cái phải tiếp tục thử và phải thử thật nhanh.
Cá nhân tôi có niềm tin rất lớn vào những giá trị cốt lõi của FPT Telecom. Thứ nhất là tinh thần kỷ luật rất cao, đã quyết định là anh xúm hết cả vào, nghĩ ngày nghĩ đêm để tìm ra giải pháp. Có thể 5 - 7 lần thất bại để có 1 lần thành công thì cũng tốt rồi. Thứ 2 là tính sáng tạo ở FPT Telecom rất cao nên trong 5 năm tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.
Năm cực kỳ khó khăn, lại thêm "năm tuổi" mà ông vẫn đặt mục tiêu cao như vậy có vẻ… bất khả thi?
Trong FPT nói chung và FPT Telecom nói riêng, chúng tôi vẫn nói với nhau như thế này: "Thà mình đặt mục tiêu 10 phần và nỗ lực hết sức, hết sức để được 8 phần còn hơn đặt mục tiêu 5 phần và sau đó kết thúc là 6 phần. Bởi 8 phần vẫn cao hơn 6 phần". Đấy là triết lý mà bọn tôi làm kinh doanh với nhau.
Yếu tố quan trọng số 1 phía sau thành công của FPT Telecom
FPT Telecom có 17 nghìn anh chị em, trải dài trên 63 tỉnh thành của cả nước thì câu chuyện làm việc được với nhau để tạo nên cơ đồ ngày hôm nay, đầu tiên là nỗ lực của tất cả anh em. Thế nhưng, có một câu chuyện làm tôi suy nghĩ mãi, dẫn đến một sự kiện thường niên mới ở FPT Telecom trong 2 năm gần đây.
Tháng 12/2021, sau khi Covid kết thúc, tôi có đi 7 vùng trên cả nước để nói chuyện với các anh em. Mỗi vùng có 11-15 chi nhánh, mỗi giám đốc chi nhánh chỉ được làm nhiệm kỳ tối đa là 6 năm rồi phải luân chuyển. Cũng vì thế, nhiều giám đốc của tỉnh này nhưng là người của tỉnh khác, nên có người 1 tuần về nhà một lần hoặc có khi 1 tháng nếu ở xa. Cá biệt, trong giai đoạn Covid, có những anh em làm giám đốc mà nhà ở tỉnh ngay cạnh nhưng 3 tháng không về nhà được lần nào. Lúc đấy, con ốm đau vợ không dám gọi cho chồng.
Khi biết những câu chuyện ấy, tôi mới bàn với anh Tiến (ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom) và từ năm 2021 tổ chức sự kiện gọi là Family Dinner. Đến ngày giáp Tết, chúng tôi mời gia đình của toàn bộ các giám đốc chi nhánh ở 7 vùng đến ăn bữa tối với lãnh đạo công ty. Anh Tiến, tôi và cả vợ tôi nữa cùng bay vào cùng để ngồi ăn với nhau một bữa tối, để nói với nhau một lời cảm ơn.
Với tôi, đó là một giá trị rất quan trọng của FPT Telecom, giúp chúng tôi có thể đi tiếp một quãng đường dài sau này cùng nhau. Bởi sự ủng hộ của gia đình là yếu tố quan trọng số 1, giúp bọn tôi có thể làm được công việc ngày hôm nay. Sau đại dịch Covid, tôi nhận thấy rất rõ rằng, nếu đằng sau mà không ổn thì không thể nào làm được việc gì cả.