Một công ty thời trang vừa chuyển thành công ty quản lý tài sản và huy động 265 tỷ trái phiếu

Tri Túc | 20:54 19/09/2022

Đơn vị đứng ra mua toàn bộ lô trái phiếu 160 tỷ của Pyxis là CTCP Chứng khoán SmartInvest.

Một công ty thời trang vừa chuyển thành công ty quản lý tài sản và huy động 265 tỷ trái phiếu

Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội, CTCP Quản lý Tài sản Pyxis thông báo đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu 105 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm.

Công ty thời trang trở thành CTCP Quản lý Tài sản SmartInvest

Trước đó, công ty này cũng đã chào bán thành công 160 tỷ trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Trái phiếu của Pyxis là trái phiếu doanh nghiệp "3 không" - không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, được chào bán dưới hình thức bút toán ghi sổ. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 12%/năm.

Trong đó, đơn vị đứng ra mua toàn bộ lô trái phiếu 160 tỷ của Pyxis là CTCP Chứng khoán SmartInvest (AAS). Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động, theo văn bản công bố của Công ty.

Được biết, Pyxis trước kia là CTCP Thời trang & May mặc Demoda.

CTCP Thời trang & May mặc Demoda (sau đổi thành CTCP Quản lý Tài sản Pyxis) được thành lập từ tháng 4/2017, với ngành nghề chính là may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú). Người đại diện theo pháp luật thời điểm này là bà Nguyễn Thùy Linh.

Đến tháng 9/2022, Pyxis tái cấu trúc và đổi tên mới thành CTCP Quản lý Tài sản SmartInvest. Ngành nghề chính cũng chuyển thành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác chưa được phân vào đâu (gồm hoạt động đại diện cho thương nhân và ủy thác mua bán hàng hóa). Bên cạnh đó, Công ty còn hoạt động trong lĩnh vực đại lý, môi giới đấu giá hàng hóa; dịch vụ cầm đồ; tư vấn đầu tư; tư vấn môi giới bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; tư vấn quản lý.

Chứng khoán SmartInvest và kết quả kinh doanh từ trái phiếu

Ở diễn biến khác, CTCP Chứng khoán SmartInvest mới đây gây chú ý đặc biệt với kết quả kinh doanh đi ngược thị trường. Cụ thể, trong bối cảnh các công ty chứng khoán chịu tác động mạnh bởi thị trường, thậm chí hầu hết các đơn vị nhỏ báo lỗ lớn, thì SmartInvest công bố mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 3.733%, đạt 257 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Theo giải trình, lợi nhuận của AAS chủ yếu đến từ hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dù Công ty không thuyết minh cụ thể các hợp đồng trái phiếu đang tham gia nhưng trong năm 2022, HĐQT AAS đã ra nghị quyết thông qua việc mua trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Đức Mai và CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No va (Novaland).

Trong năm 2022, HĐQT SmartInvest đã thông qua kế hoạch dự kiến tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ lên 5.000 tỷ đồng, số tiền thu được dự chi bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường (50% số tiền thu được từ đợt chào bán), cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (30%) và bảo lãnh phát hành chứng khoán (20%).

Theo thông tin công bố, Chứng khoán SmartInvest đã mua trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Đức Mai, CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No va và Pyxis (nay là Quản lý Tài sản SmartInvest) từ đầu năm 2022 đến nay.

Về SmartInvest, tiền thân là CTCP Chứng khoán Gia Anh thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 22 tỷ đồng. Đến năm 2011, Gia Anh đổi tên thành Chứng khoán Hamico. Đến năm 2015, Hamico được đổi tên thành SmartInvest. Mỗi lần đổi tên đều đánh dấu sự thay đổi nhóm cổ đông lớn của công ty.

Sang năm 2021, SmartInvest nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng. Trong đó, hơn 99,7% cổ phần nằm trong tay các cổ đông cá nhân với khoảng 5.430 người.

ass.png
Nguồn: BCTN 2021 của AAS.

Ban lãnh đạo có ông Trần Minh Tuấn (sinh năm 1982) - tiến sĩ kinh tế chuyên ngành Tài chính- Ngân hàng, cổ đông sáng lập SmartInvest đang là Phó Chủ tịch. Cùng với đó, vợ ông Tuấn là bà Ngô Thị Thùy Linh (sinh năm 1982) đang là Chủ tịch HĐQT sau một thời gian giữ chức Tổng giám đốc.

Theo công bố, bà Linh đang nắm 2,076% cổ phần của chứng khoán SmartInvest còn ông Tuấn không sở hữu cổ phần nào. Gia đình ông Tuấn – bà Linh có 5 người con đều còn nhỏ, hiện cũng không sở hữu cổ phần nào của AAS.

Ông Tuấn còn đang được biết đến là Thành viên HĐQT của một số công ty đã niêm yết trên sàn như CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH), CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (DST), CTCP Xăng dầu dầu khí Thái Bình (mã: POB)...  Các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh chưa khởi sắc trong 2 năm trở lại đây và trong quá trình tái cơ cấu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Một công ty thời trang vừa chuyển thành công ty quản lý tài sản và huy động 265 tỷ trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO