Ông Ngô Thế Triệu - Tổng Giám đốc kiêm Tổng Điều hành Đầu tư của Eastspring Việt Nam dự báo các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 15-20% trong năm 2025. Cùng với đó, ông Triệu chỉ ra 4 lĩnh vực triển vọng đầu tư, dựa trên các đánh giá về tình hình kinh tế quốc tế và vĩ mô Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về bối cảnh kinh tế và chính sách tiền tệ Việt Nam trong năm 2025?
Nền kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo duy trì mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% - 7% với động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi của của các ngành trụ cột như ngân hàng, bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản cùng với đà tăng của xuất khẩu và dòng vốn FDI. Các Tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đều nâng mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2025 so với năm 2024, tiếp nối đà tăng trưởng trong Quý IV/2024.
Về đầu tư FDI và cải cách cấu trúc, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, sản xuất và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, song song với sự phát triển của các doanh nghiệp FDI, chúng ta cần quay trở lại với trụ cột tăng trưởng bền vững của nền kinh tế là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Về triển vọng ngành, hoạt động đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông tăng mạnh trong những năm qua và 2025, cùng với tăng trưởng của hoạt động đầu tư FDI, sẽ là cơ sở giúp phát triển mạnh mẽ của ngành logistic, vận tải và kho bãi. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp ngành dịch vụ và thương mại quay trở lại hoạt động năm 2024 tăng mạnh, kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành Du lịch và Dịch vụ. Các ngành công nghệ và chuyển đổi năng lượng vẫn tiếp tục được nhà đầu tư quan tâm.
Bên cạnh các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống là Đầu tư, Xuất khẩu và Tiêu dùng. Năm 2025, những động lực tăng trưởng mới đến từ Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và Sự chuyển đổi của Bộ máy hành chính, sẽ là những yếu tố mới được kỳ vọng giúp bứt phá nền kinh tế.
Về triển vọng Chính Sách Tiền Tệ của Ngân Hàng Nhà Nước, tôi cho rằng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% để dẫn đến tăng trưởng kinh tế 8%, hai vấn đề chính của chính sách tiền tệ trong năm 2025 vẫn là kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.
Các chính sách rào cản thương mại của Mỹ khiến đồng USD tăng giá, ảnh hưởng đến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng nhà nước, tốc độ hạ lãi suất chậm hơn dự kiến của Mỹ cũng ảnh hưởng đến các chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Do vậy, buộc chính sách phải thay đổi linh hoạt để đảm bảo cả hai mục tiêu nêu trên.
Ông kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 sẽ như thế nào?
Với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với động lực tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ linh hoạt và các cải cách thị trường tài chính, dự kiến sẽ đẩy mạnh sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu, tôi kỳ vọng thị trường cổ phiếu Việt Nam sẽ khả quan và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025.
Về động lực tăng trưởng kinh tế, mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao được hỗ trợ bởi sự phục hồi liên tục trong thương mại và sản xuất, các biện pháp kích thích của Chính phủ (như cắt giảm thuế VAT, giảm phí và tăng 30% lương cơ bản của khu vực công), giải ngân FDI mạnh mẽ và sự phục hồi dần trong các hoạt động bất động sản và xây dựng.
Về chính sách tiền tệ và tài khóa, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán, bao gồm lãi suất thấp, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, tăng cung tiền, đầu tư công tăng tốc và kéo dài thời gian cắt giảm thuế VAT.
Về tiềm năng cải thiện năng lực sinh lời của doanh nghiệp, các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 khoảng 15-20%, với mức tăng trưởng tích cực trên toàn bộ các lĩnh vực tài chính và phi tài chính.
Tăng trưởng của lĩnh vực tài chính sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, chất lượng tài sản được cải thiện và thu nhập ngoài lãi cao hơn, trong khi các lĩnh vực phi tài chính sẽ được hưởng lợi từ tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ hơn, sự phục hồi của thị trường bất động sản và khả năng mở rộng biên lợi nhuận.
Tôi cho rằng định giá thị trường ở vùng hấp dẫn. Chỉ số P/E forward 1 năm của thị trường đang ở mức 11x (std -1), so với tỷ lệ P/E trung bình 5 năm là 17,1 lần. Điều này cho thấy cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức giá hấp dẫn, tạo dư địa hấp dẫn về định giá cho các hoạt động đầu tư trung và dài hạn.
Về thu hút dòng vốn, khả năng Việt Nam được FTSE nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới vào tháng 9 năm 2025 sẽ tạo tâm lý tích cực và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ tăng khi Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và minh bạch thị trường.
Ông kỳ vọng vào các lĩnh vực nào trong năm nay?
Thứ nhất là lĩnh vực tài chính. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% của Chính phủ. Lãi suất cho vay sẽ được định giá phù hợp với lãi suất tiền gửi trước đó, cạnh tranh giá không quá gay gắt như giai đoạn 2023 – 2024.
Biên lãi ròng (NIM) dự kiến sẽ cải thiện, trung bình 3,5 – 3,6%. Nếu thị trường bất động sản phục hồi nhanh chóng và các vấn đề pháp lý được giải quyết, sẽ giúp nâng cao chất lượng cho vay và chất lượng tài sản. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế dự kiến là 18%, với định giá P/B ở mức hấp dẫn là 1,14 lần cho năm 2025.
Thứ hai là lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU và APAC sẽ thúc đẩy tăng trưởng cao vào năm 2025. Các công ty sẽ dần đầu trong các giải pháp chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chất bán dẫn với dự báo doanh thu đáng kể. Tăng trưởng thu nhập của các công ty công nghệ thông tin niêm yết được dự báo là 20% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ ba là lĩnh vực hàng tiêu dùng. Hàng tiêu dùng không thiết yếu được hưởng lợi từ lợi thế nhân khẩu học, đô thị hóa và tầng lớp trung lưu mở rộng. Mở rộng kênh bán lẻ và đổi mới sản phẩm, cùng sự phục hồi lượng khách nước ngoài sẽ hỗ trợ tăng trưởng với mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến là 20% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ tư là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Các khu công nghiệp có thể đạt tăng trưởng hai chữ số về doanh số bán đất nhờ xu hướng chuyển dịch của các nhà sản xuất toàn cầu được hỗ trợ bởi các lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp, lực lượng trẻ cùng cơ sở hạ tầng cải thiện.
Theo ông, nhà đầu tư nên chú ý những rủi ro nào khi đầu tư trong năm 2025?
Năm 2025 hứa hẹn sẽ là thời điểm chuyển giao quan trọng, với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn đến từ sự phục hồi và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng, nắm bắt kịp thời các biến động và xu hướng mới để tận dụng cơ hội một cách hiệu quả.
Dù có nhiều điểm tích cực, thị trường vẫn đối mặt với một số rủi ro đến từ các yếu tố bất định từ môi trường quốc tế, đặc biệt là chính sách thuế quan dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, là những rủi ro cần theo dõi kỹ lưỡng. Việc theo dõi sát sao hiệu quả của các chính sách cải cách sẽ là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro và ổn định thị trường.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments (Eastspring Việt Nam) được thành lập vào năm 2005. Eastspring Việt Nam là công ty quản lý quỹ lớn nhất thị trường tính theo giá trị tài sản đang quản lý, hiện đạt gần 180.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD).
Ông Ngô Thế Triệu – Tổng Giám đốc kiêm Tổng Điều hành Đầu tư của Eastspring Việt Nam, có trên 23 năm kinh nghiệm về tài chính và đầu tư, trong đó có hơn 16 năm làm việc cho Eastspring Việt Nam.
Từ 2020 – 2025, Eastspring Việt Nam và Ông Ngô Thế Triệu đã nhận nhiều giải thưởng lớn từ Asia Asset Management (AAM), The Asset Triple A, AsianInvestor như Giải thưởng Công ty Quản lý Tài sản tốt nhất – Hạng mục trái phiếu, do Asia Asset Management vinh danh năm 2025; Giải thưởng Chiến lược đầu tư phát triển bền vững do Asia Asset Management vinh danh năm 2025; Giải thưởng Quỹ mới ra mắt của năm do Asia Asset Management vinh danh; Giải thưởng Thành tích Tốt nhất do Asia Asset Management vinh danh năm 2025 – Tổng Giám đốc của năm, Việt Nam (Ông Ngô Thế Triệu).