Cơ cấu dân số trẻ gần 100 triệu dân, tỷ lệ nhóm trung lưu tăng cùng với sự sôi động của nền kinh tế, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của loạt “tay chơi” bán lẻ trong ngoài nước. Đặc biệt hậu Covid-19, đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp bắt đầu có những tham chiến cho riêng mình.
Nếu Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương tuyên bố sẽ đưa Thiso Retail – Emart Việt Nam trở thành thương hiệu đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam, thì Central Retail cũng không kém cạnh khi rót thêm 1,5 tỷ USD (~ 50 tỷ bath) nhằm thúc đẩy mảng bán lẻ (dù rằng hiện tại Central Retail được đánh giá đã là cái tên rất gần với người tiêu dùng Việt).
Ở diễn biến khác, Masan cho thấy từng bước thúc đẩy tiêu dùng số cho chuỗi WIN (điểm bán lẻ tích hợp) trong công cuộc tiên phong số hoá ngành bán lẻ, hay Lotte (Tập đoàn Hàn Quốc) sau khi rút khỏi Trung Quốc có xu hướng dồn lực khai phá thị trường Việt Nam…
Và AEON, được biết đến với các trung tâm bách hoá tổng hợp quy mô lớn, cũng liên tục “làm mới” mình thông qua việc mở rộng nhiều ngành hàng cũng như nhiều mô hình bán lẻ khác nhau. Dưới góc nhìn của mình, Tổng giám đốc AEON Việt Nam (AVN) – ông Furusawa Yasuyuki - mới đây thẳng thắn nhìn nhận cuộc chơi hiện nay đang đối mặt với rất nhiều đối thủ đáng gờm. Vị này cũng đưa ra những góc nhìn cụ thể với từng doanh nghiệp lớn hiện nay, bao gồm:
Thứ nhất, cạnh tranh về mở rộng mạng lưới
Central Group vừa công bố gói vốn lớn để đẩy mạnh cửa hàng tại Việt Nam. Đại gia Thái Lan này sở hữu hơn 340 cửa hàng với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu m2 trên 40 tỉnh thành Việt Nam, doanh thu tương ứng tăng nhanh chóng từ 300 triệu Baht (8,7 triệu USD) vào năm 2014 lên 38,6 tỷ Baht (1,12 tỷ USD) vào năm 2021.
Ông Furusawa Yasuyuki nhìn nhận, trong khi quy mô AEON ít hơn và tập trung ở thành phố lớn như Hà Nội hay Tp.HCM, thì Central Group đã phủ sóng khắp các tỉnh thành. Central Group cũng rất tích cực gia tăng thị phần và hiện diện của họ tại Việt Nam.
Bên cạnh Central Group, AEON cũng muốn mở rộng mạng lưới để bắt kịp Saigon Co.op.
Saigon Co.op được biết đến là “tay chơi” lớn trong mảng bán lẻ được thành lập vào năm 1989. Mạng lưới hoạt động của Saigon Co.op hơn 1.000 điểm gồm các thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City… Công ty còn là doanh nghiệp bán lẻ dẫn đầu về doanh số với hơn 30.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Thứ hai, cạnh tranh về phát triển sản phẩm
Được biết, Emart được Thaco mua lại từ đối tác Hàn vào năm 2021 và là mảnh ghép cuối cùng cho mô hình “Một điểm đến – Nhiều tiện ích”. Mô hình này theo giới thiệu bao gồm 4 khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị kết hợp căn hộ để ở. Thaco không giấu tham vọng mở rộng hệ thống lên 14 điểm trải dài cả nước vào năm 2026.
Riêng với Emart, AEON Việt Nam đánh giá khá mạnh về danh mục sản phẩm, đặc biệt có nhiều nhãn hàng riêng xuất sứ từ Hàn Quốc. Trong cuộc chiến như vậy, AEON Việt Nam xác định phải nghiên cứu và phát triển nhãn hàng riêng để không bị mất lợi thế.
Đại diện cũng thẳng thắng rằng năm 2022, việc phát triển các nhãn hàng riêng của AEON Việt Nam chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân khách quan do mảng này mới chuyển vào Tập đoàn từ năm ngoái, nên cần thêm thời gian để phát triển.
Mặt khác, Emart mạnh về nhãn hàng riêng song hầu hết là sản phẩm nhập từ Hàn Quốc. Còn chiến lược của AEON Việt Nam sẽ đi theo chất lượng và tiêu chuẩn Nhật, đồng thời không chỉ hàng nhập mà Tập đoàn hướng đến những nhãn hàng riêng được sản xuất tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2022, số lượng nhãn hàng riêng của AEON Việt Nam còn rất ít, đơn cử mảng thực phẩm vào khoảng 500 SKUs (tương tự cho nhóm sản phẩm khác). Tương lai gần, AEON Việt Nam muốn ít nhất nhãn hàng riêng phải đạt được 10% tổng doanh thu bán hàng, so với con số chỉ 1-2% hiện tại.
Thứ ba, cạnh tranh về năng lực phát triển đa dạng loại hình:
Dĩ nhiên, tất cả các tay chơi hiện nay đều khá mạnh về năng lực. Song, ông Furusawa Yasuyuki tập trung nhiều hơn vào Lotte Mart, khi họ vừa bỏ thị trường Trung Quốc để tập trung vào Việt Nam.
Họ không chỉ có kinh nghiệm lớn phát triển các trung tâm mua sắm lớn, mà còn là phát triển văn phòng, khu dân cư… khét tiếng trên thị trường quốc tế.
Cuối cùng, cạnh tranh về mức độ tiện dụng cho khách hàng:
Mảng này nổi trội có WIN của Masan. “Tôi đánh giá WIN liên tục được cải tiến, tích hợp nhiều cũng như mở rộng mạng lưới khá mạnh thời gian qua. Họ định vị là siêu thị gần nhà và thu hút các người dùng xung quanh đó. Ngoài ra, hệ thống WIN còn tích hợp cả dịch vụ ngân hàng, và tích điểm cho khách hang, đó là thế mạnh lớn của WIN”, ông Furusawa Yasuyuki nói.
AEON Việt Nam sử dụng các siêu thị quy mô vừa nhỏ như MaxValu (Hà Nội) và CitiMart (Tp.HCM) là đối thủ chính của WIN. Được biết, nhóm siêu thị này ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong số các mảng kinh doanh của AEON năm 2022. Dù vậy, tỷ lệ đóng góp của nhóm này vào doanh thu chung của Tập đoàn còn khá thấp.
Không khó để lý giải sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP).
Riêng năm 2022, dù gặp nhiều thách thức, song AEON Việt Nam lại đạt được tăng trưởng vượt kỳ vọng – tăng 20% so với thời điểm trước khi có Covid-19 là năm 2019. Theo CEO, đây là thành quả của việc có sự đầu tư mới bên cạnh động thái ứng phó với thị trường, đồng thời 2022 cũng là năm AEON Việt Nam làm kỷ niệm 10 năm với nhiều ưu đãi, thu hút người dùng.
Dù vậy, thành tích 2022 sẽ là áp lực cho năm 2023, khi tình hình dự báo còn nhiều khó khăn. Năm tới, AEON Việt Nam tiếp tục đề kế hoạch có tăng trưởng, và sẽ mở mới 2-3 siêu thị quy mô 5.000m2 (không đầu tư trung tâm bách hoá tổng hợp diện tích lớn).
Dài hơi hơn, xác định thị trường bán lẻ trong tương lai sẽ thay đổi từ điểm tiếp cận đến kênh giao tiếp với khách hàng, AEON Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh cho mạng lưới e-Commerce. Năm 2022, CEO cho biết e-Commerce chưa đạt kỳ vọng vì nhiều lý do, và 2023 sẽ là năm tiền đề để Tập đoàn đẩy mạnh mảng trực tuyến này.