Mùa hè năm ngoái, khi TikTok là đơn vị tài trợ chính của Vidcon - hội nghị thường niên dành cho những nhà sáng tạo nội dung và thương hiệu nổi bật trên ứng dụng video ngắn, Vanessa Pappas là người đã lên sân khấu phát biểu. Nhiều tháng sau đó, khi TikTok bị Quốc hội cho là nguồn cơn gây ra các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật, bà cũng là người đứng ra ‘hứng mũi chịu sào’ với báo giới.
Ngỡ tưởng Pappas là gương mại đại diện cho TikTok trong vài năm biến động vừa qua, song vai trò của bà tại công ty cũng chỉ xếp thứ hai. Người thực sự giữ vị trí Giám đốc điều hành một trong những ứng dụng phổ biến nhất hành tinh trong suốt 2 năm lại là Shou Zi Chew, một doanh nhân đang sinh sống tại Singapore - nơi cách Washington hàng nghìn dặm.
Ở Thung lũng Silicon, các CEO công nghệ thường là gương mặt đại diện cho công ty. Chẳng hạn như khi nhắc đến Mark Zuckerberg, người ta nghĩ ngay đến Facebook và khi nhắc đến Jack Dorsey thì nghĩ ngay đến Twitter (dĩ nhiên là trước khi Elon Musk mua lại nó). Tuy nhiên, ông Chew, người đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành TikTok vào tháng 4/ 2021, phần lớn lại không được chú ý.
Hiện tại, TikTok đang bị giới lập pháp tiểu bang và liên bang Mỹ giám sát chặt chẽ trước những lo ngại về mối quan hệ với Trung Quốc thông qua công ty mẹ ByteDance. Ảnh hưởng của họ đối với những người dùng trẻ tuổi cũng được cho là một trong những nguyên nhân.
Theo đó, ứng dụng video ngắn không được phép xuất hiện trên các thiết bị của nhân viên liên bang, bị chặn bởi hàng chục trường đại học trên cả nước và thậm chí đứng trước rủi ro bị xóa sổ khỏi các cửa hàng ứng dụng Mỹ. Điều này gây áp lực lớn lên Chew, sau khi người đàn ông này nhận một loạt những lá thư chỉ trích từ các thượng nghị sĩ Mỹ. Chew cũng được cho là đã bị giới hạn quyền hành kiểm soát tại TikTok và công ty mẹ.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại hội nghị thượng đỉnh DealBook của New York Times vào cuối tháng 11, Chew được hỏi liệu có đang làm việc “theo lệnh của ByteDance hay chính phủ Trung Quốc”. Đáp lại, vị CEO này nói: “Tôi chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định chiến lược tại TikTok.”
Ông nói thêm rằng ByteDance được “tổ chức giống như mọi công ty internet khác”, bao gồm các nhà đầu tư toàn cầu, hội đồng quản trị cổ đông và đại diện nhân viên. “Tôi chịu trách nhiệm về các quyết định tại TikTok,” Chew nhấn mạnh lại, “Tôi cũng phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông và hội đồng quản trị nữa”.
Trong các cuộc phỏng vấn, Chew tự mô tả mình là một ông bố hai con, thích chơi golf và đọc sách vật lý. Những gì xảy ra với TikTok thời gian gần đây càng khiến người ta tò mò về vị CEO này.
Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp Mỹ vào tháng 6, TikTok dường như đang cố gắng tạo khoảng cách với ByteDance, đồng thời khẳng định nó được dẫn dắt bởi “Giám đốc điều hành toàn cầu Shou Zi Chew - một công dân Singapore đang sống tại Singapore”.
Đây không phải là lần đầu tiên TikTok nhắc đến quốc tịch của Shou Zi Chew. Vào năm 2020, khi phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, TikTok cũng nhiều lần tự phòng vệ bằng cách nhắc đến “CEO người Mỹ” Kevin Kevin Mayer - cựu Giám đốc điều hành Disney.
Theo CNN, Mayer giữ vị trí giám đốc điều hành TikTok chỉ 3 tháng trước khi từ chức. Bà Pappas, chuyên gia có kinh nghiệm làm việc tại các nền tảng công nghệ lớn như YouTube của Google, khi đó tạm thời giữ chức vụ giám đốc toàn cầu của TikTok trong vòng chưa đầy 1 năm. Sau đó, Chew lên làm CEO.
“Tôi nghĩ rằng họ chọn Chew vì, thẳng thắn mà nói, ông ấy không phải là người Trung Quốc. Singapore khá giỏi về mặt địa chính trị”, Ivan Kanapathy, cựu lãnh đạo tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều đó là đủ đối với Washington”.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Singapore, Chew học đại học và tốt nghiệp MBA tại Harvard hồi năm 2010. Cơ duyên gắn bó với Thung lũng Silicon bắt đầu khi chàng thanh niên này thực tập tại Facebook.
Sau đó, Chew trở thành Giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi - công ty mà ông giúp niêm yết vào năm 2018. Năm 2013, Chew trở thành một trong những nhà đầu tư sớm nhất của ByteDance.
Trong một cuộc phỏng vấn với ông trùm kinh doanh David Rubenstein, Chew cho biết ông đã giữ liên lạc với nhóm nhân sự ByteDance trong suốt sự nghiệp của mình và cuối cùng được mời lên làm Giám đốc tài chính. Chew đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành TikTok vào tháng 4 năm 2021, trong khi bà Pappas được bổ nhiệm làm COO.
“Với tư cách là Giám đốc điều hành TikTok, tôi tập trung vào việc xây dựng lòng tin,” Chew nói với Rubenstein. “Chúng tôi là một công ty trẻ và tôi nghĩ niềm tin là thứ mà chúng tôi cần đạt được”.
Dẫu vậy, trong 3 năm qua, sự thiếu hụt lòng tin của DC với TikTok càng thêm sâu sắc, đồng thời kéo theo một loạt các cáo buộc về bảo mật và quyền riêng tư người dùng. Trước đó, 2 nhân viên ở Mỹ và 2 nhân viên ở Trung Quốc đã bị sa thải vì hành vi truy cập trái phép vào dữ liệu của người dùng Mỹ, trong đó có hai nhà báo.
“Niềm tin của công chúng mà chúng ta bỏ nhiều công sức để xây dựng đã bị hủy hoại đáng kể bởi hành vi sai trái từ một số cá nhân”, Liang Rubo, Giám đốc điều hành ByteDance, viết cho nhân viên trong một email nội bộ.
Theo: CNN, BI