Câu chuyện bi hài khi sa thải hàng loạt người kế vị của tỷ phú xe điện Nhật Bản và nỗi lo đến Masayoshi Son cũng phải đau đầu

Băng Băng | 15:59 22/11/2022

Theo Bloomberg, cuộc chiến vương quyền tại các tập đoàn lớn ở Nhật Bản đang ngày một phức tạp khi các tỷ phú tự thân khó lòng từ bỏ kiểm soát khi đã nắm quyền quá lâu.

Câu chuyện bi hài khi sa thải hàng loạt người kế vị của tỷ phú xe điện Nhật Bản và nỗi lo đến Masayoshi Son cũng phải đau đầu

Tỷ phú Shigenobu Nagamori, nhà sáng lập đế chế Nidec Corp trị giá 37 tỷ USD chuyên sản xuất xe điện, thiết bị điện tử và ổ cứng đã từng nói đùa rằng mình sẽ sống đến năm 120 tuổi. Thế nhưng ở tuổi 77, nhà sáng lập này đã phải tìm người kế vị cho mình, nhưng câu chuyện có vẻ loằng ngoằng chẳng kém việc Elon Musk mua-không mua rồi lại mua Twitter.

Nắm quyền quá lâu

Tháng 11/2019, tỷ phú Nagamori đã mời giám đốc Jun Seki của Nissan Motor ăn tối tại nhà hàng hạng sang thuộc sở hữu của mình ở Kyoto. Tại đây, Nagamori đã mời Seki trở thành giám đốc vận hành (COO) cho Nidec và nếu mảng sản xuất xe điện của họ phát triển thì vị trí CEO sẽ là của Seki.

Lời mời này từ nhà sản xuất xe điện nổi tiếng Nhật Bản là quá hấp dẫn với Seki, dù tỷ phú Nagamori đã có tiền lệ sa thải 3 vị giám đốc được cho là sẽ kế nhiệm ông trước đó. Vậy là vị giám đốc này từ bỏ Nissan để đến với đế chế Nidec.

600x-1-2-.jpg
Ông Jun Seki và tỷ phú Nagamori 

Theo những gì Seki kể lại, ông quá ấn tượng với hành trình làm giàu của Nagamori khi khởi nghiệp đế chế Nidec từ nhà kho của gia đình. Chính vì sự kính trọng này cũng như mong muốn được kế vị Nagamori mà Seki thậm chí chấp nhận làm với mức thu nhập chưa bằng một nửa so với thời ở Nissan.

Sau 18 tháng, Seki được lên chức CEO của Nidec, trước thời hạn so với dự tính của nhiều người và tưởng chừng như lịch sử sẽ không lặp lại. Thế nhưng không, tỷ phú Nagamori lại một lần nữa gây áp lực khiến Seki nghỉ việc chưa đầy 1 năm sau đó, tức là vị CEO thứ 4 rời bỏ Nidec.

Hãng tin Bloomberg cho biết câu chuyện của Nidec chỉ là một trong vô vàn những trường hợp tương tự tại Nhật Bản khi tầng lớp tỷ phú, giám đốc không kiếm được người kế vị mình. Tốc độ lão hóa nhanh cùng sự khác biệt về quan điểm khiến rất nhiều tỷ phú tự thân Nhật Bản không biết để lại đế chế của mình cho ai thì hợp lý.

Theo thống kê, khoảng 2/3 số doanh nghiệp Nhật Bản không định hình được tầng lớp kế cận. Ngay cả nhà sáng lập Masayoni Son của SoftBank hay tadashi Yanai của Fast Retailing cũng đối mặt với vấn đề tương tự.

“Khi bạn là nhà sáng lập của một công ty hàng đầu Nhật Bản và nắm quyền quá lâu thì rất khó để từ bỏ sự kiểm soát của mình với doanh nghiệp cho người kế vị”, giáo sư Yoshihito Takahashi của trường đại học Senshu nhận định.

Hậu quả của tình trạng này là có sự đối lập mạnh mẽ trong cách điều hành của công ty, gây ra những xung đột và kết quả là hàng loạt người kế vị phải ra đi.

Theo Bloomberg, câu chuyện của Nidec cũng là bài học đáng nhớ cho các nhà đầu tư theo trường phái Warren Buffett. Khi nhà đầu tư đổ tiền dài hạn cho một công ty thì sẽ đến lúc các nhà sáng lập già đi để rồi thất bại trong việc chuyển giao quyền lực.

“Khoảng thời gian 2 năm rưỡi qua là thất bại lớn nhất của tôi. Lựa chọn người kế vị như vậy quả là một sai lầm”, tỷ phú Nagamori thừa nhận sau sự ra đi của Seki.

Lựa chọn hợp lý

Đế chế của Nagamori khá nổi tiếng tại Nhật Bản khi tham gia mọi ngành nghề, từ thiết bị điện tử cho đến nhà máy điện. Tỷ phú Nagamori cũng chiếm đến 85% thị phần ổ cứng cho ô tô và muốn biến lợi thế này sang mảng xe điện. Ngành xe điện được dự báo là sẽ có tổng giá trị 6,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và là miếng bánh béo bở cho Nidec.

600x-1-1-.jpg
Trụ sở của Nidec tại Kyoto

Trong khi đó, Seki là một giám đốc có thâm niên ngành xe hơi. Bản thân ông đứng thứ 3 trong top những giám đốc quyền lực nhất của Nissan và đang vận hành chi nhánh Trung Quốc trước khi sang Nidec. Vị giám đốc này cũng có công lớn khi hồi sinh Nissan sau sự ra đi của cựu CEO Carlos Ghosn năm 2018, bởi vậy việc đưa ông lên làm giám đốc giúp Nidec chuyển hướng xe điện thành công là điều hợp lý với Nagamori.

Mọi chuyện khởi đầu cũng khá thuận lợi với Seki trong năm đầu tiên khi Nidec bắt đầu chuyển hướng sang xe điện. Tỷ phú Nagamori khi đó đặt mục tiêu 10 nghìn tỷ Yên doanh số vào năm 2030 và các nhà đầu tư cũng mù quáng tin theo nhà sáng lập nổi tiếng này. Cổ phiếu của Nidec tăng đến 73% trong năm đó khi Nidec được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những tay chơi lớn của ngành ô tô điện.

Kết thúc năm tài khóa vào tháng 3/2021, doanh thu của Nidec đạt 1,6 nghìn tỷ Yên, tương đương 11,4 tỷ USD.

Vài tháng sau đó, Nagamori bắt đầu nói với mọi người về việc chuyển giao quyền lực. Vị tỷ phú với tổng tài sản trị giá 5,1 tỷ USD này, chủ yếu là nhờ cổ phiếu Nidec, sẽ chỉ nắm giữ vai trò chủ tịch và nhường lại ghế CEO cho Seki.

“Seki là một người kế nhiệm đáng tin cậy, phong cách điều hành của cậu ấy khá giống tôi”, Nagamori tự hào nói.

Thế nhưng chỉ 1 ngày sau đó, mọi thứ đã trở nên tồi tệ khi cổ phiếu của Nidec giảm hơn 5% trong 1 phiên. Nguyên nhân được cho là do lợi nhuận hoạt động ước tính của hãng thấp hơn so với dự đoán của các nhà phân tích. Ngoài ra, việc Nagamori rời bỏ vị trí quản lý cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Xin được nhắc là dưới thời vị tỷ phú này, cổ phiếu của Nidec đã tăng 33 lần trong 30 năm, vượt qua cả những tên tuổi lớn như Panasonic. Bởi vậy sự ra đi của ông tạo áp lực lên những người hâm mộ nhà sáng lập.

Kể từ đây, mối bất hòa giữa Nagamori và Seki bắt đầu.

Xung đột tư tưởng

Trước Seki, tỷ phú Nagamori cũng đã mang một giám đốc khác từ Nissan về là Hiroyuki Yoshimoto, để rồi lật ngược quyết định, “đày” ông này sang Mỹ để tự viết đơn xin nghỉ việc. Hai trường hợp người kế nhiệm trước đó cũng lâm vào tình trạng tương tự.

600x-1(1).jpg
Ông Hiroyuki Yoshimoto và tỷ phú Nagamori 

Theo Bloomberg, phong cách quản lý của tỷ phú tự thân Nagamori khá khác biệt so với Phương Tây và theo đường lối cũ tại Nhật Bản. Cụ thể, nhân viên sẽ không bao giờ bị sa thải vì thiếu khả năng làm việc, đổi lại họ phải tuyệt đối trung thành cũng như chấp nhận mọi yêu cầu từ cấp trên. Điều này đồng nghĩa với thời gian làm việc dài hơn, ít ngày nghỉ, họp hành cả vào cuối tuần hay thậm chí là cả khi các dự án đã hoàn thành xong.

Kiểu quản lý tôn thờ lòng trung thành này khiến Nagamori khó lòng từ bỏ kiểm soát với Nidec và cũng khó kiếm được người kế vị ưng ý. Sau khi giá cổ phiếu lao dốc, Nagamori bắt đầu đổi giọng chỉ trích người kế nhiệm vì đã không đủ nỗ lực nhằm giữ giá cổ phiếu, yếu tố chính làm nên giá trị tài sản của ông.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Nagamori than phiền Seki không gây áp lực đủ lớn lên nhân viên dù người kế nhiệm này mới nắm quyền được 3 tháng. Mặc dù những yếu tố như giá nguyên liệu tăng, thiếu chip và dịch bệnh khiến tình hình kinh doanh yếu hơn dự kiến nhưng Nagamori lại không muốn hạ mức lợi nhuận mục tiêu.

Thậm chí, vị tỷ phú này còn gây áp lực mạnh hơn lên Seki cùng đội ngũ nhân viên, đồng thời nâng mức dự báo doanh số, lợi nhuận của công ty lên cao hơn nữa.

Đến mức này, Seki buộc phải thừa nhận cách duy nhất làm được điều đó là Nidec phải đầu tư lớn cho công nghệ cũng như mở rộng sản lượng. Vị giám đốc này tin vào kế hoạch sản xuất 20 triệu chiếc ô tô điện của Tesla vào năm 2030 và cho rằng đây là cơ hội lớn cho Nidec trở thành nhà cung ứng.

Vậy nhưng sau khi đốt hàng tỷ USD cho mảng này, Nagamori đã không còn kiên nhẫn nữa. Ông yêu cầu Seki phải đem về lợi nhuận hàng quý để làm hài lòng cổ đông và nâng giá cổ phiếu, dù những khoản đầu tư trên chỉ có thể phát huy tác dụng trong tương lai.

Sự độc đoán này đã khiến Seki cùng đội ngũ gặp khó khăn trong bối cảnh tình hình thị trường chung không lạc quan. Vào cuối năm 2021, Nagamori bắt đầu bày tỏ sự thất vọng với người kế vị và thậm chí yêu cầu Seki sang Đức để giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt, qua đó cho thấy sự “thất sủng”.

Cũng từ đây, vị tỷ phú yêu cầu toàn thể nhân viên đọc 1.000 lần cuốn “The Challenging Road”, quyển sách giải thích triết lý kinh doanh của Nagamori.

Đến tháng 1/2022, những tin đồn liên quan đến việc Nagamori sẽ sa thải Seki khiến giá cổ phiếu giảm 25% và các nhà đầu tư gây áp lực để nhà sáng lập này phải làm hòa với CEO của mình. Sau một cuộc thảo luận, Nagamori đề nghị Seki quay trở lại làm COO trong vòng 3 năm để thay đổi tình hình tại Nidec trước khi có đánh giá mới và người kế nhiệm này đồng ý. Bản thân Nagamori thì quay trở lại làm CEO.

Về phía Seki, vị giám đốc này dù đắng chát nhưng vẫn tôn trọng quyết định của nhà sáng lập.

2022-11-22_154103(1).png
Giá cổ phiếu Nidec, yếu tố quan trọng định giá tổng tài sản của nhà sáng lập Shigenobu Nagamori

Thất bại?

Ngay khi quay trở lại, Nagamori thắt chặt quản lý chi tiêu khi yêu cầu xét duyệt mọi khoản chi, cho dù nhỏ nhất. Xin được nhắc là chi phí hoạt động thường niên của Nidec lên đến 1,6 tỷ USD/năm và việc xét duyệt này cực kỳ tốn công sức.

Bất chấp sự quay lại của Nagamori trong vai trò CEO, cổ phiếu của Nidec vẫn giảm 32% tính đến tháng 7/2022 và khiến nhà sáng lập này ngày càng sốt ruột.

Như một hệ quả tất yếu, Seki tiếp tục bị đem ra chỉ trích và Nagamori đã thăng chức cho một nhân viên mới lên làm COO thay Seki vào cuối tháng 8. Đến tháng 9/2022, người kế vị từng được kỳ vọng 1 thời này xin thôi việc.

“Seki chẳng bao giờ đạt được mục tiêu đề ra cả. Thay vì xin lỗi khi không đủ nỗ lực thì cậu ấy lại cho rằng mục tiêu quá cao. Điều này chẳng khác nào một vận động viên tự đặt ra rào cản cho mình và không dám vượt qua vậy”, tỷ phú Nagamori nói.

Dẫu vậy, giá cổ phiếu của Nidec vẫn giảm đến 36% kể từ đầu năm đến nay bất chấp Nidec công bố mức doanh số kỷ lục và lợi nhuận liên tiếp 5 quý.

Chuyên gia Zuhair Khan của Union Bancaire Privee nhận định trong thời buổi khó khăn như hiện nay thì nhà đầu tư khá cẩn trọng khi chi tiền chứ không hoàn toàn liên quan đến kết quả kinh doanh. Thêm nữa, cổ phiếu của Nidec dựa quá nhiều vào danh tiếng của Nagamori cũng là vấn đề.

“Nếu Nagamori bất ngờ qua đời thì cổ phiếu Nidec sẽ sụp đổ nhanh chóng”, chuyên gia Khan cảnh báo.

*Nguồn: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Câu chuyện bi hài khi sa thải hàng loạt người kế vị của tỷ phú xe điện Nhật Bản và nỗi lo đến Masayoshi Son cũng phải đau đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO