Nhà thiết kế Lữ Hiểu Huy lớn lên ở vùng quê Lệ Thủy, Chiết Giang, Trung Quốc. Sau khi lớn lên, anh tới Hàng Châu để làm việc và sinh sống. Tại đây, anh gặp được người bạn đời yêu dấu, cùng cô ấy kết hôn và có kết tinh bé nhỏ cho tình yêu của họ.
Năm 2005, khi đứa trẻ được 2 tuổi, vợ chồng anh đưa ra 1 quyết định bất ngờ: Rời thành phố và chuyển đến sống ở Núi Mogan.
"Tôi nảy ra ý định đó vào năm 2005. Tình trạng tắc đường ở Hàng Châu rất nghiêm trọng. Chất lượng không khí cũng không tốt. Vì vậy, tôi bỗng nghĩ đến câu nói: ‘Chim bay mỏi cánh thì trở về rừng’. Tôi muốn được như vậy," người đàn ông cho biết.
Ngôi nhà của họ nằm ẩn mình giữa núi đồi, xung quanh rợp bóng cây xanh.
Nội thất ngôi nhà vẫn rất hiện đại và đầy đủ tiện nghi.
Núi Mogan cách Hàng Châu hơn 60km và cách Thượng Hải chỉ chưa đầy 2 giờ lái xe. Nơi đây nổi tiếng với những khu nhà trọ kiểu homestay, thường được mọi người tìm đến tránh nóng vào mùa hè.
Lữ Hiểu Huy nói: "Khi đó, con tôi mới 2 tuổi nên cả nhà có thể di chuyển rất nhanh. Nếu muộn vài năm nữa, khi con đã vào mẫu giáo, mọi chuyện đã đi vào khuôn khổ và hệ thống thì sẽ khó đưa ra quyết định hơn nhiều."
"Cuộc sống ở thành phố mang đến cho mọi người sự riêng tư, nhưng ở nông thôn, chúng ta sống thiên về tình cảm hơn. Mười năm qua, chúng tôi đã cố gắng hết sức để duy trì sự cân bằng giữa hai bên và tìm ra một 'mức độ' khiến bản thân thoải mái."
"Thành phố đúng là tiện lợi hơn, đặc biệt là về giáo dục và y tế. Tuy nhiên, tôi vẫn thích rủ bạn bè ra khỏi thành phố, đặc biệt là những người có thể làm việc từ xa. Khi buồn chán và mệt mỏi, họ đều có thể đến đây, coi như nghỉ xả hơi."
Thỉnh thoảng, cả hai thư thả ngồi uống trà giữa núi đá.
Cả nhóm bạn cùng tụ tập cắm trại, vui đùa bên nhau.
Những góc nhỏ thư giãn của gia đình.
Cả ngôi nhà và studio của Lữ Hiểu Huy đều được cải tạo từ nhà cũ của người dân địa phương. Anh vừa tiến hành thay mới, vừa cố gắng giữ vẹn nguyên vẻ đẹp mộc mạc của kiến trúc nơi đây.
Ngôi nhà đã không có điều hòa trong mười năm. Mái nhà được thêm lớp cách nhiệt, mở cửa sổ mái, kính cách nhiệt có tác dụng cách âm, cách nhiệt, đồng thời đưa thêm giếng trời vào bên trong.
Vào mùa đông, họ dùng lò sưởi để sưởi ấm. Núi rừng hào phóng cho anh rất nhiều củi khô, có thể chế biến thành chất đốt, được xếp thành từng chồng gọn gàng bên cạnh lò.
Hành lang ngoài trời gần như được giữ nguyên, chỉ bố trí lại với các vật dụng của gia đình.
Phần lớn nội thất cũng là hàng "địa phương".
Cảnh sân đầy thư giãn.
Trong 14 năm kể từ khi chuyển tới Núi Mogan, người đàn ông đã chứng kiến sự thay đổi nhiều không kể xiết của vùng núi yên bình này. Từ những ngôi làng và thị trấn không có gì nổi bật, nơi đây dần khoác lên mình vẻ sống động hơn. Những ngôi nhà đổ nát trong thung lũng được cải tạo lại, trở thành những nhà trọ, khu nghỉ dưỡng với các phong cách khác nhau. Một vài căn trong số đó là homestay do chính anh thiết kế.
"Người dân địa phương bắt đầu nhìn thấy khả năng phát triển ngay tại nơi này, mà không cần phải bỏ quê lên thành phố. Họ biết cách dùng những ngôi nhà được thiết kế đẹp mắt, mang đặc trưng rõ rệt của vùng thôn quê, có thể thu hút nhiều người thành phố đến nghỉ dưỡng. Từ đó, họ có thể kiếm thêm thu nhập tại địa phương."
Anh nói: "Nhìn lại mấy chục năm qua, có lẽ tôi đã đi con đường nhiều người đã đi. Bắt đầu từ vùng quê 1.0, tôi đến thành phố 2.0. Sau một thời gian dài ở thành phố, tôi lại nhớ trạng thái tự nhiên của sông núi và quyết định trạng thái sống 3.0 của mình.
Ngoài kia, vẫn có nhiều người khao khát thiên nhiên nhưng không muốn từ bỏ sự tiện lợi và tài nguyên của thành phố. Vậy trạng thái 3.0 của họ ở đâu?"
Lữ Hiểu Huy cũng không có câu trả lời cụ thể. Nhưng anh ấy đã nhìn thấy những lối sống mới từ sự phát triển liên tục của Núi Mogan.
Người đàn ông đã chứng kiến sự thay đổi nhiều không kể xiết của vùng núi yên bình này.
"Xu hướng trở về với nông thôn đã tác động nhiều tới lối sống của người trẻ, từ những kỳ nghỉ đơn giản đến thể thao ngoài trời, giáo dục thiên nhiên. Giờ đây, có cả những người du mục kỹ thuật số. Với sự trợ giúp của Internet, mọi người có thể đi bất cứ đâu mà vẫn đảm bảo công việc của mình. Họ sẵn sàng đến biển, lên núi, sống như một người du mục với chiếc laptop trên tay. Tôi không biết đó có phải là sự thay thế cho cuộc sống thành phố hay không, nhưng rõ ràng, mọi người đang có nhiều sự lựa chọn hơn."
Với cá nhân KTS họ Lữ, anh thích sự tự do trong công việc vẽ tranh, và thiên nhiên trở thành động lực để anh làm tốt việc này.
"Con gái tôi cũng đang học ký họa. Tôi luôn nói với bé rằng: Muốn làm người sáng tạo thì phải giữ một tâm hồn thoải mái, ham khám phá, đừng để bản tính dễ bị mai một, đóng khung".
*Nguồn: Onetiao