Mới đây, cặp vợ chồng Michelle (42 tuổi) và Ryan (43 tuổi) đã liên hệ với chương trình podcast “I Will Teach You to be Rich” để xin lời khuyên từ chuyên gia, tỷ phú tự thân Ramit Sethi về tình hình tài chính của gia đình.
Ryan, người chồng, kiếm khoảng 140.000 đô la mỗi năm và là trụ cột tài chính của gia đình. Tổng tài sản ròng của cặp đôi hiện đạt khoảng 970.000 đô la. Với thu nhập và tài sản "khủng" như vậy, ít ai tin được rằng họ vẫn đang "vật lộn" với chi phí sinh hoạt hàng tháng.
“Nếu cứ tiếp tục tình trạng này chúng tôi sẽ phải rút tiền từ tài khoản tiết kiệm ra để chi tiêu, chúng tôi không biết phải thoát khỏi tình trạng này thế nào nữa!”, người chồng Ryan nói.
Sau cuộc trò chuyện, chuyên gia Sethi chỉ ra 3 nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối tài chính của họ:
Không bao giờ nói “KHÔNG” với con
“Chúng tôi yêu con mình và dành rất nhiều tiền để chúng thấy điều đó. Chúng tôi không bao giờ từ chối chúng điều gì”, cặp đôi này nói. “Bố mẹ không có đủ tiền để mua thứ đó đâu”, “Bố mẹ không có tiền” là những câu nói không có trong từ điển của họ.
Bên cạnh đồ dùng thiết yếu như sữa, tã, họ còn dành phần lớn ngân sách cho những thứ mà họ gọi là “lặt vặt” như kính râm cho trẻ em, dụng cụ chơi bóng đá, lốp xe đạp,...chỉ để phục vụ việc vui chơi giải trí của các con. Những hóa đơn mua sắm online chỉ khoảng 15 - 30 đô la mỗi lần nhưng cứ cộng dồn lại cho đến khi vượt quá thu nhập hàng tháng của họ.
“Hãy tập nói KHÔNG với con, điều này không chỉ giúp các bạn tiết kiệm mà còn giúp con bạn có cái nhìn đúng đắn về vấn đề tiền bạc khi chúng lớn lên”, chuyên gia Sethi đề nghị.
Muốn cắt giảm chi tiêu nhưng thấy cái gì cũng cần thiết
Theo chuyên gia tài chính Sethi: “Cố gắng cắt giảm tối đa chi phí hàng ngày là đúng, tuy nhiên cần nhìn vào bức tranh bao quát hơn”.
Vấn đề không chỉ ở việc chi tiêu không kiểm soát mà còn do cả hai không đánh giá được đâu là chi phí thực sự cần thiết. Khi được hỏi về các khoản có thể cắt giảm, Michelle tỏ ra lúng túng vì cô cho rằng khoản nào cũng quan trọng.
Cặp đôi đã từng chi một khoản tiền lớn để mua thiết bị lọc không khí đắt tiền vì nghĩ nó tốt cho sức khỏe của cả gia đình, hay chiếc ô che bãi biển cỡ lớn để phục vụ sở thích du lịch.
“Đó là nguyên nhân khiến mọi thứ vượt tầm kiểm soát”, Sethi nói. “Rất khó để cắt giảm chi tiêu khi chúng ta cố thuyết phục bản thân rằng những lần ‘xuống tiền’ đó thực sự cần thiết”.
Vị chuyên gia này đề nghị cặp đôi nhìn lại một lượt tất cả hóa đơn của mình trong tháng và dần dần giảm những chi phí đó xuống 50% trong vòng 6 tuần để cải thiện tình hình.
Dành quá nhiều tiền cho quỹ tiết kiệm, đầu tư
Chuyên gia Sethi hiếm khi nói với ai rằng họ tiết kiệm quá nhiều, nhưng trong trường hợp của Michelle và Ryan, đây lại là một phần của vấn đề.
Michelle tự hào vì đã xây dựng được khoản tiết kiệm và đầu tư nhờ duy trì thói quen tốt trong suốt những năm 20 tuổi. Cô cho biết Ryan không quản lý tiền bạc tốt như mình, nhưng anh đã mua nhà trước khi họ đến với nhau.
Nhờ đó, cặp đôi tích lũy được khoảng 585.000 đô la tài sản, bao gồm ngôi nhà và gần 468.000 đô la trong quỹ hưu trí và các khoản đầu tư khác.
Tại thời điểm ghi âm podcast, họ dành 14% thu nhập sau thuế cho tiết kiệm và đầu tư. Dù đây là một chiến lược tốt, nhưng nó không phù hợp với chi tiêu hàng tháng của họ.
“Thật đáng mừng là các bạn có thói quen tiết kiệm và đầu tư tốt”, Sethi nhận xét. “Tuy nhiên các bạn đã có đủ tiền để về hưu ngay cả khi dừng lại từ bây giờ, việc giảm bớt các khoản đầu tư hàng tháng sẽ giúp các bạn có đủ dòng tiền để trang trải chi phí cần thiết và tự tin chi tiêu cho những thứ quan trọng khác”.
Theo CNBC