Canh bạc mới của Warren Buffett ở tuổi hơn 90: Châu Á!

Phương Linh | 10:59 25/05/2023

Gần đây, bên cạnh các công ty Mỹ, Warren Buffett bắt đầu tăng đầu tư trực tiếp tại châu Á.

Canh bạc mới của Warren Buffett ở tuổi hơn 90: Châu Á!

Với Antonius Budianto, một nhà đầu tư cá nhân tại Indonesia, giấc mơ đã trở thành hiện thực khi ông lần đầu tiên có mặt tại Omaha, bang Nebraska (Mỹ). Tại đây, ông là một trong hơn 30.000 người tham dự đại hội cổ đông thường niên của công ty Berkshire Hathaway vào ngày 6/5.

Trong buổi họp này, Warren Buffett, vị CEO kiêm chủ tịch 92 tuổi của Berkshire - người hiếm khi rời Omaha, sẽ đưa ra nhiều lời khuyên về đầu tư, dự báo về nền kinh tế cũng như chia sẻ triết lý sống của mình.

Danh mục đầu tư cổ phiếu của Berkshire cũng gắn liền với nước Mỹ giống như chính Buffett. Trong danh mục đầu tư trị giá 328 tỷ USD tính tới cuối tháng 3 của công ty này, 77% nằm ở 5 cổ phiếu Mỹ gồm Apple, Bank of America, American Express, Coca-Cola và Chevron.

Tuy nhiên, gần đây, bên cạnh các công ty Mỹ, Buffett bắt đầu tăng đầu tư trực tiếp tại châu Á. Khoản đầu tư đầu tiên tại châu lục này của Berkshire được thực hiện vào năm 2002 với công ty dầu khí Trung Quốc PetroChina, tiếp đó là hãng thép Hàn Quốc Posco vào năm 2006 (kéo dài 1 thập kỷ). Năm 2008, Buffett đầu tư vào nhà sản xuất xe điện BYD có trụ sở tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Châu Á hiện đóng góp phần lớn vào tăng trưởng danh mục đầu tư của Berkshire và nhiều khả năng sẽ đón nhận những động thái tiếp theo của vị tỷ phú 92 tuổi.

Một động thái gần đây liên quan tới châu Á của Berkshire cũng gây chú ý lớn với những người tham dự đại hội cổ đông. Đó là Berkshire đã bán cổ phiếu tại công ty sản xuất chip Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) chỉ vài tháng sau khi mua 4,1 tỷ USD cổ phiếu vào năm 2022. Trong báo cáo quý gửi cơ quan chức năng vào tháng 5, TSMC không còn nằm trong danh mục của công ty.

Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia khi tới Nhật vào giữa tháng 4, Buffett cho biết quyết định này xuất phát một phần từ vấn đề địa chính trị. Ông đã quyết định đánh giá lại khoản đầu tư này vì không thích địa điểm đặt trụ sở của TSMC, dù đánh giá đây là “một trong những công ty được quản lý tốt nhất và là một công ty quan trọng trên thế giới”.

Cùng lúc đó, tỷ phú Mỹ tăng đầu tư vào 5 tập đoàn lâu đời của Nhật lên 7,4%, gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi Corp., Mitsui & Co. và Sumitomo Corp. Tính tới ngày 19/5, tổng giá trị vốn hóa của cổ phần doanh nghiệp Nhật trong danh mục của Berkshire là 2,1 nghìn tỷ Yên (tương đương 15,2 tỷ USD) - là khoản đầu tư lớn nhất bên ngoài nước Mỹ của công ty.

“So với Đài Loan, tôi có cảm giác tốt hơn về số vốn mà chúng tôi đã đầu tư tại Nhật”, Buffett chia sẻ tại đại hội cổ đông. Dù không trực tiếp đề cập tới vấn đề địa chính trị, nhưng ông nói rằng “chúng tôi đã đánh giá lại (khoản đầu tư tại TSMC) dựa trên một số sự kiện đang diễn ra”.

TẠI SAO LẠI LÀ NHẬT BẢN?

Theo Buffett, một trong những điều khiến các công ty thương mại Nhật Bản trở nên hấp dẫn là “có thể hiểu được” bởi có nhiều điểm tương đồng với chính Berkshire. Cũng giống như các tập đoàn Nhật, Berkshire Hathaway là một công ty cổ phần nắm giữ nhiều tài sản.

Mitsui và Sumitomo đều có nguồn gốc từ thế kỷ 17. Từng là một nhà bán lẻ kimono ở Edo, (Tokyo ngày nay) hiện Isetan Mitsukoshi Holdings là một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất Nhật Bản. Trong khi đó, Sumitomo khởi đầu là một hiệu sách và hiệu thuốc ở Kyoto, sau đó mở rộng lĩnh vực kinh doanh khai thác và tinh chế đồng, tiền thân của công ty khai thác kim loại Sumitomo ngày nay.

Còn Itochu và Marubeni từng là một công ty. Ra đời vào cuối thời đại Tokugawa, công ty chuyên bán vải gai dầu ở vùng Kansai, Nhật Bản và tới thế chiến thứ 2 tách ra làm đôi. Mitsubishi là công ty có tuổi đời nhỏ nhất trong số 5 công ty, ra đời vào những ngày đầu của thời đại Minh Trị, chuyên kinh doanh dịch vụ vận chuyển.

Cũng giống 5 công ty này, Berkshire là một “đế chế” gồm 6 mảng hoạt động gồm bảo hiểm, đường sắt; tiện ích và năng lượng; sản xuất; phân phối thực phẩm bán buôn; dịch vụ và bán lẻ. Berkshire sở hữu và vận hành các doanh nghiệp như công ty bảo hiểm ô tô GEICO, See's Candies và Burlington Northern Santa Fe (BNSF) - một trong những công ty đường sắt lớn nhất Bắc Mỹ.

Với việc đầu tư vào Nhật Bản, Berkshire được hưởng lợi từ tín dụng rẻ. Công ty này đã huy động vốn tại đây thông qua một loạt thương vụ trái phiếu địa phương trong 5 năm qua, được hưởng mức lãi suất rẻ hơn đáng kể so với tại Mỹ, nhờ đó loại bỏ rủi ro về tiền tệ.

“Mọi thứ đang rất tốt”, ông Buffett nói tại đại hội cổ đông. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mới tại Nhật”.

ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP TẠI TRUNG QUỐC

Buffett hiếm khi đi ra khỏi nước Mỹ. Chuyến đi tới Nhật gần đây là lần thứ hai ông tới quốc gia này kể từ tháng 11/2011, sau thảm họa động đất sóng thần tại Fukushima và khu vực Đông Bắc nước Nhật. Từ năm 2008, ông đã đầu tư vào nhà máy sản xuất công cụ cắt Tungaloy có trụ sở tại Fukushima thông qua IMC Group - công ty thuộc quyền kiểm soát của Berkshire.

Trong chuyến thăm gần đây, Buffett đã đến Tungaloy cùng với Greg Abel, phó chủ tịch Berkshire và cũng là người sẽ kế nhiệm ông sau này. Tuy nhiên, Tungaloy từ chối bình luận về chi tiết chuyến thăm của tỷ phú Mỹ.

Ngược lại, các công ty thương mại được Berkshire đầu tư háo hức tiết lộ với truyền thông những thông tin liên quan tới Buffett.

“Trong bối cảnh địa chính trị hiện tại với sự biến động tăng lên đáng kể, chúng tôi cần các dịch vụ phức tạp hơn để gia tăng giá trị mới cho các đề xuất kinh doanh. Việc này không giống như thời điểm toàn cầu hóa đơn giản diễn ra”, ông Kenichi Hori, chủ tịch kiêm CEO của Mitsui với báo chí hôm 2/5.

Cả 5 công ty Nhật mà Berkshire đầu tư đều có mối quan hệ làm ăn ở nhiều mức độ khác nhau với Trung Quốc. Các hoạt động kinh doanh liên quan đến tài nguyên thiên nhiên của các công ty này đều phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc và cả 5 đều đang đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc.

Cựu chủ tịch của Itochu thậm chí từng là đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc. Trong gần một thập kỷ, công ty này cũng có mối quan hệ liên kết chiến lược với tập đoàn nhà nước Trung Quốc Citic và Charoen Pokphand Group - tập đoàn Thái Lan có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc.

Ông Richard Kaye, cố vấn danh mục đầu tư và chuyên gia phân tích tại Comgest Asset Management Japan, cho rằng còn có một lý do khác khiến Berkshire chọn đầu tư vào các công ty thương mại hàng đầu Nhật Bản. Đó là các công ty này có thể đóng vai trò như "bên đại diện" để Berkshire tiếp cận Trung Quốc bởi các kết nối và tương tác kinh doanh giữa hai quốc gia rất gần gũi.

"Nhật Bản là nền tảng tốt nhất thế giới để đầu tư vào sự tăng trưởng của Trung Quốc”, ông Kaye - người đang quản lý danh mục đầu tư chứng khoán Nhật trị giá 10 tỷ Yên tại Comgest Asset Management Japan - nói.

Cam kết của Berkshire đối với Nhật Bản khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường chứng khoán nước này. Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật đã tăng gần 40% kể từ khi Buffett tiết lộ các khoản đầu tư của Berkshire vào 5 công ty trên vào cuối tháng 8/2020. Chỉ số này đã vượt mốc 30.000 và đang tiến đến mức cao nhất mọi thời đại từng đạt được vào tháng 12/1989.

“Thị trường chứng khoán Nhật đã mất 30 năm trở lại mốc này”, ông Toby Rodes, đồng sáng lập quỹ đầu tư tập trung vào Nhật Bản Kaname Capital có trụ sở tại Boston (Mỹ), nói. "Chứng khoán Nhật đã rẻ hơn rất nhiều so với lần gần nhất đạt được mốc điểm này. Đó là lý do ông Buffett và nhiều nhà đầu tư bị thu hút, bởi họ nhìn thấy giá trị thực”.

Với thị trường Trung Quốc, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa quốc gia này với Mỹ thời gian qua, ông Buffett dường như đã chuẩn bị sẵn sàng để đầu tư dài hạn trong bối cảnh mới.

"Chúng tôi mới chỉ bắt đầu cuộc chơi này", tỷ phú 92 tuổi chia sẻ.

Nguồn: Nikkei

Bài liên quan

(0) Bình luận
Canh bạc mới của Warren Buffett ở tuổi hơn 90: Châu Á!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO