Theo dữ liệu mới từ cơ quan Tín dụng TransUnion (Mỹ), chi phí sống và học tập ngày càng tăng cao khiến Gen Z là trở thành thế hệ gặp áp lực tài chính lớn nhất từ trước đến.
Thế hệ Gen Z sinh từ năm 1997-2012 đang phải sống dựa vào các hình thức “đảo nợ”: Họ vay tín dụng để thanh toán các hóa đơn, các khoản nợ trong ngắn hạn, để rồi rơi vào vòng quẩn quanh không hồi kết: Nợ vẫn hoàn nợ.
Thế hệ đáng thương hơn là đáng trách!
Charlie Wise - Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng toàn cầu tại TransUnion, nói với Wall Street Journal: “So với thế hệ Millennials ở thời điểm cách đây 1 thập kỷ, hiện tại, Gen Z đang cảm thấy căng thẳng khủng khiếp về vấn đề tài chính.
Một cách dễ hiểu hơn, khi cùng ở độ tuổi 23 chẳng hạn, mức độ căng thẳng của thế hệ Millennials chỉ ở mức 3 chẳng hạn, thì con số tương đương với Gen Z có thể là 6 hoặc 9”.
Theo quan điểm của Wise, gánh nặng nợ nần nói chung đã trở thành nỗi ám ảnh với toàn bộ người Mỹ, Gen Z chỉ là thế hệ cảm thấy áp lực nhất vì họ còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm xoay sở với nợ nần.
Các khoản thanh toán nợ tối thiểu hàng tháng trung bình của người tiêu dùng Hoa Kỳ đã tăng 32% từ năm 2020 đến năm 2023. Điều này dễ dàng vượt qua tỷ lệ lạm phát 18% trong cùng thời kỳ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, Gen Z còn gặp thêm một cú shock khác: Tốt nghiệp Đại học và tham gia vào thị trường lao động trong thời kỳ bất ổn.
Với thế hệ Baby Boomers (những người hiện tại trên 60 tuổi), việc các khoản thanh toán dư nợ hay chi phí sống tăng lên 11% là điều “có thể chấp nhận, cố gắng được”; thì với thế hệ Gen Z trong độ tuổi 18-29, tỷ lệ tăng của các khoản nợ hoặc chi phí sống là 74% - Theo dữ liệu của TransUnion.
Dữ liệu của Bank of America cũng đưa ra kết luận tương tự: Gen Z đang sống rất bấp bênh. Có đến 1/4 Gen Z xứ cờ hoa luôn trong tình trạng “vay chỗ nọ, đập chỗ kia”. Nếu không phải là vay tín dụng thì cũng là vay người thân, bạn bè vì bản thân chẳng có tiền tiết kiệm hay quỹ dự phòng cho những tình huống khẩn cấp.
Thiếu thốn đủ bề, Gen Z chẳng còn dám nghĩ tới những viễn cảnh hạnh phúc
Trong cuộc khảo sát về thói quen kiếm tiền, chi tiêu của Bank of America được công bố vào tháng 10/2023: Cứ 4 người thì có 3 người cho biết họ đã thay đổi thói quen chi tiêu để bù đắp chi phí sinh hoạt, bằng cách thực hiện những việc như thường xuyên nấu ăn ở nhà, hạn chế mua hàng tạp hóa và cả quần áo, mỹ phẩm.
Các chuyên gia nhận định tình hình tài chính khó khăn của Gen Z không chỉ tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác, điển hình như việc lập gia đình muộn; thậm chí, có người còn không nghĩ tới việc kết hôn và sinh con do tiềm lực tài chính không ổn định.
Việc không thể xây dựng nền tảng tài chính an toàn cũng là lý do chính khiến kế hoạch lập gia đình bị trì hoãn, vô tình góp phần làm giảm tỷ lệ sinh vốn đã rất thấp ở Mỹ.
Trong danh sách 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới được công bố vào đầu tháng 4 vừa qua, Mỹ hoàn toàn “rơi” khỏi top 20 - điều chưa từng có tiền lệ trước đây. Công ty nghiên cứu thị trường Gallup cho rằng tâm lý tiêu của thế hệ người trẻ dưới 30 tuổi về tương lai của chính họ, chính là một trong những yếu tố khiến xứ cờ hoa không còn xuất hiện trong danh sách 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Arthur Brooks - Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, đồng thời là đối tác nghiên cứu của Gallup, cũng khẳng định: “Chưa bao giờ tôi thấy một thế hệ trẻ suy nghĩ bi quan và kém hạnh phúc đến thế”.
Theo The Fortune