Cảng biển nước sâu lớn nhất miền Bắc chính thức hoạt động
Chiều ngày 6/2, tàu ISL Dubai với kích thước 216m, trọng tải 319.000 DWT là tàu container đầu tiên chính thức cập Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng, đánh dấu một cảng của Việt Nam trên bản đồ cảng biển container nước sâu thế giới, gia tăng lựa chọn cho các hãng tàu và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi vận chuyển hàng hoá container trực tiếp đi Mỹ, Châu Âu.
![98-1738913747-2.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/07/98-1738913747-2.jpg)
Khởi công vào tháng 8/2022 và sau gần 30 tháng triển khai, cảng Hateco là cảng nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam với các thiết bị cẩu dàn STS và RTG lớn nhất - hiện đại nhất thế giới; với phần mềm quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ số một thế giới; với hệ thống tự động OCR đầu tiên tại Việt Nam. Cảng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200.000DWT.
Bến số 5, 6 là dự án cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc do Tập đoàn Hateco đầu tư. Cảng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 02/2025 với tên giao dịch là Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT).
Với tổng diện tích cảng lên đến 73ha, cầu bến dài 900m, độ sâu trước bến từ -16,8m đến -18,4m, cảng này có khả năng tiếp nhận cùng lúc 2 tàu container cỡ lớn lên tới 200.000 DWT (≥ 18.000 TEU), chiều dài tàu tối đa 400m.
Đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 29,9 triệu TEU, tăng 21%.
Trong đó ba cảng của Việt Nam (TP. HCM, Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải) nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Hệ thống cảng biển cũng đã được quy hoạch đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các trung tâm và vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Hải Phòng là thành phố có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc, lớn thứ hai cả nước. Hệ thống cảng biển tại đây cũng là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam tham gia vào vành đai Thái Bình Dương, có chiều dài cầu cảng 11,53km; với hơn 40 cảng và 69 cầu cảng.
![anh-4-1738891938564260112147-1738904234.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/07/anh-4-1738891938564260112147-1738904234.jpg)
Bên cạnh cảng nước sâu Hateco vừa chính thức vận hành, Hải Phòng còn có hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực cảng biển như VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship, PHP... Trong đó, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) có tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU và chiếm 30% thị phần.
Cảng Hải Phòng (PHP) hiện đang sở hữu 3 cảng có tổng công suất 2,1 triệu TEU/năm, chiếm 25,5% công suất khai thác toàn cảng Hải Phòng. Khi bến 3 và 4 cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất của Cảng Hải Phòng lên 3,2 triệu TEU/năm.
Hiện, các doanh nghiệp cảng Hải Phòng có hơn 100 tuyến dịch vụ hàng hải đi nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới. Trong đó, dịch vụ cảng biển-logistics sẽ là một trong ba trụ cột phát triển của Hải Phòng bên cạnh công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế.