Mỗi buổi chiều, Muhammad Al Misned rời văn phòng ở Doha để lên chiếc du thuyền màu trắng và đi đến ngôi nhà thứ 2 của mình. Căn “dinh thự” của ông có mặt tiền không khác gì lâu đài, với 3 bể bơi, 2 sân bóng đá, sân chơi bowling, chuồng ngựa, sân bóng chuyền và một hàng rào cây cối được cắt tỉa cẩn thận. Nhà của Al Misned vẫn còn rất nhiều đồ xa xỉ khác.
Chia sẻ với New York Times, ông cho biết ngôi nhà ở thị trấn phía bắc Al Khor này đã giúp ông có thời gian nghỉ ngơi, kể từ khi World Cup 2022 diễn ra biến Qatar thành một nơi náo nhiệt suốt ngày đêm. Sau khi giải đấu kết thúc, ông sẽ đến London, thuê một PT để tập thể dục và kiểm soát calo cho mỗi bữa ăn. Nhưng cũng như ngôi nhà trên sa mạc này, Al Misned miêu tả rằng mọi thứ khá... bình thường.
Ông nói: “Tôi không phải là người giàu có.”
Thế hệ đổi đời nhờ dầu mỏ
Với thế hệ trước ở Qatar, thì việc tự thấy mình không giàu sang khi có cuộc sống xa xỉ như thế là một điều kỳ lạ. Trong phần lớn thế kỷ 20, quốc gia này chẳng khác gì một sa mạc cằn cỗi, chỉ toàn những ngư dân và thợ lặn tìm ngọc trai để kiếm sống ở Vịnh Ba Tư.
Sau đó, nhờ phát hiện ra các mỏ khí đốt ở ngoài khơi bờ biển phía bắc vào những năm 1970, trùng với thời điểm thị trường năng lượng bùng nổ, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn với quốc gia này.
Người dân Qatar hiện nằm trong nhóm có thu nhập trung bình cao nhất thế giới, được hưởng dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí, chính phủ hỗ trợ nhà ở, có công việc nhẹ nhàng. Qatar cũng hỗ trợ tài chính cho cả các cặp đôi mới cưới và nhiều khoản trợ cấp hào phóng khác.
Phần lớn tài sản cá nhân của các gia đình Qatar đều được “cất giữ” rất cẩn thận, họ hiếm khi tiết lộ cho người ngoài. Tuy nhiên, quốc gia này cũng xảy ra tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Dù chỉ có diện tích bằng bang Connecticut của Mỹ, nhưng sự khác biệt giữa “2 thế giới” ở Qatar rất rõ ràng. Mức lương tối thiểu của lao động nhập cư là 275 USD, còn người dân Qatar là khoảng 115.000 USD.
Như một công nhân xây dựng người Thổ Nhĩ Kỳ từng nói, không có định nghĩa người Qatar nghèo, chỉ có người giàu, giàu hơn và giàu nhất. Tuy nhiên, Al Misned lại khẳng định rằng, theo tiêu chuẩn của Qatar, ông không phải người giàu có.
Al Misned lớn lên ở Al Khor. Tại đây, cha của ông làm việc trong ngành xây dựng và nuôi dạy các con trong một ngôi nhà gạch bùn lụp xụp.
Khi ông ở độ tuổi thiếu niên, nhà nước Qatar đã kiếm được rất nhiều tiền từ xuất khẩu dầu và bắt đầu tài trợ cho các sinh viên tiềm năng nhất theo học các trường đại học ở nước ngoài. Chính sách này nhằm đào tạo một thế hệ người Qatar giỏi tiếng Anh, có thể dễ dàng tương tác với các nhà đầu tư phương Tây.
Al Misned đã theo học tại trường đại học ở Colorado và hiện sở hữu một công ty tư vấn, cùng các khoản đầu tư vào các dự án xây dựng ở khắp Qatar, Anh và Mỹ.
Ngôi nhà trên sa mạc của ông cách Doha chỉ khoảng 1 giờ lái xe. Cánh cổng của căn nhà nguy nga như một lâu đài, có bảo vệ canh gác. Đằng sau đó là một khu vườn xanh tốt, với những bụi cây lớn được chia cắt bởi những con đường rợp bóng cây cọ.
Khuôn viên của căn nhà thậm chí còn có một phòng gym. Trải rộng khắp khu bất động sản này là 1.000 con cừu, 8 con linh dương Ả Rập, 4 con ngựa, 2 con lạc đà và 1 con chim ưng.
Ông chia sẻ: “Tôi từng nói rằng, khi có tiền, tôi muốn xây một trang trại và một khách sạn cho riêng mình để ở. Bởi vậy, nếu bạn đến Doha thì nhà của tôi như một khác sạn nhỏ."
Ở giữa chuồng ngựa và phòng gym, Al Misned rẽ vào một con đường, băng qua một bãi cỏ nguyên sơ dẫn lối đến các phòng nghỉ cho khách. Khi gặp những người giúp việc của ngôi nhà - đến từ Nam Á và Đông Phi, Al Misned đều nói lời chào với họ.
Những người giúp việc trong nhà của Al Misned là một phần của dòng người di cư, giúp định hình lại dân số Qatar trong những thập kỷ gần đây.
Người Qatar thích sự riêng tư
Khu bất động sản sang trọng này cũng là một ví dụ rõ ràng miêu tả về thế hệ của ông Al Misned. Nhiều người trong số họ thậm chí còn lớn lên trong những khu nhà không có điện nhưng giờ đây đang lái siêu xe, sống trong biệt thự.
Sự đảo ngược hoàn toàn trong cuộc sống của người dân Qatar dường như tạo ra một nỗi sợ hãi cho chính họ, như thể sự giàu có có thể tan biến nhanh như cách nó xuất hiện. Bởi vậy, họ liên tục chi tiền và tiêu xài cho những thứ xa hoa.
Cuối buổi chiều hôm đó, vợ ông Al Misned, cùng các con gái và một số người thân là nữ đã tập trung tại căn dinh thự để theo dõi trận bóng đá giữa Qatar và Senegal. Nhóm đàn ông đã rời khỏi khu vực này theo phong tục của Qatar
Còn nhóm phụ nữ thì nằm dài trên ghế sofa trước một chiếc TV lớn. Cứ vài phút, những người giúp việc với váy đồng phục màu tím mang ra những khay đầu kẹo, cappuchino được rót trong những chiếc cốc viền vàng và một bình cafe kiểu Ả Rập. Đến giờ nghỉ giải lao, nhóm phụ nữ bước ra ngoài dạo chơi quanh khu nhà trên những chiếc xe golf.
Họ xem bóng đá mà không có tiếng hò reo, không có tiếng vỗ tay dù đây là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Một cô gái chia sẻ: “Mọi người ở đây ai cũng biết nhau, chúng tôi không muốn tự làm mình xấu hổ.”
Khi được hỏi rằng đã đến thăm khu chợ ở Doha chưa - nơi có rất đông khách du lịch nước ngoài, một cô gái trẻ trong nhóm nói rằng cô không đến đó vì có nhiều phóng viên nước ngoài và không muốn họ chụp ảnh. Cô muốn có sự riêng tư.
Nhìn chung, người dân Qatar đều thích sự riêng tư và tĩnh lặng như vậy. World Cup 2022 là một sự kiện khiến cuộc sống của họ đảo lộn hoàn toàn, những niềm vui “trong nhà” giờ đây được thể hiện ở bên ngoài dù chủ yếu là du khách nước ngoài.
Khi trận đấu kết thúc, nhóm khách cũng rời đi. Họ khoác những chiếc áo abaya bên ngoài quần jean và áo lụa, tay xách túi Hermes và tiến ra ngoài cổng.
Tham khảo NYT