Cận cảnh con kênh dài nhất TP.HCM trước khi được hồi sinh bằng 8.200 tỷ

Tô Cường | 08:32 09/03/2023

Sau khi nạo vét, kè bê tông, làm đường, bến thuyền, con kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có thể trở nên xanh trong tương tự như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Cận cảnh con kênh dài nhất TP.HCM trước khi được hồi sinh bằng 8.200 tỷ

Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên dài khoảng 31,5 km và là kênh dài nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi chảy qua 7 quận huyện phía tây, kênh đổ nước vào sông Sài Gòn. Từ năm 2001, giai đoạn một của dự án cải tạo con kênh này đã diễn ra với việc giải phóng mặt bằng, nạo vét, đắp bờ đất hai bên, xây dựng cửa xả thoát nước. 

Sau đó, dự án bị đình trệ cho đến tận tháng 2 năm nay mới có thể tiếp tục. Điều này đã khiến con kênh dài nhất thành phố Hồ Chí Minh bị ô nhiễm, rác thải, lục bình lấp kín hai bờ kênh khiến việc thoát nước gặp khó khăn. Trong ảnh là một đoạn kênh chảy qua phường Bình Hưng Hoà 2.

Ông Kiên, người đã sống tại quận Bình Tân hơn 40 năm cho biết ngày xưa nước trong kênh trong vắt, không có rác thải cũng như mùi hôi thối như bây giờ. Nhưng khi người dân ở đây càng đông thì con kênh lại càng ô nhiễm. 

Hơn thế nữa, nhiều tuyến đường ven bờ kênh vẫn còn là đường đất, với nhiều ổ gà gây cản trở việc đi lại của người dân. 

Ông Kiên hi vọng thành phố sẽ cải tạo để toàn bộ con kênh được hồi sinh như khúc Kênh Nước Đen - một nhánh của kênh Tham Lương chảy qua phường Bình Hưng Hòa. Đoạn kênh này được cải tạo năm 2007, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo cảnh quan và môi trường xung quanh hai bờ kênh. 

Còn bà Hằng (64 tuổi) sống ở dọc bờ kênh Tham Lương chia sẻ trước đây, UBND phường nhiều lần phát động trồng cây xanh và dọn dẹp nên kênh đã bớt mùi hôi thối. Nay chính quyền cho cải tạo toàn bộ, tuy mất chỗ trồng rau nhưng bà thấy mừng vì khu phố sẽ sạch sẽ hơn.

Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban Đô thị), cho biết hiện giai đoạn 2 đã được khởi công chính thức, với các đơn vị thực hiện việc xây dựng tuyến kè bờ kênh dài 63,11 km, nạo vét kênh suốt chiều dài tuyến 31,46 km và mở rộng đáy kênh từ 30m trở lên (đoạn từ cảng Phú Định đến cầu Trường Đại) và trên 40 m (đoạn từ cầu Trường Đại đến sông Sài Gòn). Trong ảnh là đoạn kênh chảy qua cảng Phú Định đổ ra Kênh Đôi, một kênh lớn khác tại TP.HCM.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM  cho biết cùng với cải tạo tuyến kênh, dự án sẽ hình thành đường giao thông 2 bên bờ kênh với tổng chiều dài 63,41 km, mặt đường rộng từ 7 - 12 m (chủ yếu là 12 m), vỉa hè rộng trên 3m. 

Đồng thời xây dựng 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến; các nút giao thông cùng các công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… Ảnh phối cảnh dự án sau khi hoàn thành.

Việc cải tạo, làm đường hai bên bờ kênh, cũng sẽ giảm ùn tắc cho những tuyến nội thành TP.HCM. Đơn cử như đoạn qua cầu Tham Lương 1 thuộc đường Trường Chinh, một trong những tuyến đường huyết mạch của quận Tân Bình. Ảnh phối cảnh dự án sau khi hoàn thành.

Dự án nâng cấp và cải tạo kênh mang tính lịch sử của TP.HCM sẽ giúp cải thiện môi trường sống và giảm tình trạng ngập úng cho các khu vực lân cận. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống đường giao thông hai bên bờ kênh giúp di chuyển thuận tiện và nhanh chóng đến các khu vực khác trong thành phố. Đây là những yếu tố sẽ mở ra nhiều cơ hội để xây dựng những khu đô thị, khu căn hộ cao cấp dọc theo bờ kênh. 

Ảnh phối cảnh dự án sau khi hoàn thành.

Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng các công trình công cộng và tiện ích xung quanh như các bến thuyền, công viên, thu hút khách hàng đến với các dự án bất động sản ven kênh.


(0) Bình luận
Cận cảnh con kênh dài nhất TP.HCM trước khi được hồi sinh bằng 8.200 tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO