Cầm 500k dắt nhau mua vải Ninh Hiệp về khởi nghiệp, cặp đôi nên duyên rồi biến cửa hàng hộ gia đình thành chuỗi thời trang tên tuổi

Phương Thúy | 09:32 10/08/2023

Có lẽ cũng vì yêu và ủng hộ người mình yêu, nên từ khi hai đứa yêu nhau, lúc nào Quang Tiền cũng mơ ước sẽ mở được cho bạn gái Thanh Huyền một cửa hàng thời trang trên phố lớn để nàng thỏa sức sáng tạo với đam mê.

Cầm 500k dắt nhau mua vải Ninh Hiệp về khởi nghiệp, cặp đôi nên duyên rồi biến cửa hàng hộ gia đình thành chuỗi thời trang tên tuổi

Hơn 10 năm về trước, Nguyễn Quang Tiền là sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến trúc. Còn Hoàng Thanh Huyền là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ bé Huyền đã là cô bé mơ mộng, yêu hoa và cái đẹp, nhất là các món đồ về thời trang. Ngay từ khi học cấp 2, Huyền đã tự tay làm ra những cái hộp, chiếc túi xinh xinh để bán cho bạn bè.‏

‏Lên đại học, niềm đam mê làm những món đồ handmade ngày càng lớn. Huyền mày mò làm nhiều chủng loại sản phẩm mà trong mỗi sản phẩm đều chứa đựng nhiều tâm huyết và tình cảm của cô. Thấy đồ của Huyền làm đẹp lại không bị "đụng hàng" nên người này mách người kia, khách hàng đến với Huyền ngày càng nhiều.‏

‏Trong nhóm bạn chơi cùng nhau, Tiền là sinh viên Kiến trúc lại thích chụp ảnh, hiểu biết về công nghệ nên các sản phẩm của Huyền làm ra được Tiền chụp lại để giới thiệu bạn bè. Lúc đầu họ là chỉ là bạn bè, nhưng sau thời gian gắn bó giúp nhau, hai người trở nên thân thiết và yêu nhau lúc nào không hay.

‏"Có lẽ chúng tôi yêu nhau vì cùng thấy được giá trị của nhau. Tôi thì làm ra sản phẩm, còn anh ấy thì biết chụp ảnh, chắp cánh đưa sản phẩm tới mọi người"- Huyền nói vui.‏

‏Huyền nhớ lại, thời gian đầu, cả hai đều là sinh viên nghèo, vốn ban đầu chỉ có vỏn vẹn 500.000 VNĐ. Lúc đó Huyền nghĩ đến việc lên phố Hàng Bồ mua cả cuộn chun to bản để làm cạp váy. Sau đó, hai người chở nhau sang chợ Ninh Hiệp, vào sâu trong chợ để tìm mua các miếng vải voan có hình hoa độc lạ để về may chân váy bán cho các bạn sinh viên. Mỗi chân váy giá 70.000 VNĐ, khách đông đến nỗi Huyền không làm kịp hàng để bán.‏

‏"Hồi ấy, anh Tiền chở tôi trên chiếc xe máy sang chợ Ninh Hiệp, mua vải voan với 110.000 VNĐ/kg. Một kg vải voan thì nhiều vô kể, tôi may được đến mấy chục cái chân váy. Vải được chọn đều là những miếng voan lẻ, độc lạ nên chân váy thường rất lạ và đẹp, khách mua đông đến nỗi mấy bác ngoài ngõ cứ kháo nhau không biết tôi buôn bán gì mà đông khách đến nhà như thế. Hồi đó tôi kiếm tiền triệu/ngày khá dễ dàng", nữ CEO nhớ lại.

‏Cùng với may chân váy, Huyền làm thêm các sản phẩm khác như túi xách handmade để bán. Khi làm xong túi, Huyền thường đem giới thiệu cho những nhóm bạn bè. Mọi người dùng thấy thích, rồi lại chia sẻ cho nhau. Nhờ thế, khách hàng của Huyền ngày càng đông lên. ‏

‏"Ngày đó không có mạng xã hội, facebook để giới thiệu sản phẩm như bây giờ nên cứ có một người gọi là tôi không ngại mang hàng đến tận nơi để họ xem. Mọi người thấy tiện, lại còn là ‘hàng độc’ nên thích dùng và giới thiệu nhau. Cứ mỗi khách giới thiệu được thêm 2-3 người là doanh thu của tôi tăng theo cấp số nhân rồi".‏

‏Sau khi cưới nhau, Tiền nung nấu thực hiện ước mơ mở cửa hàng thời trang trên phố cho vợ. Vốn liếng lúc bấy giờ chỉ có khoảng 30-40 triệu VNĐ nhưng Tiền đã dám thuê 1 cửa hàng trên phố Bà Triệu với giá thuê là 38 triệu VNĐ/tháng. ‏

‏"Ban đầu, chủ nhà yêu cầu nộp tiền 3 tháng/lần, nhưng may mắn là sau khi trao đổi, họ cho mình nộp trước một tháng. Hai vợ chồng không có tiền thuê người nên tự đảm nhận hết các khâu từ thiết kế, may đồ, chụp ảnh, làm mẫu, quảng bá sản phẩm và cả hạch toán thu chi. Công việc thuận lợi, hàng tháng hai vợ chồng cũng có một khoản thu nhập khoảng vài chục triệu VNĐ. Số tiền đó lúc ấy cũng khá dư dả để chi tiêu và trang trải cuộc sống", Tiền nhớ lại.

‏Sau 4 năm kinh doanh kiểu hộ gia đình, Quang Tiền và Huyền cảm thấy công việc quá an nhàn, dẫn tới nhàm chán, mất hết động lực sáng tạo. Hai người ngồi lại để bắt đầu cho một sự thay đổi.‏

‏Đầu tiên, họ xác định sẽ chuyển đổi phương thức kinh doanh theo chuỗi cửa hàng.‏

‏"Để thay đổi được cũng là một cuộc cách mạng cực kỳ lớn trong tư tưởng của cả hai vợ chồng. Chúng tôi xác định phải tự lớn lên. Khi đã tư duy làm chuỗi thì phải điều chỉnh mọi thứ, từ nhân sự, quy mô, quảng bá… Trước đây hai vợ chồng làm tất cả công việc, nhưng bây giờ dần tìm cách chuyên nghiệp hóa từng khâu, chuyển giao nhiệm vụ cho nhân viên. Rồi hai người dắt nhau đi học đủ các khóa từ marketing, kinh doanh, quản lý tài chính như thế nào", anh Tiền cho biết.

‏May mắn lớn nhất là cả hai vợ chồng đều có chung ý tưởng và quan điểm kinh doanh. Họ tin rằng: "Sở hữu tiền không sang trọng bằng sở hữu một tổ chức". Vì thế, cả hai tập trung cho việc mở rộng quy mô cửa hàng, đào tạo nhân sự làm việc theo phương châm chuyên nghiệp và tận tâm. ‏

‏"Tôi muốn mỗi người làm việc trong công ty phải luôn cảm thấy thoải mái, tự hào về môi trường để từ đó làm việc bằng sự tận tâm và tử tế", anh Tiền tâm sự.‏

‏Đến nay, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, chuỗi cửa hàng thời trang Adore của vợ chồng họ đã mở rộng tới 31 điểm bán hàng và hàng trăm nhân sự. ‏

‏Hơn một thập kỷ với rất nhiều khó khăn, từ việc thiếu vốn kinh doanh, đến sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm trên thị trường, rồi những khó khăn bất ngờ ập đến do dịch Covid-19… nhưng chuỗi cửa hàng thời trang Adore vẫn đứng vững và ngày càng phát triển.

‏Có lẽ, yếu tố quyết định đầu tiên cho sự phát triển này là các sản phẩm của Adore có thiết kế không bị "đụng hàng" với thị trường. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng những thông điệp yêu thương để người mặc luôn cảm thấy tự tin và hạnh phúc.‏

‏"Thế mạnh của sản phẩm là phong cách thời trang có hơi hướng quốc tế, nhưng lại phù hợp phom dáng người Việt, xóa nhòa khoảng cách giữa thời trang trên thế giới và Việt Nam. Cũng có những thời điểm khó khăn khi hàng nước ngoài giá rẻ tràn về Việt Nam, không ít doanh nghiệp lâu năm cũng lao đao, nhưng vợ chồng tôi quyết tâm giữ vững bản sắc của riêng mình. Mỗi sản phẩm đều là thiết kế riêng, được chăm chút từ cái cúc áo cho đến vật đính kèm… Nhờ thế, tệp khách hàng của chuỗi luôn được duy trì và ngày càng mở rộng. Nhiều khách cũ thường xuyên giới thiệu cho bạn bè, người thân"- chị Huyền chia sẻ.‏

‏Theo nữ CEO, có được người bạn đồng hành tâm đầu ý hợp trong cả công việc và đời sống cũng là điều may mắn của mình. Anh Tiền chính là động lực để chị thỏa sức sáng tạo với đam mê.‏

‏"Còn gì truyền cảm hứng hơn khi được đồng hành với người mình yêu, sống hết mình, dành hết mọi tâm sức để xây dựng sự nghiệp. Chúng tôi không chỉ khởi nghiệp kinh doanh mà còn khởi nghiệp cho cuộc đời của mình. Tôi may mắn có được người chồng tốt bụng, tử tế và cùng quan điểm trong kinh doanh là vì khách hàng. Cả hai xác định phải vì khách hàng là trên hết bất kể lý do gì. Khi khách có phàn nàn về sản phẩm, phải tìm mọi cách để làm cho khách hài lòng, kể cả việc mình chịu thiệt thòi. Có lẽ vì thế, cửa hàng có rất nhiều khách hàng lâu năm, từ khi tôi còn là cô sinh viên bán hàng handmade"- Huyền tâm sự.

 ‏"Có thời điểm chúng tôi cực kỳ khó khăn về tài chính. Với một doanh nghiệp, khó khăn về tài chính đã đánh gục 70-80% họ rồi. Nhưng với tôi thì khác, tôi có một chỗ dựa tinh thần luôn vững chắc là Huyền. Vợ chồng tôi khởi nghiệp gắn với tình yêu, đi lên từ con số 0, mọi hành trình, mọi nẻo đường đều có nhau nên khó khăn nào rồi cũng sẽ qua", anh Tiền cũng chia sẻ.‏

‏Sau tất cả, đôi vợ chồng muốn gửi gắm thông điệp với những người trẻ: Hãy đam mê, hãy khát khao và đừng từ bỏ mục tiêu của mình. Trang bị thật nhiều kiến thức và luôn phát triển chính mình, bạn sẽ thành công và mang lại giá trị cho người khác.‏

‏Ảnh: NVCC


(0) Bình luận
Cầm 500k dắt nhau mua vải Ninh Hiệp về khởi nghiệp, cặp đôi nên duyên rồi biến cửa hàng hộ gia đình thành chuỗi thời trang tên tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO