Zalo, Telegram và Facebook – ba nền tảng phổ biến tại Việt Nam – đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng lừa đảo công nghệ cao. Với sự am hiểu tâm lý người dùng và khả năng ngụy trang tinh vi, những kẻ lừa đảo dễ dàng thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản chỉ trong vài bước nhắn tin, chia sẻ link hoặc quét mã QR.
Telegram – lừa đảo kêu gọi đầu tư
Theo Trang Aura, Telegram được ưa chuộng trong cộng đồng đầu tư và tiền điện tử do tính năng tạo nhóm lớn. Kẻ gian lợi dụng điều này để tạo các nhóm đầu tư giả mạo, mời gọi người dùng tham gia với lời hứa lợi nhuận cao. Chúng thường xuyên chia sẻ "thành tích" đầu tư giả mạo, tạo niềm tin và thúc đẩy nạn nhân đầu tư tiền vào các dự án không có thật. Theo đó, nhiều người đã bị lừa đảo hàng nghìn USD qua các nhóm Telegram giả mạo này.
Theo báo cáo của Kaspersky, Telegram là nền tảng được sử dụng phổ biến nhất trong các vụ lừa đảo tài chính và giao dịch tiền số tại Đông Nam Á. Tội phạm thường tạo nhóm “chuyên gia đầu tư”, đưa ra cam kết lợi nhuận cao, hiển thị số tiền “lời” từ những thành viên giả mạo khác, rồi dụ nạn nhân chuyển tiền vào ví điện tử hoặc tài khoản ảo.
Các đối tượng thường tiếp cận nạn nhân bằng cách mời tham gia nhóm đầu tư "uy tín", nơi có hàng trăm thành viên tương tác sôi nổi. Những kẻ lừa đảo đóng giả làm chuyên gia tài chính, đưa ra các lời khuyên đầu tư hấp dẫn, kèm theo những ảnh chụp tài khoản lợi nhuận khủng hoặc phong cách sống xa hoa.
Ban đầu, nạn nhân được khuyến khích nạp số tiền nhỏ và nhận lại “lợi nhuận” đúng hẹn để tạo niềm tin. Khi đã bị cuốn vào, người dùng sẽ nạp những khoản tiền lớn hơn, rồi chỉ nhận lại... sự im lặng. Các nền tảng giao dịch và ứng dụng mà họ sử dụng sau đó cũng “bốc hơi”, kéo theo toàn bộ tài sản đầu tư.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân chính không đến từ lỗi bảo mật của Telegram mà do sự thiếu hiểu biết và bất cẩn của người dùng. Telegram còn cho phép thêm người tự động vào các nhóm và kênh, khiến nhiều người vô tình trở thành “con mồi” trong những cộng đồng lừa đảo được dựng sẵn.
Một chiêu khác là giả danh nhà tuyển dụng hoặc người tổ chức minigame có thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc đầu tư một khoản nhỏ để “được nhận thưởng”. Tất cả đều là cái bẫy đã được giăng sẵn.
Facebook - mạo danh người quen
The Guardian cho biết, thông qua messenger, kẻ gian thường giả danh người quen, người bán hàng hoặc người mua hàng để lừa đảo chuyển tiền. Chúng có thể gửi tin nhắn yêu cầu chuyển tiền gấp, hoặc tạo các giao dịch mua bán giả mạo để lừa nạn nhân chuyển tiền trước khi nhận hàng.
Theo báo cáo từ Meta, lừa đảo chuyển tiền qua giả danh người quen là một trong những hình thức phát triển nhanh.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, Hiện nay, Facebook là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Người dùng ở mọi lứa tuổi hàng ngày bỏ ra hàng giờ để “lướt” Facebook, thậm chí có nhiều người mắc “hội chứng nghiện Facebook”. Xác định đây là “mảnh đất màu mỡ” để kiếm tiền nên các đối tượng lừa đảo trực tuyến khai thác triệt để Facebook để tấn công các nạn nhân.
Điển hình, kẻ gian sẽ tìm cách chiếm tài khoản thông qua email, số điện thoại bị lộ hoặc qua các đường link giả mạo đăng nhập. Sau đó, chúng sẽ nhắn tin với lời lẽ khẩn cấp như “đang cấp cứu”, “cần gấp tiền để xử lý việc gia đình”, khiến người quen nạn nhân lập tức chuyển tiền trong tâm thế hỗ trợ người thân.
Ngoài ra, các fanpage giả mạo ngân hàng, hãng xe trúng thưởng, chương trình khuyến mãi tặng điện thoại, vé máy bay... cũng là thủ đoạn quen thuộc trên Facebook. Người dùng vì ham quà đã cung cấp thông tin cá nhân, số OTP, dẫn đến việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Một hình thức tinh vi hơn là chạy quảng cáo đầu tư tài chính trên Facebook, gắn link đến các website giả mạo. Người dùng nhấp vào, tạo tài khoản và nạp tiền – một khi đã gửi tiền, không còn cơ hội lấy lại.
Zalo - mạo danh, link giả, mã độc
Zalo là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam, trở thành mục tiêu hàng đầu của tội phạm công nghệ cao. Thời gian qua, các thủ đoạn lừa đảo qua Zalo ngày càng tinh vi, khiến nhiều người mất cảnh giác và bị chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn phổ biến nhất là chiếm đoạt tài khoản Zalo thông qua mã QR hoặc đường link giả mạo, sau đó mạo danh chủ tài khoản để nhắn tin vay tiền từ người thân, bạn bè. Nhiều người dùng nhận được tin nhắn từ “người thân” nhờ quét mã QR để tham gia bình chọn hoa hậu hoặc cuộc thi nào đó. Sau khi quét mã, tài khoản của họ bị đánh cắp, mất quyền kiểm soát, còn kẻ lừa đảo thì dùng tài khoản đó để đi vay tiền khắp danh bạ.
Một thủ đoạn tinh vi khác là mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát hoặc tòa án trên Zalo để đe dọa nạn nhân. Theo phản ánh của Công an tỉnh Thanh Hóa, kẻ lừa đảo giả danh công an, dùng hình ảnh mặc sắc phục, gửi giấy triệu tập giả qua Zalo, thông báo nạn nhân có liên quan đến một vụ án rửa tiền, buôn bán ma túy hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chúng yêu cầu nạn nhân giữ bí mật, không thông báo cho người khác, sau đó hướng dẫn chuyển tiền vào “tài khoản tạm giữ” để phục vụ điều tra.
Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng Zalo, Telegram hay Facebook là không thể thiếu. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi và phổ biến lại khiến chúng trở thành công cụ lợi hại trong tay kẻ lừa đảo.
Theo đó, người dân cần đặc biệt lưu ý những điều sau để tránh bị lừa đảo: Tuyệt đối không quét mã QR, nhấn vào link lạ, đặc biệt là các đường dẫn được gửi qua tin nhắn kèm nội dung bình chọn, trúng thưởng. Không chia sẻ thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu cho bất kỳ ai, kể cả người xưng là bạn bè. Khi có tin nhắn mượn tiền, nên gọi điện thoại xác minh trực tiếp. Cài đặt bảo mật hai lớp và không sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều nền tảng. Không đầu tư tiền qua các ứng dụng, website hoặc nhóm Telegram chưa được kiểm chứng. Luôn cập nhật các cảnh báo từ cơ quan công an, báo chí chính thống để nhận diện chiêu trò mới.