Loạt cổ phiếu Bluechips lấy lại "phong độ", âm thầm vượt đỉnh bất chấp VN-Index vẫn loay hoay quanh mốc 1.200

Ngọc Ly | 22:01 02/05/2025

Diễn biến vượt đỉnh xuất hiện trong bối cảnh thị trường đón nhận loạt kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, dòng tiền tập trung vào các nhóm ngành có kỳ vọng tăng trưởng.

Loạt cổ phiếu Bluechips lấy lại "phong độ", âm thầm vượt đỉnh bất chấp VN-Index vẫn loay hoay quanh mốc 1.200

Sau “cú sập” mạnh nhất lịch sử hồi đầu tháng 4, VN-Index đã dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể “lấy lại những gì đã mất” khi khoảng cách còn tới gần 100 điểm (chốt phiên 29/4 VN-Index dừng tại mốc 1.226,3 điểm).

Trong bối cảnh đó, nhiều cổ phiếu Bluechips “âm thầm” bứt phá, không những trở lại mạnh mẽ mà còn xác lập mức đỉnh lịch sử mới.

Diễn biến vượt đỉnh xuất hiện trong bối cảnh thị trường đón nhận loạt kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, dòng tiền tập trung vào các nhóm ngành có kỳ vọng tăng trưởng. Tâm lý nhà đầu tư cũng dần ổn định hơn sau khi áp lực bán giảm đáng kể và kỳ vọng vào sự kiện vận hành hệ thống giao dịch mới KRX.

Điển hình, bộ đôi cổ phiếu đầu ngành nhựa Việt Nam là NTP - Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và BMP – Nhựa Bình Minh lại “dắt tay nhau” cùng lên đỉnh. Thị giá NTP trở lại đỉnh 72.600 đồng/cp trong khi cổ phiếu BMP tăng bốc hơn 2%, thiết lập mức đỉnh lịch sử mới 144.600 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của BMP lần đầu vượt mốc 11.800 tỷ đồng, còn NTP đạt 10.350 tỷ đồng.

bmp_2025-04-29_14-48-45.png
Cổ phiếu BMP và NTP "dắt tay nhau" lên đỉnh (chốt phiên 29/4).

Quý đầu năm 2025, tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp đều tương đối khởi sắc, qua đó trở thành động lực lớn thúc đẩy đà đi lên của giá cổ phiếu. Theo BCTC quý 1 Nhựa Tiền Phong vừa công bố, doanh thu thuần đạt hơn 1.269 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ. Kết quả, Nhựa Tiền Phong lãi sau thuế gần 212 tỷ đồng, tăng 94% so với quý 1/2024.

Với Nhựa Bình Minh, doanh thu quý 1 của doanh nghiệp đạt 1.383 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ. Cùng với đó, giá vốn tăng 37% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí khác, Nhưa Bình Minh báo LNST đạt 287 tỷ đồng tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm vận tải biển, một cổ phiếu đang cũng đang “âm thầm” vượt đỉnh là HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Thị giá HAH bật tăng mạnh mẽ gần 6% trong phiên 29/4, qua đó tiến lên mốc cao nhất kể từ khi niêm yết là 64.200 đồng/cp. Đáng chú ý, thị giá cổ phiếu này đã tăng tới hơn 40% kể từ sau “cú sập” hồi đầu tháng 4, đẩy vốn hóa lần đầu tiên vượt 8.300 tỷ đồng.

Yếu tố giúp HAH trở nên “hút tiền” là kết quả kinh doanh quý 1 khả quan mới công bố. Theo đó, Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu thuần 1.168 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận sau thuế phình to đạt hơn 233 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ, tương ứng mức tăng trưởng 294%.

hah_2025-04-29_15-04-02.png
Cổ phiếu HAH vượt đỉnh lịch sử phiên 29/4.

Tương tự, một cái tên “lạ” diễn biến đầy khởi sắc gần đây là CTCP Trang (mã: TFC). Thị giá cổ phiếu này bật tăng 5,5% phiên cuối tháng 4, qua đó leo lên mức đỉnh lịch sử 84.100 đồng/cp. So với hồi đầu năm cổ phiếu TFC đãng tăng hơn 78% giá trị.

CTCP Trang được biết tới là doanh nghiệp tuổi đời trên 20 năm, chuyên sản xuất các sản phẩm đông lạnh và xuất bán cho loạt siêu thị lớn tại các thị trường quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao, uy tín. Hiện, 5 nhóm sản phẩm chính bao gồm: tôm tẩm bột, tôm filo, cá biển, xiên que và dim sum. Riêng nhóm sản phẩm từ tôm đóng góp trên 70% doanh thu hằng năm của Công ty.

Kết quả kinh doanh của TFC tương đối ổn định từ năm 2019 đến nay, đều đặn có lãi vài chục tỷ mỗi năm, duy chỉ có năm 2021 TFC báo lỗ nặng 29 tỷ đồng vào năm 2021 do dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng cả tới hoạt động sản xuất lẫn xuất khẩu.

Công ty nhanh chóng vực dậy sau đó. Tới năm 2024, doanh thu thuần và LNST của TFC lần lượt đạt 908 tỷ và 153 tỷ đồng - đều cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động, vượt hơn 70% mục tiêu đề ra. Theo TFC, sản lượng xuất khẩu tăng, bên cạnh đó công ty đã tận dụng tối ưu nguồn nguyên liệu, nâng cấp, mua sắm thêm máy móc thiết bị sản xuất, từ đó nâng cao năng suất.

tfc_2025-04-29_15-19-47.png
Cổ phiếu TFC vượt đỉnh phiên cuối tháng 4/2025.

Tại nhóm ngân hàng, STB của Sacombank là một trong những cổ phiếu hồi phục mạnh nhất thị trường sau nhịp giảm sâu trước đó. Thị giá STB mới được thiết lập đỉnh lịch sử vào phiên 22/4 tuần trước tại mốc 40.650 đồng/cp sau nhịp tăng khoảng 22% chỉ sau chưa đầy 2 tuần giao dịch. Hiện, thị giá đang chỉnh nhẹ về vùng 39.100 đồng/cp. 

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Sacombank đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2025 với tổng tài sản tăng 10% lên 819.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm trước.

Sacombank dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế hơn 25.350 tỷ đồng, nối dài 11 năm liên tiếp không chia cổ tức.

untitled.png

Tương tự, cổ phiếu TOS của CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng cũng chứng kiến đà hồi phục khởi sắc, tiến sát đỉnh lịch sử 151.900 đồng/cp.

Chốt phiên 29/4, TOS tăng gần 8% lên hơn 142.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 45% sau 3 tuần giao dịch. Về tình hình kinh doanh, TOS tiếp tục báo lãi lớn quý 1/2025. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 881 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 214 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ.

Trước đó trong năm 2024, TOS cũng ghi nhận kết quả kinh doanh "tăng bằng lần" với doanh thu thuần đạt 3.976 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 489 tỷ, gấp 2,4 lần.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Dịch vụ biển Tân Cảng là đơn vị trực thuộc, do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sở hữu 36% cổ phần. Tân cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ.

Công ty được thành lập từ năm 2012 với thế mạnh khai thác các cảng biển Container lớn trên toàn quốc với thị phần trên 50% cà nước. Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu là Dịch vụ hàng hải; Khai thác hạ tầng cảng và đầu tư tài chính; Dịch vụ cung ứng, quản lý khách sạn và du lịch…

untitled(1).png

Một trường hợp khá "tiếc nuối" trong phiên cuối tháng 4 khi đứt chuỗi tăng kịch trần 7 phiên liên tiếp là NFC của CTCP Phân lân Ninh Bình. Cổ phiếu này gặp áp lực chốt lời khiến thị giá nằm sàn phiên 29/4 về mốc 42.400 đồng/cp, song vẫn cao hơn 55% so với hồi đầu tháng 4 khi thị trường chung chưa có "cú sập" giảm mạnh nhất lịch sử.

Trong văn bản giải trình về đà tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 18/4 tới 24/4, NFC cho biết các nhà đầu tư đánh giá cao cổ phiếu công ty và kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp qua những số liệu đã được công bố tại BCTC quý 1/2025: doanh thu thuần bán hàng đạt gần 453 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt gần 120 tỷ đồng, doanh thu tài chính đạt 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 51 tỷ đồng. Các chỉ số này tăng so với cùng kỳ lần lượt 62%, 288%, 1.109% và 288%.

Ngày 24/4/2025, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 2025 với doanh thu 1.050 tỷ, lợi nhuận trước thuế 65 tỷ, tỷ lệ trả cổ tức là 20%. Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp này đã hoàn thành được 43% kế hoạch doanh thu và 78% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.

untitled(2).png

Có thể thấy rằng, việc nhiều cổ phiếu vượt đỉnh trong bối cảnh thị trường chung chưa thực sự hồi phục đáng kể cho thấy dòng tiền đang vận động theo hướng chọn lọc và phân hóa mạnh. Song, đây cũng là tín hiệu tích cực cho tâm lý nhà đầu tư sau giai đoạn điều chỉnh sâu hồi đầu tháng 4.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn những biến số khó lường, việc quản trị rủi ro và ưu tiên cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt vẫn là yếu tố then chốt để nhà đầu tư duy trì hiệu quả danh mục trong thời gian tới.


(0) Bình luận
Loạt cổ phiếu Bluechips lấy lại "phong độ", âm thầm vượt đỉnh bất chấp VN-Index vẫn loay hoay quanh mốc 1.200
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO