Dù làm việc tới kiệt sức 20 tiếng mỗi ngày, nhiều nhân viên ngân hàng như Robert W. Baird vẫn không thoát khỏi làn sóng sa thải. Nhân viên bộ phận phân tích của ngân hàng Baird có trụ sở tại Mỹ kể rằng họ thường xuyên phải làm việc đến 4h sáng. Sau nhiều tuần liên tục tăng ca, phần thưởng chỉ là 1 bữa tiệc pizza.
Tại buổi gặp mặt ở Chicago, quản lý vẫn yêu cầu nâng cao hiệu suất dù cho tất cả đã cống hiến hết sức có thể. Một số nhân viên phản đối, viện dẫn giờ làm đã quá nhiều, song chỉ nhận lại câu trả lời “cần làm việc hiệu quả hơn”.
Văn hóa làm việc hà khắc, lịch trình dày đặc là vấn đề nhức nhối tại Phố Wall. Nhiều khiếu nại bị bỏ qua, khi lãnh đạo phớt lờ quy định để được việc.
Tại bộ phận phân tích của Baird, làm việc 110 giờ mỗi tuần (trung bình 20 tiếng mỗi ngày) không hiếm. Một cựu nhân viên nói quản lý thường xuyên bác đơn xin nghỉ thứ bảy.
Từ đầu năm 2024, hơn 10 nhân sự tại đây đã nộp đơn xin nghỉ việc. Hai người phải nhập viện vì kiệt sức.
Bức xúc lên đỉnh điểm vào tháng trước khi một bài đăng về điều kiện làm việc tại Baird lan truyền trên diễn đàn tài chính Phố Wall. Tác giả ẩn danh viết: “Là nhân viên phân tích và cộng sự, bạn bị đối xử như rác rưởi”.
Một cựu nhân viên kể đã làm việc ròng rã một năm, thức trắng nhiều đêm chuẩn bị tài liệu. Một tối, anh chỉ xin nghỉ 25 phút đi ăn tối nhưng quản lý đã nổi giận, nói không được rời bàn quá 5 phút nếu không thông báo.
Một nhân viên khác thì cho biết anh phải liên tục làm 20 tiếng mỗi ngày vào mùa xuân năm ngoái. Vài tuần sau, người này ngã quỵ tại nhà vì kiệt sức và suy tuyến tụy. Công ty quyết định sa thải anh với lý do năng suất kém.
Văn hóa làm việc đến chết bắt đầu thịnh hành trong giới tài chính toàn cầu khi dịch Covid-19 khiến các tòa nhà văn phòng tại New York, London và nhiều nơi khác bị bỏ trống. Một khảo sát gần đây với những chuyên gia phân tích mới tại Goldman Sachs cho thấy họ đều phải gánh một khối lượng công việc quá tải.

Hồi năm 2021, hơn 10 chuyên viên phân tích mới của Goldman Sachs than thở rằng họ phải làm việc trung bình 95 giờ/tuần, chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm và bị lạm dụng ở nơi làm việc. Đa số thừa nhận sức khỏe tinh thần của họ tệ đi đáng kể sau khi vào làm việc tại ngân hàng.
Trong nhiều hội nhóm, một lực lượng ngày càng đông những người đang tìm cách bỏ việc. Logan Naidu, giám đốc điều hành của Dartmouth Partners, công ty giúp tuyển dụng các nhân viên ngân hàng cấp thấp cho biết: “Đó là một cuộc chiến khó khăn để các ngân hàng giữ được nhân viên của họ”.
Dẫu vậy, lời cầu cứu của các nhân viên ngân hàng cấp thấp không gây được nhiều tiếng vang. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, xã hội sẽ không rơi nước mắt đối với những thanh niên 22 tuổi muốn nhận mức lương sáu con số ngay trong năm đầu sau tốt nghiệp đại học. Một số sếp ngân hàng tầm trung tiết lộ rằng họ thậm chí đã phải làm 100 giờ mỗi tuần thời gian đầu mới bắt đầu làm.
“Có một dạo tôi không thể ăn, đi tắm hay làm bất cứ điều gì khác ngoài làm việc từ sáng cho tới nửa đêm”, một nhân viên cho hay.
100% cho biết công việc làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ với gia đình và bạn bè. 3/4 nhân viên cảm thấy họ là nạn nhân của lạm dụng nơi công sở và đã cân nhắc hoặc tìm kiếm trợ giúp để giải quyết các vấn đề tâm lý. “Cơ thể tôi lúc nào cũng đau nhức và tâm trạng rất u ám”, một người cho biết.
Năm 2015, Sarvshreshth Gupta (22 tuổi, người Ấn Độ), từng làm việc tại các ngân hàng danh tiếng như Credit Suisse, Deutsche Bank và Goldman Sachs, đã tự tử vì quá áp lực với công việc. Một tháng sau anh qua đời, cha anh đã quyết định kể với thế giới về công việc đầy áp lực, căng thẳng này. Ông cho biết con trai mình đã tâm sự rằng luôn thiếu ngủ khi phải làm việc liên tục 20 tiếng liền.
Trước đó, một thực tập sinh của Bank of America qua đời sau khi làm việc liên tục nhiều đêm liền tại văn phòng. Một nhân viên 29 tuổi từ Moelis & Co cũng đã chết do nhảy từ tòa nhà căn hộ sang trọng ở trung tâm thành phố Manhattan.
Theo: WSJ, CNN